Đi hái tiêu thuê

Hiện đang là mùa thu hoạch tiêu, nhiều người rủ nhau hái tiêu thuê. Việc của họ là phải leo lên thang cao 6-7m đứng cả buổi để hái tiêu. Công việc này nhìn đơn giản, nhưng tai nạn lao động luôn rình rập, có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Trang trải cuộc sống

Cứ hơn 6 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Nhung cùng một số bạn bè ở xã Hòa Mỹ Tây ngược lên vườn tiêu ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) hái tiêu thuê. Theo bà Nhung, tháng này đàn ông lo sạ ruộng, phụ nữ nông nhàn hơn nên tranh thủ đi hái tiêu thuê kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Giá hồ tiêu năm nay tăng cao nên nhân công thu hái cũng được trả tiền công cao hơn năm ngoái, trung bình mỗi ngày chủ vườn trả 250.000 đồng/công. Giá tiêu tăng, không chỉ chủ vườn tiêu mừng mà người hái thuê cũng vui lây. Mấy năm trước giá tiêu hạ thì ngày công cũng bị “đè” xuống thấp.

Leo thang cao thu hoạch tiêu ở xã Sơn Thành Đông. Ảnh: LÊ TRÂM

Leo thang cao thu hoạch tiêu ở xã Sơn Thành Đông. Ảnh: LÊ TRÂM

Ngồi nghỉ uống nước, bà Trần Thị Diệu, người hái tiêu thuê cho hay: Nhà tôi ở xã Hòa Mỹ Đông, đường xa nên mờ sáng hai mẹ con đi sớm qua xã Hòa Mỹ Tây rồi qua cầu Chống Gậy (cầu nối 2 xã Hòa Mỹ Tây - Sơn Thành Đông), sau đó vào vườn tiêu. Con gái năm nay học cấp 3, nghỉ hè theo phụ mẹ. Cháu hái tiêu dưới thấp. Ngày nắng gắt, cháu hái một ngày, nghỉ một ngày. Trung bình hai mẹ con mỗi ngày kiếm hơn 400.000 đồng, tiền này dùng để mua sách vở cho con, trang trải cho cuộc sống.

Cũng theo bà Diệu, vụ thu hoạch tiêu kéo dài hơn 1 tháng. Có chủ vườn nhận công hái tính theo ngày, có vườn khoán theo số ký. Khoán ăn theo sản phẩm, thu hoạch 1 tấn tiêu, chủ vườn trả công 16 triệu đồng. Năm nay năng suất tiêu đạt 3 tấn/ha, thu hoạch 1ha tiêu, chủ vườn trả nhân công 48 triệu đồng. Thường người hái tiêu thuê rủ 4 người hái chung 1ha tiêu. “Trước đây, tôi cùng nhiều người lên tận vườn tiêu xã Ea Bá, Ea Bar (huyện Sông Hinh) hái tiêu thuê. Gần đây do dịch bệnh, giá bấp bênh nên chủ các vườn ở Ea Bar chuyển đổi cây trồng, chỉ còn vườn tiêu xã Sơn Thành Đông”, bà Diệu nói.

Nguy hiểm rình rập trên thang cao

Tại vườn tiêu Sơn Thành Đông, trên những trụ tiêu có tán cây cao 6-7m, người hái phải trải bạt phía dưới rồi leo lên đứng vắt vẻo trên những nấc thang cao nhiều giờ liền. Theo kinh nghiệm, họ phải tìm mặt bằng dưới đất không bị lún, không nghiêng để bắc thang. Việc này rất quan trọng vì bắc thang chỗ đất lún, thang sẽ nghiêng và dựa vào trụ tiêu thì làm dây tiêu dập gãy, còn bắc phía ngoài lỡ bất cẩn thì người rớt khỏi thang, hoặc cả người và thang cùng ngã xuống đất. Vì vậy, thế đứng trên cao thang chữ A cùng lúc 2 người thì người trên cao, người phía dưới giữ chân trụ thang.

Mùa thu hoạch tiêu lại đúng vào mùa nắng đến cháy da cháy thịt suốt từ sáng sớm cho tới chiều tối. Vì thế, những người làm công việc hái tiêu phải nai nịt kín mít từ đầu đến chân. Đứng trên thang cao thì ánh nắng chói chang táp vào người, còn khi xuống dưới gốc thu bạt, nhặt tiêu vào bao, chúng tôi phải chịu cảnh oi bức vì lọt thỏm trong các trụ tiêu, ít gió nên ngột ngạt khó thở…

Bà Trần Thị Diệu ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa

Ông Bùi Văn Thành, người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông trên 10 năm cho hay: Sáng sớm, tôi đã cùng vợ từ nhà ở xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa) chạy xe máy lên trang trại làm các công đoạn cần thiết để hái tiêu. Trong khi hái, có lúc chân thang nghiêng do lún đất khá nguy hiểm. Dù đã rất cẩn trọng, nhưng tôi cũng đã bị ngã khi hái tiêu, may là chỉ bị trầy xước.

Còn bà Bùi Thị Nhung ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), hái tiêu thuê trên vườn tiêu Sơn Thành Đông, chia sẻ: Có lần, tôi té từ độ cao 5m. Cuối buổi trưa, tôi đang đứng trên thang cao thì bất ngờ trời nổi gió hất nón lá. Tôi dùng tay chụp nón thì mất thăng bằng, té xuống đất bất tỉnh. Phụ nữ sức yếu nên leo thang hái tiêu nguy hiểm hơn đàn ông.

Với kinh nghiệm nhiều năm đi hái tiêu thuê, bà Nhung cho rằng, để hạn chế những rủi ro, trước khi hái tiêu, cần tìm chỗ để đặt thang cho cân bằng. Khi hái, phải chịu khó di chuyển thang nhiều lần quanh mỗi trụ tiêu để tránh hái với lên cao, gây mất thăng bằng. Người hái tiêu phải dùng dây buộc thang vào trụ tiêu hoặc đóng cọc chèn chân thang có điểm tựa cho vững. Những người có sức khỏe tốt, dẻo dai mới theo nghề này được. Không chỉ phải chịu nắng oi bức, mà việc đứng trên thang trong khoảng thời gian dài để bứt, tuốt các chùm tiêu cũng luôn khiến máu dồn xuống chân. Có lần tôi tê chân rơi xuống thang bị trật khớp.

Theo chủ các vườn tiêu, vì nguy hiểm luôn rình rập nên nhiều người không mặn mà với công việc hái tiêu thuê. Có năm giá tiêu xuống thấp kéo theo ngày công lao động giảm, nhiều chủ vườn tiêu không thể tìm được nhân công thu hái. Năm nay giá tiêu đầu vụ 120.000 đồng/kg, tăng cao so với các năm trước, tiền thuê nhân công tăng cao nên nhiều người lao động tập trung về đây hái tiêu thuê. Vụ tiêu này thu hút gần 100 lao động quanh vùng tập trung các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Hòa Phú, Sơn Thành Tây đến hái tiêu.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2016, toàn tỉnh có 800ha tiêu; trong đó huyện Tây Hòa 600ha, Sông Hinh 200ha. Còn tại thời điểm này, toàn tỉnh có 351ha tiêu, tập trung ở huyện Tây Hòa, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh là 250ha.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317509/di-hai-tieu-thue.html