Di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai còn nhiều khó khăn

Từ nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và lồng ghép với một số nguồn kinh phí khác, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện công tác di dời, bố trí, sắp xếp lại dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, ngập lụt, sạt lở đất, nhằm đảm bảo cuộc sống, tính mạng của người dân. Tuy nhiên, do kinh phí bố trí còn hạn chế, thiếu mặt bằng, quỹ đất tái định cư nên công tác bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai còn gặp nhiều khó khăn.

Do mưa lũ kéo dài, một phần đất khu phía sau nhà bị sụt lún, đất đá tràn vào nhà, gia đình anh Hoàng Chàn Quấy, xóm Nặm Dâng, xã Ca Thành (Nguyên Bình) là một trong những hộ phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm trong năm 2023. Mặc dù được vận động di chuyển đến nơi an toàn với mức hỗ trợ 30 triệu đồng, nhưng gia đình anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, không có tiền để xây dựng nhà ở mới.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyên Bình, khó khăn lớn nhất để thực hiện di dời dân ra khỏi vùng thiên tai trên địa bàn huyện là thiếu vốn. Bằng nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai, từ năm 2021 đến nay, huyện hỗ trợ 116,9 triệu đồng cho 11 hộ tại các xã có nguy cơ sạt lở cao như: Hưng Đạo, Mai Long, Vũ Nông, Thành Công, Ca Thành, Quang Thành... di dời ra khỏi vùng thiên tai. Thực tế hiện nay huyện vẫn thực hiện hỗ trợ theo giai đoạn cũ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, trong khi đó các hộ trong diện phải di dời đa số là hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí dự phòng của huyện rất khó tự bố trí mà phải chờ ngân sách từ Trung ương. Các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đa số là hộ nghèo, cận nghèo nên khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường sẽ thiếu khu vực mới (đảm bảo an toàn) để di chuyển ổn định cuộc sống.

Năm 2024, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc các dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, toàn tỉnh triển khai đầu tư 11 công trình, dự án bố trí ổn định dân cư, khắc phục hậu quả thiên tai và di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng và Thành phố. Trong đó, huyện Bảo Lạc có 2 dự án, gồm: Đầu tư hơn 25 tỷ đồng thực hiện Dự án ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ và bố trí vốn hơn 12 tỷ đồng thực hiện Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Cốc Ngòa, xã Hưng Đạo. Hiện đã hoàn thành 100% hạng mục công trình san gạt mặt bằng, dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng nhà ở cho các hộ dân cuối năm 2024.

Mùa mưa bão đất, đá sạt lở vào nhà người dân trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

Mùa mưa bão đất, đá sạt lở vào nhà người dân trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

Huyện Bảo Lâm có 4 dự án, gồm: Đầu tư 61,5 tỷ đồng thực hiện Dự án ổn định dân cư biên giới xóm Lũng Mần và cụm dân cư Lũng Pịa, xã Đức Hạnh đang hoàn thiện các hạng mục. Đầu tư 23,9 tỷ đồng thực hiện Dự án dân cư vùng thiên tai xóm Nà Kiềng, Phiêng Phát, Tổng Chảo, xã Quảng Lâm đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đang tiến hành san gặt mặt bằng tại các vị trí tái định cư; dự kiến bàn giao mặt bằng khu dân cư và các hạng mục công trình cho 60 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2025. Đầu tư 30,3 tỷ đồng thực hiện Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Bản Miều, Phiêng Rù, Nà Luông, Nà Tốm, Nà Lạn, xã Vĩnh Quang, đang thi công đào đắp, san gạt mặt bằng tại khu dân cư xóm Bản Miều; dự kiến bàn giao mặt bằng khu dân cư và các công trình của dự án trong năm 2025 cho 55 hộ dân xây dựng nhà ở tại điểm tái định cư. Đầu tư 40 tỷ đồng thực hiện Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai xóm Nà Sài, Khau Lạ, Nà Làng, Nặm Ngoại, xã Mông Ân, dự án cơ bản đã hoàn thiện hạng mục san gạt mặt bằng dân cư; các hạng mục nước sinh hoạt và mương thủy lợi, điện sinh hoạt và đường đang thực hiện...

Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 110 hộ dân có nhu cầu bố trí ổn định dân cư. Trong đó, toàn tỉnh mới bố trí sắp xếp được 23 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng… Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung thực hiện bố trí các hộ dân ở vùng có nguy cơ và nguy cơ cao ra khỏi vùng thiên tai.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nông Chí Kiên cho biết: Thực hiện Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ di dời là 10 triệu đồng/hộ; nay một số địa phương thực hiện theo các quyết định của chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, thực hiện theo Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo đó nâng mức hỗ trợ lên 44 triệu đồng/hộ; Quyết định số 590/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, di dời nhà ở khẩn cấp cho các hộ nghèo được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ mới này vẫn thấp và chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ.

Hiện nay, tổng vốn đầu tư từ các nguồn mới chỉ đáp ứng khoảng 46% so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, hầu hết các dự án bố trí dân cư vùng thiên tai thực hiện ở vùng biên giới, địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt... Nhiều dự án kéo dài, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cấp bách. Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ di dân khỏi vùng thiên tai mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, song còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân khi đến khu định cư mới. Ngoài ra, công tác xây dựng phương án tổng thể các vùng thiên tai của các địa phương còn nhiều hạn chế, hỗ trợ nhỏ, lẻ. Do vậy, tỉnh khó chủ động được nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm...

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/di-doi-dan-cu-ra-khoi-vung-thien-tai-con-nhieu-kho-khan-3171028.html