Di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm: Không thể chậm trễ
Vụ hỏa hoạn tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) mới đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tại sao những cơ sở công nghiệp như Công ty Rạng Đông vẫn còn nằm giữa khu dân cư đông đúc trong nội đô? Sự việc đã gióng lên hồi chuông báo động về việc các cơ sở sản xuất công nghiệp nguy cơ cao gây ô nhiễm, nhất là khi cháy nổ, ở nội đô.
Vụ cháy nhà kho và nhà xưởng của Công ty Rạng Đông (ngày 28/8) mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường có kết quả không quá lo ngại, tuy nhiên, cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình dân cư lân cận đã có xáo trộn. Đó mới chỉ là hệ lụy từ một vụ cháy.
Sẽ còn những nguy cơ dài lâu và nguy hiểm hơn khi đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp có cơ sở hạ tầng, công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu nằm xen cài trong khu dân cư hoặc gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây cháy nổ cao, tác động xấu đến cộng đồng.
Những hệ lụy khôn lường
Bà Đoàn Thị Mỹ (tổ dân phố số 15A, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, khi biết thông tin về vụ cháy tại Công ty Rạng Đông chúng tôi - những người sống cạnh nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại địa chỉ 524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng vô cùng lo lắng. Hàng ngày, cuộc sống của những người dân sống xung quanh nhà máy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc xả khí thải có mùi rất khó chịu ra môi trường. Nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra, chúng tôi chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại từ nhà máy này.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay, trong nội thành Hà Nội còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở lưu chứa và sử dụng hóa chất độc hại. Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong khu vực đông dân cư. Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông mới đây cho thấy rõ điều này.
Từ vụ cháy này, TP Hà Nội cần điều tra, đánh giá lại thật cụ thể, chính xác tất cả các hoạt động của các cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở nào có nguồn thải gây ô nhiễm, sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại…, phải có giải pháp khẩn cấp đưa ra khỏi nội đô.
“Di dời cơ sở sản xuất là cả một vấn đề lớn đối với DN, chắc chắn họ sẽ không thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu đã có những đánh giá chính xác mức độ gây ô nhiễm môi trường thì chính quyền cần phải có biện pháp kiên quyết. Nếu không khi xảy ra sự cố hậu quả sẽ là khôn lường” - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng khuyến nghị.
Có cơ sở mới vẫn không di dời
Tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, vấn đề di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.
Tiếp theo đó, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QĐ-TTg giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện chủ trương trên, gần như ngay lập tức UBND TP Hà Nội đã có những động thái dứt khoát, mạnh mẽ thúc đẩy nhanh quá trình di dời, nhằm phân giải áp lực dân cư cũng như áp lực giao thông cho Thủ đô.
Cụ thể, ngày 16/4/2015, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1619/QĐ-UBND nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 116 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành; cùng với đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường, kết quả có 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường, 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
TP cũng đã tổ chức phân nhóm theo tiêu chí, thứ tự di dời, lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp theo 4 giai đoạn. Về hình thức, cơ chế di dời, TP đã báo cáo xin ý kiến, để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; DN phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
Chủ trương đã có, kế hoạch đã được xây dựng cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế tiến độ di dời của các cơ sở ô nhiễm này quá chậm. Thậm chí, nhiều đơn vị đã xây dựng nhà máy mới và đi vào hoạt động nhưng cơ sở cũ vẫn sản xuất gây ô nhiễm. Điển hình như Công ty Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, Hai Bà Trưng) đã xây dựng nhà máy ở Khoái Châu, Hưng Yên; Công ty TNHH B.Braun (170 đường La Thành) đã xây dựng cơ sở sản xuất tại KCN Thanh Oai…
Số liệu báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019 cho biết, hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.
Để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của TP đồng thời đảm bảo tránh khiếu kiện của các DN có cơ sở di dời, Sở TN&MT Hà Nội đã thành lập 3 tổ công tác gồm các thành viên của Sở TN&MT, Sở QH - KT, đại diện 12 quận có danh mục cơ sở công nghiệp đề xuất di dời để rà soát, tổng hợp, bổ sung về diện tích, hiện trạng, mục đích sử dụng đất, hồ sơ quy hoạch của từng địa điểm, việc triển khai dự án theo quy hoạch cho đến thời điểm hiện tại đồng thời lập biên bản thông báo công khai theo quy định.
Không quyết liệt, khó hoàn thành
Lý giải về tiến độ xử lý, di dời chậm, UBND TP Hà Nội cho rằng do tâm lý DN không muốn di chuyển ra xa nội thành, năng lực tài chính của hầu hết các DN còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ tại nơi di chuyển đến.
Nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến; cơ chế, chính sách hỗ trợ DN di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt.
Đánh giá về sự chậm trễ này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên còn là việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trong việc giám sát, xử lý các cơ sở này. Lấy trường hợp như Công ty Rạng Đông, mặc dù đã có kế hoạch di dời từ cách đây 4 năm, có cơ sở mới tại Bắc Ninh nhưng cơ sở cũ vẫn hoạt động sản xuất. Đây là lời cảnh tỉnh trong công tác quản lý, giám sát các cơ sở công nghiệp đang còn nằm trong nội đô.
“Hà Nội phải giám sát chặt việc khai thác địa điểm cũ của các cơ sở đã có quyết định di dời, được bố trí quỹ đất. Nếu DN vẫn cố tình duy trì một lượng sản xuất nhỏ trong phố để “giữ đất” thì phải có biện pháp xử lý nghiêm, nhất là sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư.
Đồng thời, kiên quyết di dời, thu hồi quỹ đất trả TP. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của DN về phát triển bền vững, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường sống” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
"Để đẩy nhanh được công tác di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, ngoài trách nhiệm của Hà Nội rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành T.Ư. Cần tạo điều kiện trong việc bố trí ngân sách, có những chính sách ưu đãi về vốn vay để các DN sớm hoàn thành xây dựng cơ sở mới. Có chính sách phù hợp để các DN liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị theo quy hoạch mới tại cơ sở cũ." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm