Di Linh: Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Di Linh đã đề ra 3 khâu đột phá, 4 chương trình trọng tâm, 8 công trình trọng điểm, xây dựng 6 nghị quyết chuyên đề, 2 chương trình của cấp ủy, nhằm cụ thể hóa, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh lần thứ XV.

Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm mắc ca Mai Thao xã Gia Hiệp đã xây dựng được thương hiệu và được xếp hạng OCOP 4 sao tỉnh Lâm Đồng

Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm mắc ca Mai Thao xã Gia Hiệp đã xây dựng được thương hiệu và được xếp hạng OCOP 4 sao tỉnh Lâm Đồng

Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nên lĩnh vực này được Đảng bộ huyện Di Linh đặc biệt quan tâm; với trọng tâm là thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm tháo gỡ thế độc canh trong nông nghiệp, khai thác và phát huy thế mạnh về nông nghiệp của địa phương. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tái canh cây cà phê theo hướng hữu cơ phát triển bền vững, đồng thời tăng cường xen canh, chuyên canh, xây dựng được các vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trái cây, rau màu, hoa, dâu tằm. Thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối, đường dẫn, dẫn dắt kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, đảm bảo mỗi xã có 1 sản phẩm và 1 mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có thể nhân rộng.

Trong năm 2021, toàn huyện Di Linh đã trồng tái canh, ghép cải tạo được 1.857,88 ha/1.800 ha cà phê, đạt 103,22%; thực hiện chuyển đổi sang trồng giống chè cao sản, chè chất lượng cao như TB14, Olong, Kim Tuyến, Tứ Quý... với diện tích 505,6 ha, sản lượng đã thu hoạch 3.090 tấn; cây mắc ca chủ yếu được trồng xen với diện tích 3.335,06 ha, trong đó diện tích trồng xen năm 2021 là 424,12 ha; cây hồ tiêu được trồng xen với diện tích 847,02 ha; toàn huyện Di Linh cũng hiện có khoảng 30,8 ha trồng hoa các loại có giá trị kinh tế cao như: hoa lan Hồ điệp, hoa lan Vũ nữ, lan rừng, hồng môn và một số loại hoa khác…

Đặc biệt, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ đã được người dân tích cực chuyển đổi. Hiện, toàn huyện Di Linh có 4.996,8 ha sầu riêng, chủ yếu được trồng xen (quy ra 100 cây/ha) tương đương với diện tích quy động đặc là 3.123,03 ha (quy ra 160 cây/ha); trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.259,99 ha. Bên cạnh đó, người dân trong huyện cũng đã trồng xen 4.757,63 ha bơ, diện tích cho thu hoạch là 1.432 ha. Ngoài ra, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng được người dân phát triển mạnh tại các xã: Gia Hiệp, Tân Nghĩa, Tân Lâm… với diện tích 643,57 ha.

Về khâu đột phá trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với xây dựng, phát triển không gian đô thị và xây dựng huyện nông thôn mới đã được Huyện ủy Di Linh ban hành đề án riêng. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai chương trình phát triển đô thị, tập trung huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để chỉnh trang, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, quy hoạch và xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới để Di Linh phát triển và thị trấn Di Linh trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ thuộc tiểu vùng II của tỉnh.

Ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến giao thông chính của huyện, các trục giao thông, đường nội thị và đường vành đai đô thị, cứng hóa các tuyến đường vào khu sản xuất. Tập trung các nguồn lực xây dựng thị trấn Di Linh đạt chuẩn đô thị loại 4, xã Hòa Ninh đạt chuẩn đô thị loại 5 và phát triển thành thị trấn Hòa Ninh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Tam Bố, bổ sung cụm công nghiệp tại xã Hòa Ninh và xã Liên Đầm để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản để dẫn dắt, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng đến nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững.

Tăng cường kêu gọi các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để khai thác hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực sẵn có tại địa phương. Rà soát, xây dựng danh mục, cẩm nang dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên thu hút phát triển khu đô thị mới, du lịch, công nghiệp chế biến và xây dựng các điểm dừng chân quảng bá, trưng bày các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương. Định kỳ tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn để kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết, có thực lực trong và ngoài tỉnh đầu tư vào địa phương. Thực hiện tốt phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Hình thành và khôi phục các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch…

Đồng chí Đinh Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết: Với quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết đại hội vào cuộc sống, tạo chuyển biến mới ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động và chương trình làm việc toàn khóa của Đảng bộ. Đồng thời, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách các lĩnh vực và các chi bộ, đảng bộ trực thuộc để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình, thời gian, trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Chương trình hành động của Huyện ủy. Đặc biệt, Huyện ủy đã chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đã đề ra.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202111/di-linh-phat-huy-tiem-nang-loi-the-day-manh-thu-hut-dau-tu-3087264/