Di dời dân, chằng chống nhà cửa trước cơn bão số 13

Ngày 14-11, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1601/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 13. Công điện nêu rõ, bão số 13 hiện nay mạnh hơn so với dự báo trước đây.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa và gió mạnh, các địa phương hiện đang gấp rút di dời, sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ chịu tác động của sóng lớn, nước dâng, khu vực ngập sâu, sạt lở, lũ ông, lũ quét cùng huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa.

Bà Trần Thị Mánh (83 tuổi, thôn Tường Vân, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) được lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán về trạm y tế xã để đảm bảo an toàn

Bà Trần Thị Mánh (83 tuổi, thôn Tường Vân, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong) được lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán về trạm y tế xã để đảm bảo an toàn

Theo ghi nhận tại xã Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) gần 100 cán bộ chiến sĩ biên phòng, cảnh sát biển phối hợp với lực lượng địa phương đang khẩn trương di dời hàng trăm người dân tại vùng xung yếu, nhà tạm bợ, đến các trụ sở, trường học, trạm y tế để tránh trú.

Sơ tán người dân đến nơi an toàn

Sơ tán người dân đến nơi an toàn

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Đến thời điểm này, xã Triệu An đã triển khai công tác di dời. Dự kiến sẽ di dời 250 hộ, trong sáng nay đã di dời được 210 hộ với 415 nhân khẩu, chủ yếu di dời những hộ từ nhà không kiên cố qua nhà kiên cố trong khu vực với nhau, di dời 10 hộ dân lên điểm tập trung tại trung tâm y tế xã cùng huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để tránh mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.”

UBND huyện Triệu Phong cho biết, hiện nay công tác ứng phó với bão số 13 các địa phương trong toàn huyện cơ bản hoàn tất. Công tác di dời dân đã được chính quyền các địa phương triển khai rất khẩn trương. Toàn huyện đã tiến hành di dời 1.080 hộ dân với 2.340 khẩu, đến các nơi trú ẩn an toàn. Các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền tiến hành cắt tỉa cành cây, tháo dỡ trụ đèn, chằng chống nhà cửa, các cơ sở trường học được chằng chống đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, xe tuyên truyền lưu động đã liên tục cập nhật tình hình diễn biến của bão và các biện pháp phòng chống bão để người dân chủ động ứng phó.

Người dân xã Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 13.

Người dân xã Triệu An (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa phòng chống bão số 13.

Tỉnh Quảng Trị đã lên phương án trong trường hợp bão trực tiếp đổ bộ, tỉnh sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi. Trước khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn, nếu cần thiết sẽ cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn.

Sáng 14-11, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển và đất liền các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung bộ từ ngày 14-11 đến ngày 15-11.

Tại Đà Nẵng, từ sáng sớm 14-11, nhiều người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng đang khẩn trương chằng chống nhà cửa trước khi cơn bão số 13 đổ bộ vào đất liền.

Tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), có 159 nhân khẩu đăng ký đến nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai khu văn hóa biển Kim Liên để tránh trú bão số 13.

Người già và trẻ nhỏ được ưu tiên di dời trước

Người già và trẻ nhỏ được ưu tiên di dời trước

Bà Đào Thị Cương (77 tuổi, trú tổ 19, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, trong năm nay tôi đã đến nhà sinh hoạt cộng đồng của phường để trú bão số 9 lần trước và số 13 lần này. Nhà tôi đang ở xây cách đây 2-30 năm rồi, lại không có đổ bê tông nên đến nơi đây ở cho an toàn, nhà có chuyện gì thì bão tan rồi tính tiếp.

Nhà cộng đồng, trường học... kiên cố là nơi được chọn để di dời người dân đến tránh trú bão

Nhà cộng đồng, trường học... kiên cố là nơi được chọn để di dời người dân đến tránh trú bão

Ở khu dân cư Tân Trà (quận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) nơi có hàng chục nhà cấp 4, tại đây chính quyền địa phương, quân đội, công an đã đến từng hộ dân hỗ trợ di dời đến nơi an toàn.

