Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư - Bài cuối: Cần lộ trình phù hợp

Chăn nuôi lợn, gia cầm ở Đồng Nai phát triển khá sớm so với các tỉnh khác trong cả nước, bởi địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhiều cơ sở chăn nuôi, trang trại hình thành tự nhiên hàng chục năm nay khi mà các khu dân cư đông đúc chưa mọc lên, điều kiện chăn nuôi chưa có quy định ràng buộc phải bảo vệ môi trường.

Chuồng trại được vệ sinh, khử trùng trước khi thả nuôi. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chuồng trại được vệ sinh, khử trùng trước khi thả nuôi. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Đến nay, do nhu cầu phát triển, nhất là việc tăng dân số, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thì các cơ sở chăn nuôi nằm xen cài trong các khu dân cư không còn phù hợp nữa, buộc tỉnh quy hoạch lại và di dời.

Chăn nuôi phải phù hợp quy hoạch

Chủ trương chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai không cấm, không gây khó khăn, cũng không muốn đưa ngành chăn nuôi ra khỏi địa phương. Nhưng chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Nai thực hiện di dời 3 nghìn cơ sở chăn nuôi không đảm bảo quy hoạch. Đến nay, đã có hơn 51% cơ sở di dời nên các địa phương phải tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt việc di dời các cơ sở còn lại.

“Thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai thực hiện cuộc “cách mạng” di dời nói trên khiến người chăn nuôi thuộc diện phải di dời lo lắng, nhất là trong tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi suốt nhiều tháng qua, sản phẩm chăn nuôi bán ra dưới giá thành sản xuất do chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ giảm mạnh.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có cơ sở chăn nuôi gà tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành thuộc diện di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Ông Quyết kiến nghị: “Tỉnh nên tổ chức rà soát lại thật kỹ, những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời, điều đó hoàn toàn phù hợp. Trường hợp nào mà có thể khắc phục được nên cho giãn lộ trình thực hiện; trường hợp nào vẫn có thể tồn tại, chúng ta nên có giải pháp”.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, một số trang trại chăn nuôi trước đây xây dựng trong vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, tuy nhiên sau khi bỏ quy hoạch chăn nuôi theo Luật Quy hoạch và cập nhật quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 thì trang trại có vị trí trong quy hoạch khu dân cư, đô thị nhưng hiện các quy hoạch chưa triển khai thực hiện, chưa có quy hoạch chi tiết và kế hoạch sử dụng đất, dân cư còn thưa thớt. Từ đó, dẫn đến quy định nhiều khu vực không được phép chăn nuôi chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đa số các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi là cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, số lượng vật nuôi ít, sử dụng diện tích còn trống để sản xuất chăn nuôi, tăng nguồn thu nhập đảm bảo cho cuộc sống nên việc thực hiện vận động ngưng chăn nuôi hoặc di dời gặp khó khăn do hầu hết các cơ sở đều thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới.

Một số trang trại vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để sản xuất chăn nuôi hoặc cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất chăn nuôi, tuy nhiên đến nay chưa thu hồi đủ vốn để trả nợ cho ngân hàng. Đa số lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều đã lớn tuổi, nguồn thu nhập chủ yếu là từ chăn nuôi, do đó việc ngưng chăn nuôi để chuyển đổi sang nghề khác còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chưa có định hướng nghề nghiệp mới. Một số cơ sở đã ngưng chăn nuôi theo quy định, tuy nhiên khi tận dụng chuồng trại hiện có để sửa chữa, chuyển đổi mục đích sử dụng bị vướng các quy định khác như quy hoạch, xây dựng.

Trong quá trình thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đa số các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi có quy mô nông hộ nên việc di dời gặp khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư tại địa điểm mới.

Trong quá trình thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như đa số các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi có quy mô nông hộ nên việc di dời gặp khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư tại địa điểm mới; một số trang trại vay vốn ngân hàng để đầu tư nhưng đến nay chưa thu hồi đủ vốn; đa số lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều lớn tuổi, do đó chuyển đổi nghề nghiệp gặp khó khăn, ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết.

Xây dựng lộ trình phù hợp

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nêu quan điểm ủng hộ ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, quy mô lớn.

Theo hiệp hội, trong danh sách di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô khác nhau nhưng đều sẵn sàng thực hiện chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, hiệp hội mong ngành chức năng ở Đồng Nai cần xây dựng lộ trình phù hợp hơn. Ở đây, những trang trại nằm trong khu dân cư ngưng chăn nuôi là đúng vì ảnh hưởng đến môi trường. Những cơ sở nằm ngoài khu dân cư, khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể xem xét gia hạn thêm thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời cũng rất quan trọng, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Mới đây khi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai về việc liên quan quyết định di dời hoặc buộc ngưng hoạt động với hàng loạt trang trại chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý tỉnh Đồng Nai xem xét cụ thể từng trường hợp, nhất là những trang trại có giấy phép hoạt động còn hiệu lực; đồng thời, cần có lộ trình chuyển tiếp phù hợp. "Di dời, đóng cửa hơn 3.000 trang trại trong thời gian ngắn như vậy không phải chuyện đơn giản", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Chủ trương chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai không cấm, cũng không gây khó khăn, cũng không muốn đưangành chăn nuôi ra khỏi địa phương. Nhưng chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Quan điểm phát triển kinh tế đồng thời phải bảo vệ môi trường. Quyết liệt bảo vệ môi trường là mục tiêu của tỉnh. Các địa phương tiếp tục giới thiệu địa điểm chăn nuôi phù hợp với quy hoạch và các quy định pháp luật chuyên ngành khác. Đồng thời phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho các cơ sở chăn nuôi để có việc làm ổn định sau khi ngưng chăn nuôi, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/di-doi-co-so-chan-nuoi-ra-khoi-khu-dan-cu-bai-cuoi-can-lo-trinh-phu-hop-20240817152152166.htm