Di Linh chú trọng kiểm tra, xử lý xe công nông, xe tự chế

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh, xe tự chế, xe hết niên hạn lưu thông, huyện Di Linh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các loại xe này và đạt được nhiều chuyển biến tích cực.

Một số phương tiện xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh vi phạm đã bị các đơn vị chức năng Công an huyện Di Linh tiến hành lập biên bản và tịch thu để xử lý

Một số phương tiện xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh vi phạm đã bị các đơn vị chức năng Công an huyện Di Linh tiến hành lập biên bản và tịch thu để xử lý

Không đèn chiếu sáng, đèn chuyển hướng, không được trang bị những thiết bị an toàn, người điều khiển thì phần nhiều đều chưa qua trường lớp đào tạo giấy phép lái xe là thực trạng chung của xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh, xe tự chế trên địa bàn huyện Di Linh. Trung tá Nguyễn Hồng Trâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT) Công an huyện Di Linh cho biết: Theo số liệu thống kê, tại thời điểm ngày 30/7/2019, trên địa bàn huyện có 3 xe công nông; 720 xe cơ giới 3, 4 bánh tự chế; 4.156 chiếc máy cày, máy kéo và 6 xe hết niên hạn sử dụng. Đương nhiên loại phương tiện này cũng không nằm trong đối tượng được kiểm định chất lượng nên không bảo đảm an toàn khi lưu hành và tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông là rất cao.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với các loại xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh, xe tự chế, xe hết niên hạn lưu thông, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền để người dân hiểu rõ hành vi, đối tượng bị cấm, bị hạn chế theo đúng nội dung hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Đồng thời, thành lập tổ công tác thực hiện quy định cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết hạn sử dụng lưu thông trên địa bàn huyện Di Linh. Trong đó, trọng tâm là lực lượng CSGT - TT, an ninh huyện phối hợp với công an các xã, thị trấn trực tiếp đến từng hộ dân rà soát, thống kê lên danh sách các loại phương tiện cũng như nắm bắt tâm tư trong quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh.

Thông qua công tác rà soát, thống kê, Công an huyện Di Linh đã tuyên truyền đến 4.845 trường hợp đang lưu giữ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng tại gia đình hoặc nơi khác. Bên cạnh đó, vận động chủ phương tiện tự nguyện tháo dỡ, hủy bỏ phương tiện, cam kết không đưa phương tiện này vào tham gia giao thông; đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh phải đình chỉ hoạt động và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Trung tâm VHTT-TT huyện, bộ phận văn hóa thông tin ở các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn huyện về nội dung Chỉ thị 02 của UBND tỉnh. Thực hiện in và phát 10.000 tờ rơi thông báo đến từng địa bàn, tổ dân phố, hộ gia đình để nghiêm túc chấp hành. Qua công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát, các cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành lập biên bản và xử lý 34 trường hợp vi phạm; trong đó, có 21 xe máy cày, 13 xe ba gác.

Theo Trung tá Nguyễn Hồng Trâm, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh, đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Di Linh đã chuyển biến rất tốt. Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường liên xã, nhánh rẽ, tình trạng xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh, xe hết niên hạn sử dụng; xe mô tô, xe máy độ, chế lưu thông trên địa bàn huyện đã phần nào được hạn chế.

Tuy nhiên, hiện nay các loại xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ-moóc để vận chuyển nông, lâm sản, vật liệu xây dựng… vẫn còn lưu thông trên các tuyến giao thông đường bộ, nhất là trên các tuyến đường liên thôn, xã. Bởi, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, huyện Di Linh với địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích cà phê chiếm rất lớn. Trong khi đó, vùng sản xuất chủ yếu là đồi núi nên việc vận chuyển phân bón, cà phê sau thu hoạch chủ yếu phải dùng các phương tiện xe công nông, xe tự chế mới lưu thông được. Do đó, đơn vị cũng gặp những khó khăn nhất định khi vào cuộc xử lý.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4. Đối với các hộ sử dụng máy kéo hiện nay đa phần đều không có chứng từ chứng minh nguồn gốc sản xuất, nên gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số cho phương tiện.

Để tăng cường công tác quản lý xe công nông độ, chế tại địa phương, đơn vị đề nghị Sở Giao thông vận tải thường xuyên mở các lớp đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng A4 tại địa phương, tạo điều kiện cho người dân học tập thuận lợi. Có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về công tác đăng ký, cấp biển số, kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho các xe máy kéo nhỏ đang hoạt động…

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/202110/di-linh-chu-trong-kiem-tra-xu-ly-xe-cong-nong-xe-tu-che-3085670/