Đi đường nào trong những ngày Cẩm Giàng cách ly y tế?

Mặc dù huyện Cẩm Giàng đã cách ly y tế toàn địa bàn từ 18 giờ ngày 5.2, nhưng đến nay nhiều người vẫn rất lúng túng khi có việc phải đi vào hoặc đi qua huyện.

Ngoài quốc lộ 5, để qua huyện Cẩm Giàng hiện chỉ còn quốc lộ 38 đi lại khá thông suốt

Ngoài quốc lộ 5, để qua huyện Cẩm Giàng hiện chỉ còn quốc lộ 38 đi lại khá thông suốt

Vào huyện Cẩm Giàng chỉ có một số tuyến chính. Trong đó, các đường cắt với quốc lộ 5 (tính lần lượt từ TP Hải Dương) về gồm: đường huyện 194 B đối diện cổng khu công nghiệp Đại An; đường tỉnh 394 từ thị trấn Lai Cách rẽ phải về xã Cao An, rẽ trái về cầu Cậy đi huyện Bình Giang; đường huyện 194 C từ thôn Quý Dương (xã Tân Trường) đi xã Cẩm Hoàng; đường huyện 195 C từ ngã tư Ghẽ (xã Tân Trường) đi xã Định Sơn ra đường tỉnh 394 C; đường nhánh từ xã Cẩm Phúc ra quốc lộ 38 đoạn xã Lương Điền; quốc lộ 38 từ Quán Gỏi (xã Vĩnh Hưng, Bình Giang) đi các xã Ngọc Liên, Cẩm Hưng để sang tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài ra, nội bộ có đường tỉnh 394C (đường 5B cũ) chạy song song với quốc lộ 5, từ đê sông Thái Bình (xã Cẩm Văn), qua xã Cẩm Vũ, Định Sơn, Thạch Lỗi, thị trấn Cẩm Giang, qua cầu đường sắt để sang các xã Ngọc Liên, Cẩm Hưng.

Sau khi huyện Cẩm Giàng cách ly y tế, đi qua huyện hiện nay chỉ có quốc lộ 5 và quốc lộ 38 còn thông suốt. Các đường còn lại buộc người đi qua phải đo thân nhiệt, có điểm phải khai báo y tế. Ở một số chốt, nếu không có lý do chính đáng, không có giấy tờ cần thiết, người dân buộc phải quay lại.

Từ TP Hải Dương và các xã, thị trấn khác muốn về các xã phía tây như Ngọc Liên, Cẩm Hưng không thể đi qua đường tỉnh 394 C mà buộc phải đi theo quốc lộ 5, đến Quán Gỏi rẽ vào quốc lộ 38. Nguyên nhân do cầu đường sắt Cẩm Giàng đã khóa lại. Cầu Sen nối xã Ngọc Liên với tỉnh Bắc Ninh cũng không thể đi qua. Hầu hết các đường còn lại để vào huyện đi lại khó khăn do yêu cầu phòng dịch. Khi không được phép vào, nếu người dân gửi đồ chỉ có thể hẹn người thân đến các chốt kiểm soát.

Ở nhiều khu vực trọng điểm, người dân không thể đi qua và buộc phải quay xe. Trong ảnh: Chốt phòng dịch liên tỉnh tại khu vực xã Ngọc Liên sang tỉnh Bắc Ninh

Ở nhiều khu vực trọng điểm, người dân không thể đi qua và buộc phải quay xe. Trong ảnh: Chốt phòng dịch liên tỉnh tại khu vực xã Ngọc Liên sang tỉnh Bắc Ninh

Anh Lê Văn Minh, huấn luyện viên thuộc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao cho biết ngày 9.2 có việc về thị trấn Cẩm Giang. Do biết trước đi lại khó khăn nên anh đã lên mạng hỏi, đồng thời gọi rất nhiều người ở huyện để tham khảo. Vì vậy được nhiều người hướng dẫn nên chuyến đi thuận lợi, dù thời gian có lâu hơn do phải qua rất nhiều chốt phòng dịch. "Đây là cách tốt nhất để đi lại trong lúc huyện phải cách ly. Mặc dù rất bất tiện nhưng không còn cách nào khác. Khi thực sự không có việc cần thiết thì không nên đi đâu, nhất là khi ra vào vùng có dịch", anh Minh cho biết.

Không tính toán trước như anh Minh, sáng 10.2, chị N.H.H. đi từ TP Hải Dương về quê ở xã Cẩm Hưng nghỉ Tết đã phải quay đầu xe khi đến thị trấn Cẩm Giang, dù chỉ còn cách quê khoảng 3 km. Chị H. buộc phải vòng ra xã Tân Trường, theo quốc lộ 5 để rẽ vào quốc lộ 38, xa thêm gần 30 km.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện Cẩm Giàng, toàn huyện có gần 100 chốt phòng dịch, trong đó có 85 chốt cấp xã, 4 chốt cấp huyện và các chốt cấp tỉnh. Con số này có thể tăng thêm nếu yêu cầu chống dịch nâng lên một bước. Mặc dù khó khăn cho người dân, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đã đến nhưng đây là biện pháp cần thiết để phòng chống dịch.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/an-toan-giao-thong/di-duong-nao-trong-nhung-ngay-cam-giang-cach-ly-y-te-158875