Di dời dân để giãn cách và dập dịch
Cần phải tính toán giải pháp di dời dân càng sớm càng tốt. Khi dân số đã giãn ra, việc chống dịch sẽ thuận lợi
Diễn biến dịch bệnh ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang rất phức tạp, khó có thể chấm dứt trong thời gian ngắn.
Mật độ dân cư đông
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới dịch bệnh nghiêm trọng là mật độ dân số quá dày. Điển hình TP HCM có khoảng 10 triệu người, Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh có khoảng 3 triệu người. Việc phân bố dân cư dày đặc tại những khu trung tâm trong những con hẻm sâu, nhà có diện tích nhỏ, nhà trọ chật chội có nhiều người sinh hoạt. Đối với những nơi như vậy, vì không gian chật chội, ẩm thấp nên việc thực hiện giãn cách rất khó khăn. Ở lâu ngày trong điều kiện đó dẫn tới bí bách, việc chấp hành chủ trương chống dịch của Chính phủ sẽ khó thực thi. Đó chính là lý do khiến những nơi này có tỉ lệ lây nhiễm dịch cao.
Mặt khác vì nhà máy ngừng hoạt động; nhà hàng, quán ăn đóng cửa, lực lượng lao động phổ thông, công nhân và những người nghèo sẽ không có thu nhập nên rất khó khăn, hằng ngày chờ đợi trợ cấp của chính quyền. Cho dù Chính phủ, TP HCM và các tỉnh dốc ngân khố hỗ trợ cũng khó đảm bảo khi chưa biết cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu.
Do vậy, cần phải tính toán giải pháp di dời dân càng sớm càng tốt. Khi dân số đã giãn ra, việc chống dịch sẽ thuận lợi. Nếu chụm lại như hiện nay sẽ trở thành một ổ dịch lớn mà việc xoay sở sẽ hết sức khó khăn.
Tổ chức di dời dân như thế nào?
Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, chỉ riêng lực lượng bán vé số tại TP HCM là 40.000 người. Khi dịch tại TP HCM ngày càng phức tạp, địa phương này chủ trương tổ chức đưa những thành phần khó khăn về địa phương. Sau đó, tiến hành thông báo cho những người này biết qua nhiều kênh thông tin. Số lượng người đăng ký về quê khoảng 16.000 người. Điều kiện để được lên xe là xét nghiệm âm tính, test nhanh hoặc xét nghiệm PCR và có mặc đồ bảo hộ. Từ đó đến nay, cứ mỗi tuần tổ chức 3 đợt, mỗi đợt 700 người, bố trí trên 25 xe 50 chỗ ngồi. Đầu đoàn xe và cuối đoàn xe có xe của cảnh sát giao thông tỉnh dẫn đầu và khóa đuôi. Khi về đến địa phương, tỉnh sẽ bố trí cách ly, tổ chức xét nghiệm. Nếu âm tính, hết thời hạn cách ly tập trung 7 ngày sẽ đưa về nhà tiếp tục cách ly theo quy định.
Câu chuyện của Phú Yên là bài học. Đầu tiên, phải thành lập đoàn công tác cấp Chính phủ làm việc với các địa phương để quán triệt việc di dời dân, kiểm tra các cơ sở vật chất đủ điều kiện cách ly người dân với số lượng lớn. Một cơ sở vật chất cách ly cực lớn mà hiện nay chưa được trưng dụng: đó là các trường học cấp 1,2,3; các khách sạn, cơ sở lưu trú.
Đối với các trường học, vì đã có sẵn bàn ghế, dễ dàng biến thành giường ngủ; chỉ cần bổ sung thêm các nhà vệ sinh- thời gian thi công và đưa vào sử dụng chỉ từ 5-7 ngày. Đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú sẽ dành cho người có nhu cầu cách ly tự túc, có thu phí. Đồng thời, các bệnh viện từ tuyến huyện đến cấp tỉnh, tăng thêm phần diện tích đáng kể để chữa cho những người bị mắc bệnh. Như vậy, ngoài các cơ sở cách ly đã có lâu nay, với cách làm này chúng ta lại có thêm diện tích lớn để tổ chức cách ly cho người dân, đồng thời sẵn sàng phương án chữa trị cho người bệnh.
Một sự tiện lợi rất lớn, đó là khi người dân trở về quê, trong thời gian cách ly, họ nhận được sự tiếp tế lương thực của gia đình. Sau thời gian cách ly, họ về sống chung với gia đình, cưu mang đùm bọc lẫn nhau; nhà nước không phải lo ăn hằng ngày.
Triển khai theo cách thức này, các tỉnh thành chủ động thông báo cho người dân đăng ký qua nhiều hình thức khác nhau, như báo đài, hội đồng hương, facebook… Đồng thời, nêu rõ các khu cách ly để cho người dân chủ động lựa chọn, thuận tiện cho việc sắp xếp sau này. Phương tiện vận chuyển gồm, máy bay, tàu hỏa, ô tô… Máy bay giành cho người có điều kiện và tự chi trả (hiện nay 1 chuyến bay khoảng 200 triệu đồng), các phương tiện còn lại có thể thu phí hoặc miễn phí tùy từng trường hợp. Bởi vì không loại trừ có khá nhiều người khá giả sẽ tự lái ô tô cá nhân đưa gia đình quê, vì điều kiện ở quê nhà thoải mái. Chúng ta mở cửa cho thành phần này, nguồn thu từ họ sẽ góp phần san sẻ gánh nặng cho nhà nước, họ cũng thấy mãn nguyện với cách thức tổ chức linh hoạt của nhà nước. Nếu địa phương có người đăng ký nhiều, tùy theo điều kiện vật chất nơi tiếp nhận mà chia thành nhiều hoặc ít đợt di chuyển.
Thực ra, từ khi dịch bùng phát đến nay, vẫn có người dân đi về quê nhưng không đáng kể do giãn cách xã hội, phong tỏa toàn diện nên điều kiện để người dân tự đi về quê rất khó khăn. Nếu tổ chức tốt chương trình này, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương sẽ dập dịch thành công. Sau khi khống chế dịch thành công, phủ vắc xin, có thuốc chữa bệnh, theo quy luật của muôn đời, nước sẽ chảy về chỗ trũng, các nhà máy, khu công nghiệp mở cửa trở lại thì họ sẽ quay lại làm việc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/di-doi-dan-de-gian-cach-va-dap-dich-20210901100316241.htm