Đi mò ốc, phát hiện cây gỗ quý 100 năm tuổi nằm sâu dưới lòng suối
2 người đàn ông phát hiện thân cây gỗ quý dưới lòng suối đã phải thuê thợ cùng máy móc đến đào 3 ngày liên tục. Thân cây sẽ được đấu giá xung công quỹ, chia một ít cho người có công phát hiện, trục vớt.
Chiều 31/7, ông Nguyễn Khánh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, 2 người dân trên địa bàn vừa phát hiện được một cây gỗ lớn nằm sâu trong lòng đất.
Trước đó, vào 21h tối 21/7, anh Chung (trú thôn 9) và anh Hạnh (trú thôn 8), xã Sơn Hồng đi vào suối thuộc địa bàn thôn 1 xã này bắt ốc như thường ngày. Trong quá trình mò ốc dưới lòng suối, 2 anh mò phải 1 nhánh cây gỗ. Nghi là nhánh của một cây gỗ lớn, 2 người đàn ông đã lặn xuống xem thì phát hiện, một thân cây gỗ dài nằm sâu phía dưới.
Sáng hôm sau, 2 người đàn ông đã thuê thợ cùng máy đào đến hiện trường. Sau 3 ngày liên tục đào, ở dưới độ sâu khoảng hơn 3m, hiện lên một thân cây gỗ dài.
Theo ghi nhận, cây gỗ có màu nâu đen, dài khoảng 15m, đường kính 60cm.
Anh Hạnh cho biết, theo nhiều người có kinh nghiệm trong làng nhận định thì đây là cây gỗ lim quý, có tuổi đời khoảng 100 năm. Cây gỗ này trong quá trình lũ lụt, đã bị gãy cuốn xuống suối rồi bị bồi lấp.
"Nhà nghèo nên khi bắt được cây gỗ quý, tôi mừng lắm. Chỉ mong chính quyền thương, cho chúng tôi một phần để lấy làm nhà, một phần xin được đóng cho hội quán của thôn, phần còn lại nộp cho Nhà nước", anh Hạnh nói.
Nắm bắt được thông tin, chính quyền địa phương cùng lực lượng kiểm lâm đã đến hiện trường, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh xác nhận thông tin và cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện sự việc, lực lượng kiểm lâm Hương Sơn cùng chính quyền địa phương đã lập biên bản, báo cáo cấp trên để xử lý theo đúng quy định của Nhà nước. UBND huyện Hương Sơn cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh.
“Nhìn kích thước và đặc điểm thì chúng tôi nhận định, cây gỗ này nằm dưới lòng đất đã rất lâu. Sau quá trình xói mòn, phần đầu bị lộ lên khỏi mặt đất. Cây gỗ này khoảng tầm 100 năm tuổi còn gỗ lim hay gỗ gì thì phải kiểm tra lại vì ngâm trong nước lâu ngày nên khúc gỗ có màu đen sậm, khó nhận biết.
Theo quy định, tài sản người dân trục vớt được là tài sản của toàn dân nên sẽ phải xử lý theo quy định của Nhà nước. Cái này, Tỉnh đã giao cho sở Tài chính chủ trì thực hiện đấu giá xung công quỹ và chia cho người dân có công phát hiện, trục vớt theo đúng như quy định của Nhà nước”, ông Huấn nói.
Được biết, hiện, lực lượng kiểm lâm cùng chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng bảo vệ cây gỗ ngay tại hiện trường 24/24 để chờ phương án xử lý.