Đi khám do nuốt vướng, tá hỏa phát hiện bệnh lý nguy hiểm
Nuốt vướng là dấu hiệu hay gặp, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm.
Thấy nuốt vướng, đau bụng vùng thượng vị, ông nguyễn Văn S (64 tuổi, tại Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám. Khoảng một tháng trước, ông S thỉnh thoảng đau bụng vùng thượng vị, đau âm ỉ, kèm theo nuốt vướng. Đặc biệt, mấy ngày trước đi khám cơn đau bụng tăng lên, nóng rát sau xương ức, nuốt vướng nhiều hơn. Ông S tự mua thuốc uống, nhưng không đỡ.
Khi thăm khám, ấn tức vùng thượng vị và có hội chứng dạ dày, nên bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ theo dõi trào ngược dạ dày - thực quản.
Kết quả xét nghiệm máu chưa có chỉ số nào bất thường. Hình ảnh nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng, vị trí 1/3 giữa có tổn thương loét bề mặt, bờ không đều, ranh giới không rõ, kích thước xấp xỉ 10 x 12mm, bề mặt có giả mạc. Vì vậy, ngay trong nội soi, bác sĩ thực hiện sinh thiết 2 mảnh bờ ổ loét làm giải phẫu bệnh.
Ngoài ra, nội soi cho thấy, hang vị niêm mạc phù nề, sung huyết, có trợt lồi rải rác. Test HP dạ dày dương tính.
Dựa trên tiêu chuẩn “vàng” là kết quả sinh thiết kết luận bệnh nhân bị Carcinoma vảy. Bệnh nhân ngã ngửa khi có kết quả chuẩn đoán xác định K thực quản.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển bệnh viện chuyên khoa điều trị theo phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị.
Nuốt vướng khoảng 1 tháng nay và có cảm giác ợ hơi, ông L.X.C (nam, 52 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe tổng quát, phát hiện ra nhiều bệnh lý cùng lúc. Ông C được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm (huyết học, sinh hóa), siêu âm (tuyến giáp, tim), điện tim, chụp cắt lớp vi tính, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng.
Trong lần khám sức khỏe tổng quát này, bằng các kỹ thuật chẩn đoán, ông C., vô cùng lo lắng khi biết cùng lúc cơ thể đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như viêm thực quản trào ngược độ A, viêm dạ dày, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng acid uric máu, nốt mờ đơn độc thùy dưới phổi phải.
Một trường hợp khác, nam bệnh nhân, 72 tuổi, ở Tây Hồ (Hà Nội) bên cạnh cảm giác nuốt vướng còn kèm theo ho khan và có đờm ở cổ, hụt hơi, khó thở chủ yếu về đêm và cảm giác tức nặng vùng ngực bên phải. Thông qua các kỹ thuật kiểm tra như siêu âm, xét nghiệm, chụp CT, bệnh nhân và gia đình bất ngờ khi nhận với chẩn đoán mắc K phổi, di căn màng phổi.
Để tầm soát sức khỏe tốt nhất, BSCKI. Lê Văn Khoa - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ sở 2 khuyến cáo người dân nên:
Tập thể dục thường xuyên, vừa sức với cơ thể.
Tăng sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng đa dạng, tăng cường rau xanh và hoa quả.
Bỏ thói quen xấu ảnh hưởng sức khỏe như bỏ thuốc lá, tránh uống bia rượu, không ngủ quá khuya.
Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng, đây là nguyên nhân gây bệnh lý đường hô hấp, nhất là ung thư phổi.
Chủ động kiểm tra sức khỏe được xem như “chìa khóa vàng” trong việc kiểm soát sức khỏe tốt nhất.
Các chuyên gia y tế khuyên, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần, ngay cả khi chưa có dấu hiệu bất thường để phát hiện chính xác các mầm bệnh tiềm ẩn, hoặc đang diễn biến thầm lặng trong cơ thể. Việc phát hiện sớm giúp người dân giảm gánh nặng tài chính chữa trị, rút ngắn thời gian, cũng như nâng cao chất lượng sống và bảo đảm hạnh phúc gia đình...
Nguồn VTC: https://vtc.vn/di-kham-do-nuot-vuong-ta-hoa-phat-hien-benh-ly-nguy-hiem-ar710082.html