Đi lên từ vùng đất trũng

Người xưa có câu “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, thế nhưng với vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng, xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) thì mô hình kinh tế mà anh chị vẫn đùa vui là “tả pí lù” đã và đang mang lại cho gia đình anh không ít “quả ngọt”.

Đầm sen của vợ chồng anh Cao Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Phượng, xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) là địa điểm chụp ảnh, tham quan yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài huyện.

Đầm sen của vợ chồng anh Cao Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Phượng, xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường) là địa điểm chụp ảnh, tham quan yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài huyện.

Trở lại Thượng Trưng lần này, được sự giới thiệu của UBND xã, chúng tôi đã có cơ hội đến thăm đầm sen của vợ chồng chị Phượng, nơi đang được nhiều bạn trẻ có sở thích chụp ảnh tìm đến.

Mục đích ban đầu của chúng tôi chỉ đơn giản là tìm hiểu về một mô hình làm kinh tế có phần mới mẻ ở một xã nông thôn như Thượng Trưng. Thế nhưng, sau đó, điều hấp dẫn hơn cả lại là câu chuyện khởi nghiệp từ vùng đất trũng và giấc mơ về mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp của đôi vợ chồng ngoài 40 tuổi này.

Nhìn trang trại gần 10 mẫu được quy hoạch gọn gàng với “đủ món” từ đầm sen, ao cá, vườn cây ăn quả tới chuồng trại chăn nuôi của vợ chồng chị Phượng, ít ai có thể nghĩ rằng gần 20 năm về trước, toàn bộ diện tích ấy vốn là khu đầm trũng, bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Ngày đó, hai vợ chồng chị Phượng trong tay không có lấy một đồng, gắng vay mượn được chút ít đều dành hết vào thuê đất, mua con giống. Cái gì có thể làm, vợ chồng chị đều tự mình bỏ công sức ra, từ việc dọn từng bụi cỏ, đến xúc từng xẻng đất. Do thiếu vốn, thiếu lao động, không thể làm lớn, anh chị đành bắt đầu với 3 sào ao vừa thả cá vừa trồng lúa.

Cũng vì phải làm với diện tích quá nhỏ, nên những năm đầu, thu nhập của 2 vợ chồng còn thấp. Lãi được đến đâu lại để mở rộng diện tích canh tác ao đầm đến đó. Để bù đắp vào chi tiêu trong gia đình, ngoài sản xuất nông nghiệp, chị kiêm thêm nghề may vá. Cứ sáng ra đầm, tối lại ngồi vào may. Có những thời điểm cả ngày chị chỉ chợp mắt được 2-3 tiếng.

Không nản lòng thối chí, hai vợ chồng chị Phượng cứ vừa làm vừa thử nghiệm. Từ hình thức 1 lúa + 1 cá, chuyển sang nuôi cá kết hợp với trồng sen, sau lại thêm chăn nuôi gà, vịt...., sau bao nỗ lực, anh chị đã biến khu đầm hoang đầy cỏ dại năm nào trở thành trang trại trù phú với 3 mẫu ao nuôi cá, 7 mẫu trồng sen, rồi chuồng trại chăn nuôi và hàng trăm cây ăn quả.

Ước tính chỉ riêng ao cá và đầm sen cũng đưa lại cho vợ chồng chị khoản lợi nhuận 700-800 triệu đồng/năm. Khoản tiền này đã từng là ước mơ của 2 vợ chồng chị và cũng là mơ ước của không ít nông dân hiện nay.

Không dừng lại ở đó, khi phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất được triển khai ở nhiều địa phương, năm 2015, anh chị mạnh dạn đầu tư máy nông nghiệp bắt nhịp với xu thế.

Từ một máy làm đất ban đầu, đến nay, vợ chồng chị đã đã mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp, 4 máy làm đất. Nhờ sự tận tâm trong công việc, gia đình chị không chỉ được các hộ dân trong xã mà còn được người dân các xã lân cận như: Tuân Chính, Lý Nhân ưu tiên sử dụng dịch vụ.

Khi mọi thứ dần đi vào ổn định, năm 2019, vợ chồng chị Phượng lại tiếp tục chỉnh trang lại trang trại, mở dịch vụ câu cá, chụp ảnh sen và cho thuê trang phục, trang điểm phục vụ du khách đến chụp ảnh.

Đây được xem là hướng đi khá táo bạo bởi lẽ quanh khu vực Thượng Trưng, Tuân Chính, Lý Nhân ấy đã có đến hàng chục ha sen, song chưa có hộ nào khai thác thế mạnh dịch vụ từ cây sen mà chỉ đơn thuần coi sen như bao cây trồng khác. Thế nhưng cũng chính sự mới mẻ ấy đã giúp gia đình chị có thêm khoản tiền hơn 100 triệu đồng/năm.

Chị Phượng chia sẻ: “Để thành công, không nhất thiết bắt buộc mình theo một khuôn khổ nào, quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, không ngại thử nghiệm cái mới”.

Quả thật, từ trồng trọt tới chăn nuôi, từ nông nghiệp tới phi nông nghiệp, dù là ở lĩnh vực nào, gia đình chị cũng gặt hái được không ít “trái ngọt” với tổng thu nhập một năm vượt trên 1 tỷ đồng.

Cùng với đó, anh chị đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên; chưa kể vào vụ cấy gặt, lao động thời vụ lên đến 15 người với thu nhập bình quân 200 - 400 nghìn đồng/ngày. Cũng bởi vậy mà khi được hỏi đâu là hướng đi chính của gia đình hiện nay, chị Phượng chần chừ nhưng quả quyết “Có lẽ cái nào cũng là chính”.

Chần chừ trong việc xác định lĩnh vực chủ lực của gia đình là vậy, thế như khi được hỏi về những dự định trong tương lai, chị lại đầy nhiệt huyết.

Chị Phượng cho hay: “Có lẽ do đã quen vật lộn với những bài toán kinh tế, nên dù cuộc sống đã dần ổn định, con cái trưởng thành, song suy nghĩ đầu tư vào đâu, làm cái gì đem lại hiệu quả cao vẫn luôn hiện hữu trong đầu”.

Chị mong muốn trong thời gian tới cơ thể mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng bể bơi, phòng nghỉ, trồng thêm vườn cây ăn quả để thu hút thêm du khách đến tham quan, chụp ảnh và nghỉ chân.

Mặc dù còn khá mơ hồ, thậm chí chưa hề một lần nghe tới khái niệm du lịch canh nông, song từ trong những dự định của mình, chị lại cho chúng tôi thấy một cách rõ ràng về một farmstay, một trang trại sinh thái- mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đang hót ở nhiều tỉnh thành và manh nha xuất hiện tại Vĩnh Phúc hiện nay.

Hi vọng, những dự định của chị sớm thành hiện thực, để du khách có thêm có thêm một điểm đến hấp dẫn và góp một phần nhỏ vào phát triển loại hình du lịch canh nông của tỉnh.

Bài, ảnh:Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/64730/di-len-tu-vung-dat-trung.html