'Dị nhân gọi mưa' Nguyễn Minh Hoàng lại muốn chữa cháy rừng cho các địa phương

'Tôi chỉ cần được các cơ quan chức năng đồng ý và chỉ đạo, tôi sẵn sàng giúp. Lãnh đạo bảo giảm nguy cơ cháy rừng thì sẽ giảm hoặc yêu cầu không xảy ra cháy thì tôi sẽ làm cho khu vực đó không cháy', ông Nguyễn Minh Hoàng khẳng định.

Hô mưa chữa cháy rừng?

Miền Bắc đang trong những ngày cao điểm của nắng nóng. Tình trạng khô nóng xuất hiện hàng trăm điểm có nguy cơ cháy rừng được cơ quan khí tượng dự báo thống kê cảnh báo. Thực tế thời gian qua, hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.

Giữa lúc đó, ông Nguyễn Minh Hoàng hay còn gọi là "dị nhân gọi mưa" đã đề xuất được trợ giúp các địa phương phòng, chữa cháy rừng. Ông Nguyễn Minh Hoàng hiện ở Xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Tình trạng cháy rừng đang diễn biến phức tạp trên cả nước.

Tình trạng cháy rừng đang diễn biến phức tạp trên cả nước.

"Hiện nay tôi thấy trên các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa tin có hơn 100 điểm có nguy cơ cháy rừng khẩn cấp trên cả nước. Tôi không có bằng cấp, trình độ gì, nhưng tôi tự tin có thể gọi mưa dập tắt các đám cháy rừng. Tôi có khả năng cứu được, giảm cháy rừng và thậm chí là không để xảy ra cháy rừng trên phạm vi toàn quốc. Tôi rất mong được kết nối với cơ quan chức năng, các địa phương để phối hợp đưa ra các giải pháp phòng ngừa, tránh tình trạng xảy ra cháy rừng rồi mới huy động dập lửa thì thiệt hại khôn lường", ông Nguyễn Minh Hoàng nói.

Cùng với lời đề nghi, ông Nguyễn Minh Hoàng gửi cho phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống một số tài liệu ông cho rằng ông đã từng gọi mưa cho bà con ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình... phòng chống khô hạn thành công.

"Tôi chỉ cần được các cơ quan chức năng đồng ý và chỉ đạo, tôi sẵn sàng giúp. Lãnh đạo bảo giảm nguy cơ cháy rừng thì sẽ giảm hoặc yêu cầu không xảy ra cháy thì tôi sẽ làm cho khu vực đó không cháy. Bằng cách họ gửi địa chỉ khu vực có nguy cơ cháy cho tôi lúc cảnh báo cháy cấp 3 hoặc 4 là vừa, thì sẽ mưa trước khi có nguy cơ cháy", ông Nguyễn Minh Hoàng nói.

Ông Hoàng cho rằng năm 2023 ông đã xin mưa cho thủy điện miền Bắc nên suốt 2 năm qua không thiếu nước. Hay như năm 2024, ông đã giúp thành phố Hà Nội giảm nhiệt trong mua hè một cách đáng kể.

Cầu mưa là chuyện phi thực tế

Bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Sau những tháng nắng nóng, mặt đất, ao, hồ bốc hơi nước lên cao. Khi đủ lực đối lưu, những hạt hơi nước ngưng tụ lại trong mây. Khi nước từ mây rơi xuống bề mặt trái đất mới gọi là mưa. Những cơn mưa là quá trình vật lý khí quyển.

Theo bà Lan, một con người đứng dưới mặt đất khấn vái cho rằng ông trời cho mình một năng lực, khả năng tạo ra quá trình khí quyển như vậy thì không thể nào coi đó là cơ chế mang tính chất khoa học được.

"Trừ khi là làm mưa nhân tạo bằng tác động của khoa học kỹ thuật nhưng rất đắt đỏ. Mà muốn có mưa nhân tạo thì điều kiện tiên quyết là phải có mây dông. Các đám mây này chưa đủ đối lưu để gây mưa, người ta bắn vào đó các hạt nhân liên kết để kích động tạo mưa", bà Lan diễn giải.

Theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa phải hội tụ các điều kiện, một là trời phải có mây (loại mây đối lưu dễ xảy ra mưa hoặc các loại mây tầng thấp).

Muốn có mây, quá trình bốc hơi từ mặt đất, ao, hồ… phải liên tục xảy ra. Độ ẩm không khí phải cao, mặt đất có nhiệt độ cao, nhưng càng lên cao nhiệt độ càng giảm, khối không khí đạt tới trạng thái bão hòa. Quá trình ngưng kết xảy ra, hạt mây đủ lớn, trọng lượng những hạt mây thắng được lực dòng thăng, mưa sẽ xảy ra.

"Ông Hoàng có thể nhờ luật sư tư vấn. Nếu cầu được mưa giải hạn, không vi phạm pháp luật, ông Hoàng cứ làm việc có ích, có thể không cần xin phép. Tôi không tin ông Hoàng làm được", vị này chia sẻ.

Thực tế, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, đã có những dự án làm mưa nhân tạo tại Việt Nam để cứu cây bị hạn, nhưng không thực hiện được. Vì trong thời kỳ xảy ra hạn hán, độ ẩm không khí rất thấp, gió không phải từ biển thổi vào, mà nguồn gốc gió từ nơi khô thổi tới nơi khô thì không có mây để gây được mưa.

Trước đó, ngày 2/4/2024, TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thuộc Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ký giới thiệu "người có khả năng cầu mưa nhưng chưa kiểm chứng" cho Chi cục Thủy lợi TP.HCM.

Trong văn bản, ông Điệp giới thiệu ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, thường trú Hà Nội) đến Chi cục Thủy lợi TP.HCM. Ông Điệp cho biết, ông Hoàng nhờ cơ quan ông công tác giới thiệu với các tỉnh phía nam và nói ông có khả năng cầu mưa hiệu quả. Ông Điệp nhấn mạnh, vấn đề này, cơ quan ông Điệp chưa được kiểm chứng nhưng rất xót xa và dằn vặt về nạn hạn hán thất bát mùa màng của một số tỉnh phía nam nên giới thiệu ông Hoàng.

Sau đó, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã mời ông Lê Minh Hoàng (SN 1967, ở xã Mỹ Thành) lên làm việc liên quan nội dung ông này được giới thiệu vào TPHCM "cầu mưa", giúp người dân Nam Bộ thoát cảnh hạn hán. Thông tin từ UBND huyện Mỹ Đức, ông Hoàng thừa nhận những thông tin đưa ra về khả năng "cầu mưa" là chưa chính xác.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-nhan-goi-mua-nguyen-minh-hoang-lai-muon-chua-chay-rung-cho-cac-dia-phuong-169250420204417407.htm