Di Linh đẩy mạnh trồng cây công nghiệp theo hướng an toàn
Những năm gần đây, nông dân Di Linh đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng như chè, cà phê, trái cây... theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, cung ứng ra thị trường những nông sản thật sự ngon và chất lượng nhất.
ĐẦU RA ỔN ĐỊNH
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP của hộ anh Lê Huy Hoàng (44 tuổi, xã Ðinh Trang Thượng, Di Linh) đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Anh Hoàng cho biết, năm 2011, được bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực cây ăn trái tư vấn, anh trồng thử nghiệm 100 cây giống bưởi da xanh trên diện tích 3 sào đất vườn, sau hơn 3 năm chăm sóc, những quả ngọt đầu tiên đã mang lại lợi nhuận kinh tế. Nhận thấy bưởi da xanh đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, anh phá cà phê để mở rộng diện tích trồng bưởi, với 100 cây giống ban đầu anh đã nhân giống trồng được 1.200 cây trên diện tích 4 ha.
Để vườn cây trái xanh tốt, anh Hoàng dành ra nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đào ao để tích nước, đồng thời sản xuất vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sau một thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình anh phát triển tốt và cho năng suất cao. Hiện nay, giá bán trung bình 20.000 đồng một kg thu mua tại vườn, với diện tích trên, lợi nhuận thu về cho gia đình khoảng hơn 1,7 tỷ đồng.
Hiện tại, anh Lê Huy Hoàng đang làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây VietGAP xã Đinh Trang Thượng với 6 thành viên, mục tiêu hướng tới là thành lập hợp tác xã trái cây cho những năm tháng sau này. “Tôi không ngại chia sẻ nguồn giống chất lượng, kinh nghiệm sản xuất để mọi người phát triển. Càng nhiều người trồng, khi sản lượng nhiều mình sẽ có thị trường lớn hơn, để từ đó khẳng định được thương hiệu trái cây của địa phương”, anh Hoàng tâm sự.
Tương tự, phong trào sản xuất cà phê bền vững phát triển nhanh và mạnh trên địa bàn Di Linh, nhiều nông hộ đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ... Mô hình cà phê VietGAP tại trang trại cà phê của gia đình anh Trần Văn Sương (thôn Đồng Lạc 3, xã Đinh Lạc) là một ví dụ điển hình cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật vào canh tác cà phê mang lại hiệu quả. Qua đó, anh Sương sản xuất cà phê đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện với môi trường. Tham gia vào sản xuất cà phê VietGAP, nông dân được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và các kỹ sư của dự án VnSat hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh từ trồng đến chăm sóc, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối, hợp lý...
Anh Sương cho biết: “Lúc đầu nghe nói trồng cà phê theo hướng VietGAP, tôi cứ nghĩ nó cao siêu khó thực hiện. Sau khi được hướng dẫn, tôi đã bắt tay vào làm và trên thực tế cho thấy rất dễ làm. Với diện tích 6 ha, tôi tăng việc dùng phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học nhưng sản lượng cà phê đạt 5 tấn/ha, cà phê chín đồng loạt, chất lượng hạt nâng lên”.
MỞ RỘNG SẢN XUẤT VIETGAP
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Di Linh đã tích cực, chủ động phối hợp với đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, HTX, THT sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Di Linh cho biết, Di Linh là huyện đặc thù sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 90% là diện tích cây công nghiệp (cà phê), cây ăn quả, hàng năm có hàng trăm nghìn tấn cà phê, hàng chục nghìn tấn trái cây cung cấp ra thị trường trong nước và thế giới. Từ thực tiễn tình hình, với nhận thức sâu sắc rằng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm nông sản của huyện Di Linh, giải quyết đầu ra ổn định, bền vững, đặc biệt là thị trường thế giới thì phải xây dựng chiến lược về chất lượng sản phẩm nông sản.
Qua đó, huyện Di Linh thực hiện chương trình mở rộng diện tích trồng VietGAP đối với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Phòng Nông nghiệp chủ trương tập hợp các hộ nông dân ở trong các HTX, THT để thực hiện, đồng thời, tiến hành tập huấn cho người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Hiện tại, đối với cây cà phê, toàn huyện có khoảng 10.000 ha sản xuất theo quy trình 4C, UTZ; cây sầu riêng 104 ha; bơ 60 ha; mắc ca 20 ha; cây hồ tiêu 15 ha đều đã có chứng nhận VietGAP.
“Qua thực tế, các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đều đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên dễ tiêu thụ với giá ổn định. Trong thời gian tới, huyện Di Linh sẽ đẩy mạnh chương trình sản xuất theo hướng VietGAP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, lộ trình đến 2025 phải có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận VietGAP, trong đó có 10% sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic)”, ông Khá cho biết thêm.