Đi giữa đảo chìm, đảo nổi

Mặc dù thời tiết trên biển dịp Đoàn công tác số 5-2018 đi thăm Trường Sa không được thuận lợi, ảnh hưởng đến đưa đón đại biểu lên đảo, nhưng đến ngày thứ 3 của chuyến đi, chúng tôi đã đến thăm được Đảo chìm Đá Thị và Đảo nổi Nam Yết. Trong mênh mông sông nước, đi giữa đảo chìm-đảo nổi, ai cũng mang trong lòng cảm xúc xốn xang đến kỳ lạ…

Qua chừng 15 phút di chuyển bằng xuồng máy, đoàn đã đặt chân lên Đảo Đá Thị nằm ở 10.24.40 vĩ độ Bắc và 114.34.48 kinh độ Đông. Đón chúng tôi có nhiều chiến sĩ trẻ, mới ra đảo được chừng đôi ba tháng. Thông tin do Thượng úy Lê Anh Sơn, Đảo trưởng Đảo Đá Thị cho biết, chiến sĩ trẻ nhất đảo sinh năm 1999, là một người có thành tích phấn đấu tốt nhất, đang được chi bộ đảo bồi dưỡng để được kết nạp vào Đảng tại đảo.

Giữa cái nắng tháng Tư cháy da, cháy thịt, trên khuôn mặt họ, dù đã bắt nhịp với môi trường làm việc ở đảo đá xa xôi nhưng nỗi nhớ đất liền vẫn còn đâu đó trong ánh mắt, nụ cười...

 Chiến sĩ trẻ đảo Đá Thị chăm sóc vườn rau thanh niên.

Chiến sĩ trẻ đảo Đá Thị chăm sóc vườn rau thanh niên.

Thật tình cờ, người đầu tiên tôi trò chuyện lại là một chàng trai Thủ đô: Trung úy QNCN Nguyễn Huy Trường, nhân viên cơ yếu của đảo. Nguyễn Huy Trường sinh ra và lớn lên ở Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết tâm viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Và sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Huy Trường được phân công về công tác tại Quân chủng Hải quân. 25 tuổi đời, 7 năm tuổi quân thì có đến 5 năm anh công tác tại các tuyến biển-đảo. Anh cho biết: Đến bây giờ tôi vẫn thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. 5 năm gắn bó với biển đảo đâu phải là dài, nhiều đồng đội của tôi còn gấp đôi, gấp ba con số ấy chứ. Chính các anh là tấm gương để chúng tôi học tập, noi theo. Tất nhiên không tránh khỏi những lúc bâng khuâng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng lính đảo chúng tôi luôn bên nhau cùng chia ngọt sẻ bùi, không là ruột thịt nhưng lại là anh em sống chung dưới một mái nhà.

Chúng tôi được các chiến sĩ nơi đây đón tiếp rất nhiệt tình và nồng hậu với những nụ cười, cử chỉ ân cần, nồng ấm khi giới thiệu về đảo, về điều kiện ăn ở, sinh hoạt... Các anh sẵn sàng cất cao lời ca tiếng hát, giao lưu cùng với đoàn văn công và các thành viên trong đoàn công tác. Trong không gian “chênh chông” của đảo đá khiêm nhường giữa biển cả mênh mông, tiếng hát chân tình mà rất đỗi yêu thương của các anh đã làm cho không ít thành viên của đoàn cảm động đến rơi nước mắt.

Không muốn chia tay, nhưng thời gian không cho phép đoàn ở lại Đá Thị quá lâu, đoàn quay trở lại tàu tiếp tục hành trình để sang đảo nổi Nam Yết-cách Đá Thị chừng 30 hải lý. Từ boong tàu, phóng tầm mắt quan sát, Nam Yết hiện lên như một khu du lịch sinh thái. Biết tin đoàn sẽ lên đảo nên anh em cán bộ, chiến sĩ đã ra tận cầu cảng chờ từ sớm. Khi xuồng cập cầu cảng, mọi người có thể tranh thủ chụp những bức hình phong cảnh tuyệt đẹp. Bên bờ cát dài sóng vỗ miên man là những rặng cây phong ba nối nhau kéo xa khuất tầm mắt. Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cùng tham gia chuyến công tác lần này trầm trồ: Trong hình dung của tôi ngoài đảo chắc ít cây xanh vì thời tiết khắc nghiệt, bão giông nhiều nên cây xanh khó tồn tại và phát triển. Tận mắt nhìn thấy một màu xanh mướt nơi đảo tiền tiêu như thế này, tôi thật sự bất ngờ!

Đảo Nam Yết có diện tích không lớn nhưng cây xanh chiếm tới gần 2/3 diện tích đảo. Ngoài các cây phong ba, bàng quả vuông, tra thì dừa là loại cây được trồng nhiều nhất, cũng bởi vậy mà người ta còn đặt cho đảo cái tên “đảo dừa”. Gần như trong khuôn viên, dọc các đường đi, lối lại trên đảo đều được trồng dừa. Cây dừa xuất hiện ở đây từ lâu, nên thân to, sần sùi, ngọn cao chót vót. Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết: Phong trào toàn đảo thi đua thực hiện mục tiêu xây dựng “đảo xanh, sạch, đẹp” từ nhiều năm nay được chúng tôi thực hiện khá tốt. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ từ 5 đến 10 cây xanh, không được để cây héo chết hoặc chậm phát triển.

Cùng chúng tôi đi thăm một vòng trên đảo, Sư thầy Thích Tâm Tri, chủ trì chùa Nam Huyên vừa tự hào vừa khâm phục khi kể về những việc làm của lính đảo. Nhà sư cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn coi mỗi cây xanh trên đảo như một người bạn, nên rất quan tâm chăm sóc. Một cành cây gẫy vì giông bão cũng làm anh em trong đơn vị xót xa. Chính nhờ những nỗ lực đó, đảo Nam Yết được đánh giá là một trong những đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường của quần đảo Trường Sa. Trên nền cát bỏng, trơ cằn sỏi đá, san hô luôn xanh xanh những rặng dừa, những cây phong ba, bão táp thi gan cùng gió bão, nắng mưa, bám trụ kiên cường với những người lính giữa đảo…

Có lẽ khó có thể nói hết những cảm nhận của chúng tôi khi một ngày, đi giữa đảo chìm và đảo nổi. Nhưng rõ ràng tâm trạng ấy vẫn mang một mẫu số chung. Và bao giờ cũng vậy, giây phút chia tay là giây phút xúc động và lưu luyến nhất. Ai cũng cảm thấy thật bịn rịn và nuối tiếc. Chúng tôi cũng như các chiến sĩ trên đảo chỉ mong thời gian trôi chậm lại để có thể chuyện trò, tâm sự, chia sẻ thêm nữa. Những cái ôm nhẹ, cái bắt tay thật chặt hay chỉ những lời động viên dành cho các anh chiến sĩ tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng ấm áp nghĩa tình, để các anh thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc!

Bài, ảnh SONG THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/di-giua-dao-chim-dao-noi-538051