Đi làm bằng xe đạp, tàu điện khi giá xăng tăng cao
Giá xăng liên tiếp chạm đỉnh làm đau đầu không ít dân văn phòng bởi chi phí đi lại tăng. Một số mau chóng chuyển sang các phương tiện khác để tiết kiệm tiền.
Giá xăng sát mốc 30.000 đồng/lít đã trở thành động lực để Ngọc Phương (24 tuổi, Tiền Giang) đạp xe tới công ty hàng ngày.
Suốt 2 tuần qua, cô cất xe máy ở nhà và chuyển sang sử dụng chiếc xe đạp từng gắn bó với mình thời đi học.
“Vì quãng đường từ nhà đến công ty chưa đầy 3 km, tôi từng nhiều lần nghĩ đến chuyện đạp xe đi làm. Tuy nhiên, tôi còn ngại dậy sớm nên chưa lần nào thực hiện thành công”, cô chia sẻ với Zing.
Khi giá xăng tăng, chi phí cho việc đi lại đang khiến nhiều dân văn phòng, công sở phải tính toán lại. Một số quyết định chuyển sang những phương tiện khác để đi tới chỗ làm mà không tốn quá nhiều tiền cho việc đổ xăng.
Chuyển sang xe đạp
Nhờ chuyển đổi phương tiện giao thông, Ngọc Phương cho biết cô có thể tiết kiệm khoảng 100.000 đồng tiền xăng mỗi tuần. Cô cũng bớt được chi phí ăn trưa nhờ mang cơm từ nhà. Mỗi sáng, mẹ thường chuẩn bị sẵn cho Ngọc Phương một hộp cơm và để vào giỏ xe của con gái.
Ngoài ra, duy trì đạp xe hàng ngày khiến cô cảm thấy khỏe khoắn hơn sau 8 tiếng làm việc ở văn phòng.
Cô thừa nhận ở vài ngày đầu tiên, cô cảm thấy khá tốn sức, đồng thời ái ngại khi là người duy nhất trên đường đạp xe đi làm.
“Thế nhưng, tôi tự nhủ trong đầu rằng đạp xe sẽ giúp giảm cân, rồi dần dần không còn xấu hổ nữa. Gia đình và bạn bè cũng gửi nhiều lời động viên dù ban đầu họ cũng hơi bất ngờ”, cô kể lại.
Vì không có thói quen đi chơi hay ăn ở ngoài hàng quán, Ngọc Phương thấy cuộc bão giá không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của cô.
Điều cô băn khoăn lúc này là không biết có thể duy trì hoạt động đi xe đạp tới khi nào.
“Việc đạp xe có thể sẽ không còn phù hợp khi thời tiết bước sang mùa hè nóng nực. Nhưng trước mắt, tôi cứ tiết kiệm được chút nào hay chút đó đã”, cô chia sẻ.
Mua vé tháng tàu điện
Bắt đầu công việc mới từ đầu tháng 3, Ánh Ngọc (27 tuổi, Hà Nội) chuyển sang di chuyển bằng tàu điện trên cao.
Vì sử dụng thường xuyên, Ngọc chọn mua vé tháng với mức giá 200.000 đồng. Loại vé này giúp cô di chuyển thuận tiện, không bị giới hạn giữa các bến trong lộ trình.
"So với việc đi xe máy trước khi giá xăng tăng thì số tiền trả cho vé tàu có cao hơn một chút. Nhưng sau khi giá xăng tăng cao chóng mặt thì đây là giải pháp tiết kiệm hơn.
Ví dụ, trước kia mình tốn khoảng 150.000 đồng đổ xăng mỗi tháng, còn hiện tại sẽ mất 180.000-200.000 đồng, chưa tính đến tiền vé gửi xe 5.000 đồng/ngày", Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, nữ nhân viên văn phòng chuyển sang đi làm bằng tàu điện vì muốn hạn chế khoảng "thời gian chết" mỗi khi tắc đường vào giờ cao điểm và duy trì thói quen đi bộ 8.000 bước mỗi ngày.
