Đi họp để dự hội

Anh bạn tôi vừa dự một hội nghị quan trọng của ngành nọ trở về, với tâm trạng buồn nhiều hơn vui. Anh kể, cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị ở một khu du lịch khá nổi tiếng, như thể có dụng ý vừa bàn thảo công việc, vừa tổ chức nghỉ dưỡng.

Theo anh, hội nghị chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một ngày, nhưng ban tổ chức đã "khéo" sắp xếp lịch trình vào sát ngày cuối tuần để sau khi kết thúc hội nghị, các đại biểu có thời gian được tham quan, trải nghiệm du lịch.

Anh tâm sự, mặc dù hội nghị được tổ chức với "quy mô hoành tráng", nhưng đa phần đại biểu vẫn có tâm lý đi “dự hội” (tham quan, vui chơi, giải trí, giao lưu) nhiều hơn là dự họp. Cũng bởi vậy mà hội nghị diễn ra nặng phần nghi thức; đa phần các phát biểu chủ yếu là đọc tham luận được chuẩn bị sẵn chứ không có sự thảo luận, tương tác để tìm ra điểm nghẽn, hay bàn giải pháp, hiến kế tháo gỡ vướng mắc. Rồi đến cuối hội nghị là mục biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác... Kết thúc hội nghị, ban tổ chức lạc quan thông báo: "Hội nghị đã thành công tốt đẹp", còn các đại biểu tay bắt mặt mừng, bước vào tiệc liên hoan tổng kết.

Vì cách làm như vậy nên kết quả nhãn tiền mà ban tổ chức và mỗi đại biểu thu nhận được có lẽ là cuốn tài liệu hội nghị với đầy đủ các báo cáo và hệ thống tham luận được đóng thành quyển dày cộp, chắc nịch, bắt mắt. Thế nhưng, ngay sau đó, không ít cuốn tài liệu lại bị bỏ quên trong chính ngăn bàn hội trường-nơi diễn ra hội nghị; số khác bị vứt bỏ lại trong phòng nghỉ khách sạn... Một số được các đại biểu mang về, nhưng không rõ sẽ có bao nhiêu đại biểu đề cao trách nhiệm mở ra xem lại dù chỉ một lần...

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Câu chuyện hội họp nhiều nhưng kém chất lượng, trá hình, biến tướng là một thực tế đáng buồn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành trong thời gian qua. Đáng ngại hơn, đó là việc lợi dụng danh nghĩa tổ chức hội nghị, họp hành, tập huấn... nhưng lại chọn địa điểm ở những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Không hiếm hội nghị được tổ chức ở thành phố du lịch đắt đỏ và kéo dài 2-3 ngày, nhưng nội dung chính chỉ diễn ra trong nửa ngày hoặc một ngày, thời gian còn lại dành cho các hoạt động bên lề: Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giao lưu, giải trí. Đại biểu ở xa về dự thì đi máy bay, ở gần hơn thì xe đưa, xe đón, rồi tề tựu về khách sạn sang trọng, ăn uống tiệc tùng linh đình... Và tất cả chi phí liên quan đều được quy hết vào nguồn kinh phí tổ chức hội nghị.

Thực tế trên có nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là bởi có tình trạng cơ quan, đơn vị, địa phương xem hội nghị là một dịp giải ngân kinh phí do trên cấp về. Nói cụ thể hơn là do không biết chi ngân sách vào đâu, lại không muốn trả lại ngân sách dôi dư, nên các hội nghị, các cuộc họp bỗng trở thành cái cớ cho việc giải ngân "có phần hợp lý". Sẽ là quá lời khi cho rằng, những cuộc họp, hội nghị như thế là một sự dối trá, đáng lên án.

Nhưng rõ ràng, ngoài việc lãng phí ngân sách thì mục đích, ý nghĩa của những cuộc họp, hội nghị mang tính chất “giải ngân” đã trở thành thứ yếu ngay từ khâu đề xuất địa điểm tổ chức và thật khó để bảo đảm chất lượng cuộc họp. Có chăng, cái được từ những cuộc họp này đó là, ban tổ chức được giải ngân theo đúng kịch bản và đại biểu về dự hội nghị cũng có chút niềm vui riêng khi được giao lưu, tham quan, nghỉ dưỡng... miễn phí.

ĐÔNG HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/y-kien-tam-huyet-voi-dang/di-hop-de-du-hoi-744722