Đi giữa trời tự do

Trong những năm tháng hào hùng đã qua, có biết bao lời hẹn ước Bắc - Nam, bao thế hệ vẹn nghĩa chờ nhau mong ngày thống nhất non sông.

Niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực và những ngày cận kề lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc, nơi thành phố mang tên Bác, tiếp nối câu chuyện hẹn ước sum vầy dưới bầu trời tự do, hào hùng của tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã ghi nhận nhiều câu chuyện giàu cảm xúc...

Ngày về kể chuyện hôm qua

Với màu áo xanh và những huy chương, huy hiệu trên vai, ai cũng biết họ là cựu chiến binh, là lớp người đi qua năm tháng kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng với họ, huy chương huy hiệu không thuộc về chiến công mà đó là nhắc nhớ năm tháng đồng đội kề vai, mong ngày non sông thống nhất. Cùng chuyến tàu vào TPHCM dịp đại lễ 30-4, ba cựu chiến binh Bùi Công Thình (sinh năm 1952, quê Quảng Bình, thương binh hạng 4/4), Mai Hữu Tước (sinh năm 1948, quê Hà Nội, thương binh hạng 4/4) và Phạm Ngọc Kỳ (sinh năm 1952, quê Thanh Hóa) không khỏi niềm xúc động bởi năm tháng tuổi trẻ họ từng chung vai chiến đấu, hành quân vào Nam.

Ông Bùi Công Thình kể, họ đã đi qua thời trai trẻ cùng nhau, cùng hành quân từ Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị vào đến miền Đông Nam bộ và TPHCM; đã tham gia từ Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Không ít lần cùng đội trở lại TPHCM, thăm các địa điểm lịch sử và trở lại chiến khu, căn cứ ghi dấu một thời tuổi trẻ đã chiến đấu nhưng với họ lần này thật khác, bởi đây là dấu mốc 50 năm, cả thành phố rộn ràng không khí lịch sử hào hùng, một góc đường hay con hẻm nhỏ cũng trào dâng niềm vui xen lẫn tự hào.

 Cựu chiến binh Bùi Công Thình, Mai Hữu Tước và Phạm Ngọc Kỳ (từ phải qua) trong ngày tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27-4. Ảnh: THU HOÀI

Cựu chiến binh Bùi Công Thình, Mai Hữu Tước và Phạm Ngọc Kỳ (từ phải qua) trong ngày tổng duyệt diễu binh, diễu hành sáng 27-4. Ảnh: THU HOÀI

Ông Bùi Công Thình chia sẻ: “Dù đã trở lại TPHCM nhiều lần từ sau ngày giải phóng miền Nam nhưng lần trở lại này lòng tôi bồi hồi, xúc động khó tả. Gia đình và mọi người xung quanh cũng lo lắng vì mình đã lớn tuổi, đi xa sợ không đảm bảo sức khỏe nhưng tôi nói còn đi được là phải đi. Đi để gặp lại anh em đồng đội, để khoác vai, ôm nhau một cái như năm nào kề vai sinh tử bên nhau. Hồi đó chúng tôi vào Nam với tất cả niềm tin ngày nước nhà thống nhất, cả nước đi giữa trời tự do”.

Màu áo, màu cờ kết nối

Có những lời hẹn ước Bắc - Nam đã nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ cùng lớp người anh dũng ngã xuống để những chuyến tàu, chuyến xe dọc miền đất nước hôm nay tự do chuyển bánh, để hôm nay người người hẹn nhau vào thành phố mang tên Bác, hòa cùng hào khí của đại lễ 30-4.

Cùng chung mạch cảm xúc nên có không ít người, từ xa lạ tình cờ quen nhau trên một chuyến xe vào TPHCM hòa cùng không khí đại lễ bỗng trở nên thân thiết. Ông Võ Quốc Trình (68 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) là một trong số đó.

Ông chia sẻ: “Lên xe rồi mới quen nhau, người mặc áo cờ đỏ sao vàng, người đội nón mang hình quốc kỳ, người cầm cờ vậy là ráp lại thành một nhóm, đến thành phố Bác chờ xem diễu binh, diễu hành và trận địa pháo. Tới thành phố người đặt khách sạn sẵn, người ghé nhà người quen nhưng sáng nay tụi tui hẹn nhau ra bến Bạch Đằng từ 4 giờ sáng để xem tổng duyệt. Ai nấy hào hứng lắm!”.

Dưới bầu trời tự do trong những ngày đầy hào khí thiêng liêng của dân tộc, những kết nối dẫu xa lạ cũng dễ dàng chia sẻ với nhau câu chuyện hòa bình của dải đất hình chữ S.

Đón nhóm khách từ New Zealand đến TPHCM bằng món quà nhỏ là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, anh Phan Huy Hân (36 tuổi, hướng dẫn viên tự do) cho biết: “Nhóm khách này chỉ có 5 người và họ lần đầu đến thành phố, ngay dịp đại lễ này nên tôi tặng mỗi người lá cờ cầm tay để hòa cùng không khí hào hùng ở thành phố mình. Lịch trình tham quan tôi cũng thiết kế các điểm đến là di tích lịch sử, mọi người có vẻ rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy đâu đâu cũng treo cờ đất nước, có người nói vui các bạn là một quốc gia rất yêu quốc kỳ”.

Theo dõi buổi tổng duyệt sáng 27-4, du khách Jenny (27 tuổi, đến từ New Zealand) hào hứng: “Các bạn vẫy cờ tạo nên không khí rất hào hùng. Các bạn thể hiện tình yêu đất nước rất mãnh liệt. Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam nhưng đúng vào dịp lễ kỷ niệm này, đó sẽ là kỷ niệm tôi không bao giờ quên”.

Và như thế đó, câu chuyện hòa bình không xa xôi hay thuộc về lịch sử mà từng phút giây của hiện tại là một giá trị thiêng liêng, bất biến của hòa bình.

THIÊN THANH - THU HOÀI - CẨM TUYẾT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-giua-troi-tu-do-post792862.html