Di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô Hà Nội: Cần hài hòa lợi ích của các bên liên quan
Sau 2 năm quyết liệt triển khai, số liệu báo cáo mới nhất mà Hà Nội đưa ra cho thấy, hiện mới chỉ giảm được 4 cơ sở sản xuất trong nội đô và vẫn còn tới 113 nhà máy chây ì chưa chịu di dời...
Chây ì vì lo mất lợi ích từ đất
Đến bây giờ, hẳn chúng ta còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông mới đây. Con số thiệt hại ước tính ban đầu là hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên điều đáng bàn ở đây là không chỉ thiệt hại về tài sản, mà vụ việc còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của các hộ dân khu vực này. Và đám cháy ấy đã thổi bùng lên nhiều cảnh báo về rủi ro từ việc các nhà máy sản xuất trong nội đô, đồng thời cảnh tỉnh về sự chây ì của các cơ sở này trước chủ trương di dời của thành phố.
Việc di dời các cơ sở sản xuất trong nội đô là chủ trương của chính quyền Hà Nội. Từ giữa năm 2003, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành. Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Nhằm thực hiện chủ trương trên, UBND TP. Hà Nội đã có những động thái dứt khoát, mạnh mẽ thúc đẩy nhanh quá trình di dời, nhằm phân giải áp lực dân cư cũng như áp lực giao thông cho Thủ đô. Cụ thể, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
TP. Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.
Liên quan đến cơ chế, theo UBND TP. Hà Nội, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời được thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải di dời thì sẽ sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, sau 2 năm quyết liệt triển khai, số liệu báo cáo mới nhất mà Hà Nội đưa ra cho thấy, hiện mới chỉ giảm được 4 cơ sở sản xuất trong nội đô và vẫn còn tới 113 nhà máy chây ì chưa chịu di dời. UBND TP. Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất - kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt.
Trong khi đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến kém đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, khiến tác động đến môi trường của các cơ sở này không được cải thiện và tiếp tục duy trì tình trạng rủi ro với người dân trong khu vực.
Cần hài hòa lợi ích
Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô hiện nay đang có những quy định không đồng nhất. Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Luật Thủ đô 2013 đã thể hiện rõ tại các cơ sở sau khi di dời sẽ được sử dụng vào các công trình công cộng, vườn hoa, cây xanh để phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố. Nhưng theo Luật Đất đai 2013, khi giao đất cho doanh nghiệp tại các cơ sở công nghiệp với thời hạn 30 năm, 50 năm hoặc 70 năm, thì doanh nghiệp có quyền quản lý khu đất đó và không có trách nhiệm trả lại cho thành phố.
Thế là có tình trạng, các khu đất nội đô hiện nay có giá trị rất lớn nên không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng di dời mà không nhận được lợi ích gì, còn đơn vị tiếp nhận có thể thu lợi lớn từ khai thác quỹ đất này.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, dù có luật rồi nhưng đồng thời cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố. Chính vì thiếu sự đồng bộ, minh bạch trong các quy định cũng là một lý do khiến các cơ sở công nghiệp không chịu di dời. Bên cạnh đó cần có một nguồn ngân sách kinh phí cho các cơ sở di dời mới, không thể dựa vào nguồn lực tự điều hòa của các chủ đầu tư được.
“Việc doanh nghiệp di dời tới cơ sở mới liên quan tới đời sống của người lao động như nhà ở cho người lao động. Do đó, thành phố cần phải có chính sách giải quyết thỏa đáng”, ông Nghiêm nêu quan điểm.
Là một doanh nghiệp, ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chia sẻ, hiện tổng công ty đang hoạt động sản xuất trên quỹ đất 5ha tại quận Ba Đình nhưng sản lượng của dây chuyền tại đây chỉ chiếm 1/10 nên việc di dời không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh. Được biết, quỹ đất 5ha là đất thuê của Hà Nội được quy hoạch làm công viên, vườn hoa và trường học. Ông Ngô Quế Lâm khẳng định khi nào thành phố có nhu cầu sử dụng thì doanh nghiệp sẵn sàng dời đi, nhưng cũng cần đền bù cho công ty.
Bên cạnh đó, việc phát triển các khu đất sau khi cơ sở sản xuất di dời, chuyển đổi thành nhà cao tầng cũng là giải pháp không nên loại trừ. Vì thực tế, nhu cầu nhà ở hiện nay tại TP. Hà Nội còn rất lớn trong khi cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo các chuyên gia, thành phố cần có chính sách phù hợp để vừa đảm bảo di dời được cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, nhưng đồng thời đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và hạn chế ảnh hưởng đến hạ tầng, cuộc sống tại khu vực.