Khoảng cách từ nhà đến công ty gần 3 km, Ngọc mất 15 phút đi bộ từ nhà đến ga, 15 phút chờ và đi tàu, thêm 5 phút đi từ ga đến văn phòng.
"Trung bình, buổi sáng mình tốn hơn 30 phút để có mặt ở chỗ làm. Nếu so với việc đi xe máy, cách thức này tốn nhiều thì giờ hơn nhưng có lợi hơn ở chiều ngược lại, khi cảnh tắc đường kéo dài vào giờ tan tầm rất hay diễn ra ở trên đường đi làm về.
Nhiều hôm, mình mất nửa tiếng mới về đến nhà vì ùn ứ kéo dài. Việc kẹt cứng trong dòng xe cộ, cộng với khói bụi, khí thải càng thêm mệt mỏi", Ngọc kể.
Đổi sang đi làm bằng tàu điện được nửa tháng, Ngọc cho biết cô tập dần được thói quen dậy sớm hơn 20 phút so với trước để tránh cảnh lỡ chuyến, muộn giờ làm.
"Nếu chỗ bạn bè rủ đi chơi nằm trên cùng tuyến đường, mình cũng đi tàu, còn không thì mình đi xe đạp.
Mình đang cố gắng duy trì thói quen này vì bớt một khoản tiền xăng xe và tính thân thiện với môi trường của các phương tiện công cộng. Hiện tại, mình chỉ đi xe máy trong trường hợp phải di chuyển xa", Ngọc nói.
Tuy nhiên, giống với Ngọc Phương, Ánh Ngọc cũng có phần e ngại trong những tháng tới, khi mùa hè sang, việc đi bộ dưới thời tiết nắng nóng sẽ là trở ngại.
Xin làm việc từ nhà
Sau khi giá xăng tiếp tục lập đỉnh mới, Tôn Hạnh (33 tuổi) không ngần ngại xin phép cấp trên cho cô work from home.
Mỗi tuần, cô chỉ phải lên văn phòng ở quận 4 (TP.HCM) 2 lần để in và ký hồ sơ. Thời gian còn lại, bà mẹ một con có thể ở Dĩ An (Bình Dương) cùng gia đình và làm việc từ xa.
Quãng đường tính ra dài khoảng 50 km cho 2 chiều đi và về. Bình thường, cô đổ xăng 2 ngày/lần, mỗi lần tốn 70.000 đồng và 200.000 đồng cho 1 tuần (trừ thứ 7 và Chủ nhật được nghỉ).
Theo mức giá hiện tại, số tiền sẽ là 120.000 đồng nếu đổ đầy bình và một tuần tốn khoảng 350.000 đồng.
Cô cho biết nhiều đồng nghiệp cũng thực hiện tương tự. Mọi người tự thu xếp lịch đến công ty tùy theo tính chất công việc, thay vì bắt buộc đi làm theo giờ hành chính. Ngoài lý do giá xăng, số ca mắc Covid-19 tăng từng ngày cũng là lý do khiến họ lo ngại.
Bên cạnh đó, mặc dù là người hướng ngoại và đam mê xê dịch, Tôn Hạnh chủ động cắt giảm hầu hết cuộc hẹn gặp gỡ, tụ tập bạn bè, đồng thời tạm thời hạn chế du lịch.
“Mọi thứ đều tăng giá theo giá xăng, từ cốc cà phê, thực phẩm cho đến vé xe khách, phí vận chuyển. Chỉ cần hạn chế đi chơi và ăn ngoài hàng quán đã đủ giúp tôi bớt nỗi lo chi tiêu rồi. Tôi cũng tránh đem dịch bệnh về gia đình, nhất là khi nhà có con nhỏ”, cô chia sẻ.
Tôn Hạnh cho hay bản thân thích đi làm trực tiếp tại văn phòng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp vật giá vẫn leo thang và số ca nhiễm chưa có dấu hiệu suy giảm, cô sẽ duy trì làm việc từ xa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/di-lam-bang-xe-dap-tau-dien-khi-gia-xang-tang-cao-post1302590.html