Người dân phường Hòa Hải được chở đến nơi tập trung

Người dân phường Hòa Hải được chở đến nơi tập trung

Các lực lượng vận động người dân đi đến nơi an toàn vào sáng 14-11

Các lực lượng vận động người dân đi đến nơi an toàn vào sáng 14-11

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, tính đến 9 giờ sáng 14-11, các quận, huyện tiến hành sơ tán gần 92.631 người dân. Trong đó, quận Liên Chiểu tiến hành sơ tán 59.192 người, huyện Hòa Vang 13.859 người, trong đó có 1.208 người dân ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét tại các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc, quận Sơn Trà 6.870 người, quận Thanh Khê là 3.208 người, quận Ngũ Hành Sơn với 2.478 người…

Các tàu thuyền chủ động vào nơi tránh trú bão từ chiều 13-11

Các tàu thuyền chủ động vào nơi tránh trú bão từ chiều 13-11

Đã có 24 công trình với 41 cẩu tháp đã bảo đảm an toàn, 140 trạm BTS đã được hạ tải; 957 trạm BTS đã được gia cố.

Tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), dọc tuyến đường vào sâu trong các thôn, loa truyền thanh của địa phương liên tục cập nhật những tin tức của bão cũng như hướng dẫn bà con công tác phòng chống, sơ tán đến nơi an toàn.

Người dân được vận động sơ tán khỏi nơi có nguy cơ sạt lở

Người dân được vận động sơ tán khỏi nơi có nguy cơ sạt lở

Chỉ kịp lấy vài bộ quần áo bỏ vào bao ni lông nhỏ và chăn gối để ngủ qua đêm, gia đình bà Nguyễn Thu Thủy (trú thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến nơi sơ tán an toàn.

Bà Thủy cho biết, nhà của bà là căn nhà cấp 4 được xây cách đây mấy chục năm. Vì vậy, cơn bão nào được dự báo có sức tàn phá mạnh, gia đình của bà và nhiều người khác trong thôn dọn dẹp đồ đạc trong nhà để nhanh chóng sơ tán.

Nhiều tổ công tác xuống các thôn, hỗ trợ người dân, người già neo đơn di chuyển đến nơi tránh trú

Nhiều tổ công tác xuống các thôn, hỗ trợ người dân, người già neo đơn di chuyển đến nơi tránh trú

Tại thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), địa phương này có khoảng 120 hộ dân sống ở khu vực dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao. Vì vậy, địa điểm được chọn di dân đến là các nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố. Tại đây, người dân được bố trí chỗ ăn ở và các thực phẩm thiết yếu.

 Sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm

Sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm

Từ sáng sớm 14-11, lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã tập trung tại phường để chuẩn bị đi hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền chống bão. Trong không khí khẩn trương, những thanh niên xúc cát thành từng bao gọn gàng và chất lên xe tải để đi đến từng nhà.

Lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chuẩn bị đi hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa

Lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chuẩn bị đi hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa

Nhà bà Lê Thị Duyệt (đường Lê Văn Linh, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là hộ gia đình chính sách, nhà chỉ 2 ông bà già trên 70 tuổi nuôi 2 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ. Căn nhà của ông bà là nhà cấp 4, lợp mái tôn nên lực lượng hỗ trợ của phường đã triển khai gia cố bao cát, chằng chống nhà cho ông bà.

“Tôi đang rất lo vì cơn bão này rất mạnh, nhà lại chỉ có người già và trẻ nhỏ, nhưng khi vừa đi chợ về thì thấy lực lượng chính quyền tới hỗ trợ, tôi thật cảm động. Đây là công tác hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực của các cấp chính quyền cho bà con nhân dân”, bà Duyệt xúc động cho biết.

