Đi để trưởng thành (Bài 2): Những ngày đầu trong quân ngũ của chiến sĩ mới
Từ những bỡ ngỡ, rụt rè ban đầu, sau gần 2 tuần trong quân ngũ, đa phần các chiến sĩ đã bắt nhịp với cuộc sống mới, nghiêm túc học hỏi, rèn luyện tác phong của người quân nhân chính quy.
Đã gần nửa tháng trôi qua kể từ khi nhập ngũ, mỗi buổi sáng của chiến sĩ Nguyễn Hữu Trọng (19 tuổi, phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa) bắt đầu vào lúc 5h30 phút, khi tiếng còi báo thức của Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (đóng quân tại huyện Bá Thước), thuộc Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa reo vang.
Thao tác nhanh nhẹn, khẩn trương, Trọng chỉnh trang lại trang phục, tác phong trước khi bước vào nội dung tập thể dục buổi sáng. Theo từng nhịp hô vang giòn giã của người chỉ huy, Trọng cùng các chiến sĩ khác trong trung đội nghiêm túc, nhịp nhàng thực hiện từng động tác.
Ngồi nghỉ giải lao sau khi thực hiện xong bài tập thể dục, chiến sĩ Nguyễn Hữu Trọng vui vẻ trò chuyện: “Đây là những hoạt động mà khi chưa vào quân ngũ, em và nhiều chiến sĩ mới chưa từng làm. Ở nhà, em rất ít khi thức dậy sớm tập thể dục buổi sáng, nhiều khi còn thích ngủ nướng nữa. Tuy nhiên, khi đã khoác lên mình màu áo lính, mình phải nỗ lực, nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định, tác phong, nền nếp sinh hoạt trong quân đội. Đây cũng là dịp để rèn luyện sức khỏe, thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt”.
So với nhiều bạn bè cùng trang lứa, chiến sĩ Nguyễn Hữu Trọng có suy nghĩ, tác phong khá chững chạc. Vốn yêu thích màu xanh áo lính, sau khi tốt nghiệp THPT, Trọng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ dẫu biết rằng sẽ có nhiều gian khó, thử thách đón đợi ở phía trước.
Có lẽ bởi niềm yêu thích ấy nên Nguyễn Hữu Trọng đón nhận, học hỏi mọi điều mới mẻ trong quân ngũ với tất cả sự hăng say, nhiệt tình, nghiêm túc. Từ những điều nhỏ nhặt như báo thức, tập thể dục, dọn vệ sinh đến việc xếp nội vụ, học tập, sinh hoạt, Trọng đều cố gắng hoàn thành, rèn luyện tốt. Với chiến sĩ Nguyễn Hữu Trọng, đó không đơn giản là mệnh lệnh, ý thức kỷ luật mà còn có cả tình yêu, sự trân trọng mà Trọng dành cho lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi đến thăm Đại đội 2, Tiểu đoàn 40, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa vào một ngày mưa xuân giăng mắc. Trong đợt giao nhận quân vừa qua Đại đội tiếp nhận 120 chiến sĩ mới vào huấn luyện. Mỗi người một hoàn cảnh, tính cách khác nhau, nhưng khi đã trở thành chiến sĩ trong quân đội, tất cả đều hòa vào nhịp sống chung, nêu cao tinh thần đồng chí, đồng đội.
Trước khi nhập ngũ, Hà Văn Bình (19 tuổi ở xã Lũng Niêm, Bá Thước) đã có thời gian đi làm công nhân ở Bắc Ninh, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên Bình sớm phải lo toan, vun vén cuộc sống. Kể từ khi bước chân vào quân ngũ, Bình bắt đầu làm quen nhịp sống mới theo 11 chế độ trong ngày của quân đội. Tuy việc phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt vào khuôn khổ, nền nếp khiến các chiến sĩ mới có đôi chút lúng túng, nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các cấp chỉ huy, đồng đội, sau gần hai tuần nhập ngũ, hầu hết chiến sĩ mới đã quen dần.
Bình chia sẻ: “Sinh hoạt lành mạnh, điều độ theo giờ giấc quy định khiến em và nhiều chiến sĩ khác điều chỉnh được nhiều thói quen, tác phong không tốt như thức khuya, ăn uống tùy tiện, lười tập thể dục, lề mề, luộm thuộm… Vì thế, phần lớn mọi người cảm thấy khỏe khoắn, năng động, nhanh nhẹn hơn rất nhiều”.
Chiến sĩ Vi Văn Diễn (23 tuổi đến từ huyện Lang Chánh) là 1 trong số 14 đảng viên trẻ nhập ngũ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 40, Bộ CHQS tỉnh trong đợt tuyển quân này. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, Vi Văn Diễn luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu, không ngại trao đổi để hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian huấn luyện.
Cũng như nhiều chiến sĩ mới của Đại đội 2, Tiểu đoàn 40, Vi Văn Diễn dành nhiều sự quan tâm, hứng thú với những buổi học xếp nội vụ. Diễn cho biết: “Những việc gấp chăn, màn, vật dụng cá nhân tưởng như đã quá quen thuộc hằng ngày nhưng khi được các cán bộ của trung đội hướng dẫn xếp nội vụ theo “đúng chuẩn” thì em thực sự cảm thấy không hề đơn giản chút nào, mới thấm thía câu nói quen thuộc: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Không chỉ được rèn luyện về thể chất, tác phong, nền nếp, trong ngày các chiến sĩ mới sẽ có những khung giờ quy định dành cho hoạt động thể dục - thể thao, đọc sách báo, xem thời sự, giao lưu văn nghệ, sinh hoạt tư tưởng, dọn vệ sinh, tăng gia sản xuất… Từ đó có dịp được giới thiệu bản thân, chia sẻ tâm tư, khó khăn của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Một ngày của các chiến sĩ không chỉ có học tập, rèn luyện. Rất đỗi bình dị và tự nhiên, trong những khoảnh khắc nhất định, các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ấy xúc động vì nhớ nhà, nhớ người thân, có cả những giấc ngủ trằn trọc. Nhưng hơn hết, mỗi chiến sĩ đều nhận thức sâu sắc rằng: Được phụng sự Tổ quốc, Nhân dân là điều vinh dự, tự hào, và đây sẽ là những dấu mốc, kỷ niệm đẹp, ý nghĩa của cuộc đời.
“Thời gian tới, các chiến sĩ mới sẽ bước vào thời gian huấn luyện chiến thuật. Cường độ huấn luyện, yêu cầu nâng cao đòi hỏi các chiến sĩ phải có thể lực tốt, tập trung cao độ, nêu cao tính kỷ luật”, Thiếu tá Nguyễn Đình Trường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, BCH Quân sự tỉnh cho biết.
“Kỷ luật là sức mạnh quân đội”, “thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu”. Chính sự nghiêm khắc, kỷ luật trong môi trường quân ngũ là môi trường học tập, rèn luyện để các chiến sĩ hoàn thiện bản thân.