Di Linh: Mắc ca lên xanh giữa vườn cà phê
Giữa vùng sâu Đinh Trang Hòa, Đinh Lạc, Liên Đầm của Di Linh, trên 45 ha cà phê trồng xen mắc ca đang lên xanh tốt. Những cây mắc ca 2 năm tuổi đang vươn ngọn, chuẩn bị cho những vụ mùa nặng trái.
Đây là kết quả của mô hình “ Trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật ( 741, 800, 695, 900) vùng Tây Bắc và Tây Nguyên” do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Lâm Đồng triển khai từ nguồn vốn khuyến nông.
Ngay từ năm 2018, TTKN Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh, chính quyền địa phương ba xã Đinh Lạc, Liên Đầm, Đinh Trang Hòa kiểm tra vườn cà phê, chọn hộ, cấp cây giống, vật tư cho các nông hộ tham gia mô hình. Tất cả các hộ tham gia đều là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các thôn khó khăn thuộc 3 xã. TTKN Lâm Đồng đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, thu hoạch, bảo quản hạt mắc ca ở huyện Di Linh cho 69 hộ dân tham gia mô hình. Bà con được đi tham quan cụ thể tại những vườn mắc ca quanh vùng, lắng nghe kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hạt. Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, bà con vốn quen với cây cà phê đã hiểu thêm về cây mắc ca; nhận thức được khi trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về thị trường, tăng độ che phủ đất, trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê góp phần canh tác cà phê bền vững.
Sau những chuyến học hỏi kinh nghiệm, bà con được nhận cây giống, phân bón hoàn toàn miễn phí và cả sự hỗ trợ kỹ thuật sát sao. Về giống được chọn lựa rất kỹ từ những giống phù hợp với Di Linh, đã qua khảo nghiệm và đang được trồng rộng rãi tại địa phương. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con từ cách đào hố, xuống giống, buộc cây chống cho tới bỏ phân 4 đúng. Đất Di Linh vốn màu mỡ, phù hợp với cây mắc ca. Bởi vậy, những cây non mau chóng bén rễ xanh chồi, vươn mình giữa rẫy cà phê. Nhiều nông hộ tham gia mô hình chia sẻ, mùa mưa cây không cần tưới. Còn mùa nắng, cây cà phê cần nước nên khi tưới cà phê, bà con cũng tranh thủ tưới cho mắc ca luôn. Bà con bảo, thấy nhiều hộ thu mắc ca rất khá, giá lại cao nên bà con rất trông đợi mắc ca sẽ gúp gia đình có thêm thu nhập.
Theo kiểm tra, tỷ lệ sống của cây mắc ca vùng dự án đạt 97%, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh hại.
Hiện nay, tại Di Linh có những cây mắc ca đã cho năng suất khoảng 20-30 kg hạt, khẳng định cây mắc ca có khả năng thích nghi với địa phương. Tại địa bàn đã có 3 đơn vị thu mua, chế biến hạt mắc ca, là điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm trồng và thu hoạch. Với sản phẩm là nhân giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và thời gian trồng cho thu hoạch dài, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, việc trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê sẽ mở ra hướng làm ăn mới góp phần tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần tăng độ che phủ đất, xây dựng vùng cà phê Di Linh bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật TTKN Lâm Đồng, cây mắc ca là giống cây lâm nghiệp mới, khi trồng cần chú ý những điểm sau: Cần trồng bằng giống cây mắc ca ghép có nguồn gốc rõ ràng, trên diện tích trồng cần trồng từ 2-3 giống trở lên. Cây thích hợp với vùng có khí hậu mát, nhiệt độ bình quân 20-250C, nhiệt độ ban đêm thích hợp nhất để phân hóa mầm hoa là 17 - 200C (tháng 10-12 dương lịch). Cây có thân cây cao lớn, nhưng rễ nông, chống chịu gió bão kém, vì vậy cần đào hố lớn, trong những năm đầu cần cắm cọc và cột cây vào để không bị gió lay gốc, nên trồng cây chắn gió xung quanh khu vực trồng. Cây mắc ca trồng thu hoạch quả, vì vậy cần chú ý tạo tán ban đầu để cây có một thân chính và bộ tán cân đối, sau này sẽ cho năng suất quả cao, phương pháp tạo tán phải tùy vào từng giống, với những giống có ưu thế sinh trưởng ở ngọn yếu không cần cắt ngọn thân chính, cây cũng tự phân cành. Đối với giống có ưu thế sinh trưởng ngọn mạnh thì cần cắt ngọn thân chính để xúc tiến phân cành; khi cây cao khoảng 1 - 1,2 m bấm ngọn lần thứ nhất để tạo tán, giữ 3 cành khỏe phân đều các hướng; bấm ngọn lần 2, lần 3 khi các ngọn mới cao khoảng 0,6m. Giai đoạn mới trồng cần chú ý phòng trừ sâu đục thân, sâu cuốn lá, rệp. Sau khi trồng 2 đến 3 năm khi cây đã phát triển tốt, cần tỉa bỏ những cành nhánh ở thân chính độ cao từ 0,8-1 m trở xuống để gốc thông thoáng, giảm sâu bệnh hại. Không nên tỉa sớm cành để cây phát triển tốt giúp bộ rễ phát triển mạnh ăn sâu vào đất, tăng khả năng chống chịu với gió bão. Do trồng xen nên cần trồng vào giai đoạn cà phê tái canh, vườn cà phê giai đoạn kiến thiết; nếu trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê giai đoạn kinh doanh cần chú ý để cây cà phê không che bóng cây mắc ca, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/di-linh-mac-ca-len-xanh-giua-vuon-ca-phe-2979103/