Tăng cường kiên cố hóa cho nhà dân nhiều hơn so với những cơn bão trước

Tăng cường kiên cố hóa cho nhà dân nhiều hơn so với những cơn bão trước

Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tàu biên phòng của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã di chuyển ngược lên sông Hàn trong sáng 14-11 để sẵn sàng ứng cứu trong bão số 13. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tổ chức tuyên truyền nhắc nhở các tàu thuyền neo đậu tránh bão bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.

Đến thời điểm này, Đà Nẵng bắt đầu có mưa nhỏ. Công tác di dời, sơ tán người dân ở vùng đồi núi, vùng trũng thấp ven biển đến nơi an toàn đã hoàn thành. Bắt đầu từ 12 giờ, TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không đi ra ngoài để đảm bảo an toàn.

Tại Quảng Ngãi, từ 12 giờ ngày 14-11, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng biển Quảng Ngãi trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12, biển động dữ dội, trong đất liền có gió Tây Bắc cấp 5, giật cấp 6-7, vùng ven biển cấp 6, cấp 7 giật cấp 8-9, riêng vùng ven biển phía bắc tỉnh, đặc biệt là khu vực Dung Quất có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Từ 12 giờ ngày 14-11, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn

Từ 12 giờ ngày 14-11, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi khẩn trương triển khai các nội dung, triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ, tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

Riêng huyện Lý Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12 giờ ngày 14-11 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).

Một ngôi nhà ở huyện Lý Sơn đã đóng cửa di dời sáng ngày 14-11

Một ngôi nhà ở huyện Lý Sơn đã đóng cửa di dời sáng ngày 14-11

Trao đổi với ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn về ứng phó bão số 13, ông cho biết, sáng ngày 14-11, gió trên biển đã giật cấp 10, 11. Huyện đã yêu cầu di dời người dân đến nơi an toàn. Kiểm tra việc xuất bến của tàu thuyền tuyệt đối không cho tàu rời bến mà phải neo đậu an toàn theo sự hướng dẫn của lực lượng chức năng. Phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn đã cho học sinh nghỉ học ngày 14-11 để đảm bảo an toàn.

Hiện tất cả các tàu vận chuyển hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn đã dừng hoạt động, tuyến đảo Bé - đảo Lớn cũng đã dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Người dân Lý Sơn chèn chống nhà cửa trước khi bão số 13 đổ bộ

Người dân Lý Sơn chèn chống nhà cửa trước khi bão số 13 đổ bộ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Bộ Chỉ huy BĐBP chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.

Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Tổ chức neo đậu tàu thuyền, lồng bè an toàn, chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại nơi neo đậu. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Đối với các khu vực hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị cắt, thực hiện di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Đặc biệt chú ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, vùng trũng thấp tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Chỉ đạo rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yếu để di chuyển đến nơi an toàn; trường hợp không chấp hành thì phải kiên quyết cưỡng chế và xem xét xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 nên khả năng từ chiều nay đến sáng sớm ngày 15-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ ngành, địa phương liên quan dừng các cuộc họp không thật sự cần thiết, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khu vực trên biển, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, yêu cầu tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và các hoạt động khác trên biển.

Tổ chức, hướng dẫn neo đậu an toàn cho tàu thuyền; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú. Kiểm soát chặt chẽ việc cấm biển. Rà soát, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đối với trên đất liền và các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, cần tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao... hạn chế thiệt hại do bão.

Khẩn trương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm (trong các nhà không an toàn, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét,...) đến nơi an toàn. Triển khai phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng quan trọng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Triển khai các biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thường trực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão bố trí lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chật chẽ diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương trọng điểm dự kiến bão đổ bộ để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

PHAN THẢO - NGUYỄN CƯỜNG - XUÂN QUỲNH - NGUYỄN TRANG - NGUYỄN HOÀNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/di-doi-dan-chang-chong-nha-cua-truoc-con-bao-so-13-697602.html