Đi mới thấy: Lực lượng tiếp tế cho xã cô lập phải vượt qua gian khổ, nguy hiểm nhường nào!
Gần một ngày cắt rừng, vượt suối, đèo với nhiều điểm sạt lở, PV Báo Công an TPHCM đi theo đoàn gùi hàng đã đến trung tâm xã Phước Thành (huyện Phước Sơn). Nơi này cùng với Phước Lộc là 2 xã còn bị cô lập, chia cắt tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 27-10 đến nay.
Tuyến đường độc đạo từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) vào các xã vùng cao: Phước Chánh, Phước Kim, Phước Công, Phước Lộc và Phước Thành vẫn đang ách tắc giao thông khiến xe máy, ô tô qua lại rất khó khăn.
Nhiều giờ ì ạch đi đường, PV Báo Công an TPHCM đi theo đoàn cõng lương thực cũng đến được Trường Mầm non liên xã Kim - Thành - Lộc (Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc).
Các đoàn thiện nguyện tập kết hàng hóa, quà ở đây để trao cho người dân 2 xã Phước Kim và Phước Thành. Từ ngày 27-10 đến nay, 3.000 người dân xã Phước Thành và Phước Lộc bị chia cắt, cô lập nên trực thăng để thả hàng hóa cứu trợ; hàng trăm cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an cõng hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày vào cứu trợ người dân.
Những ngày qua, hơn 1.000 người dân phải đi bộ vượt đường rừng hàng chục cây số đến trường mầm non trên nhận quà rồi gùi, cõng hàng về nhà trong tình trạng rất hiểm nguy.
"Ngày nào không mưa thì mình đều đi nhận hàng cứu trợ. Biết là nguy hiểm lắm nhưng không đi thì túng thiếu cái ăn, cái mặc, đồ dùng sinh hoạt. Nhà bị trôi không còn chỗ ở. Nhà mình có 7 người phải đi ở nhờ", anh Hồ Văn Khách (ngụ thôn 1, xã Phước Thành) bày tỏ.
Ngoài hộ anh Khách còn có 46 hộ dân khác của xã Phước Thành bị lũ quét, sạt lở vùi lấp, cuốn trôi nhà cửa. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng quá khó khăn, túng thiếu. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng địa phương đã và đang cắt rừng về giúp đỡ đồng bào.
PV đã đi theo đoàn người gùi, cõng hàng hóa về xã Phước Thành. Quãng đường chim bay khoảng 15km nhưng tuyến đường độc đạo đi qua các xã vùng cao bị xóa sổ nhiều vị trí, sạt lở và lũ quét cuốn trôi, vùi lấp hàng chục điểm. Bình thường đi xe máy mất 30 phút nhưng nay phải đi cắt đường rừng mất 4 - 5 tiếng đối với người khỏe mạnh.
Khó khăn, nhiều hiểm nguy do núi cao trực đổ sập bất cứ lúc nào, đi chênh vênh bên sườn núi, cạnh bên là vực sâu, giữa đường bùn, đá, cây cối ngổn ngang... Đi từ 11 giờ, PV cùng Công an, dân quân xã cõng theo thuốc men, nhu yếu phẩm (ba lô mỗi người hơn 30kg) cũng đến được trung tâm xã Phước Thành lúc trời vừa tối. Khung cảnh đổ nát khi xã bị xé nhiều điểm bởi núi sạt lở, lũ quét. Khoảng 200 người dân không còn nhà ở, phải trú ngụ ở các nhà công cộng, nhà hàng xóm.
Từ xã Phước Thành muốn tiếp cận được xã hàng xóm Phước Lộc (nơi sạt lở, lũ quét làm 13 người chết và mất tích; gần 40 nhà sập, bị cuốn trôi) phải mất 6 - 7 giờ đường rừng... nếu trời không mưa.
Một số hình ảnh PV Báo Công an TPHCM đi cùng đoàn cõng hàng trèo đèo, lội suối vào xã Phước Thành: