'Dị nhân' Nguyễn Văn Long và chuyến chạy từ Hà Nội vào TP.HCM

'Dị nhân' Nguyễn Văn Long chạy 1.846 km từ Hồ Gươm (Hà Nội) tới Dinh Thống Nhất (TP.HCM) dưới cái nắng cháy da thịt, kêu gọi quyên góp hỗ trợ trẻ em khó khăn.

Trong 20 ngày liên tục từ 11/4 đến 1/5, anh Nguyễn Văn Long (Long Marathon), với những miếng băng chân, chạy dọc lộ trình từ Bắc vào Nam dưới nền nhiệt hơn 40℃.

Phơi mình dưới nắng 10 tiếng mỗi ngày, làn da của Long đen cháy, bàn chân sưng vù. Anh từng nghĩ tới việc bỏ cuộc.

“Thời tiết vào tháng Tư thật sự khắc nghiệt. Tới ngày thứ ba, cái nắng miền Trung gần như đã đánh gục tôi hoàn toàn, nhưng tôi vẫn gắng chịu đựng, một phần vì đam mê, phần nhiều vì số tiền có thể quyên góp giúp đỡ các em bé khó khăn ở quê nhà”, anh Long nhớ lại.

Nguyễn Văn Long từng được ghi nhận là vận động viên đầu tiên chạy xuyên Việt vào năm 2022, với quãng đường lên tới 2.656 km trong 34 ngày.

Dị nhân Nguyễn Văn Long khép lại hành trình chạy xuyên Việt tại Dinh Thống Nhất.

Dị nhân Nguyễn Văn Long khép lại hành trình chạy xuyên Việt tại Dinh Thống Nhất.

Thách thức giới hạn bản thân

Anh Nguyễn Văn Long xuất phát trưa ngày 11/4 tại Hồ Gươm (Hà Nội), mục tiêu cán đích cổng Dinh Độc Lập vào 30/4 - ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để hoàn thành lộ trình trong 20 ngày, mỗi ngày anh Long tự đặt ra quy định chạy 100 km trong khoảng 10 tiếng.

Dù có cự ly ngắn hơn lần 1, nhưng đây mới là thử thách khó nhằn do áp lực về thời gian: “Ở hành trình đầu tiên mình chưa nắm bắt được địa hình, khí hậu của từng địa phương nên có chút khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng mình không áp lực về quãng đường di chuyển mỗi ngày, mình tự cân đối thôi. Lần này khó khăn hơn rất nhiều, vì bản thân mình đặt ra mục tiêu số lượng phải chạy mỗi ngày”.

Kỷ luật là yếu tố tiên quyết giúp Nguyễn Văn Long hoàn thành hành trình xuyên Việt. Anh tuân thủ mục tiêu số ki-lô-mét hàng ngày và quy trình chăm sóc sức khỏe.

Bí quyết của anh là chiến thuật uống nước:“Thật sự khó để tính được lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày, vì tùy mức độ khắc nghiệt của thời tiết từng địa phương. Chiến thuật nạp nước phải phù hợp, tránh trường hợp cơ thể bị sốc nước, cũng như không bị phụ thuộc vào nước. Tôi tuân thủ rất nghiêm, thời gian nào dùng nước suối, thời gian nào dùng nước điện giải”.

Anh Long chia sẻ, các runner đồng hành cùng anh trên hành trình hay lấy nước ra uống và tiện đưa cho anh dùng luôn. Tuy nhiên, “dị nhân” không nhận, mà quyết tâm nhịn tới chặng dừng.

Nguyễn Văn Long rèn ý chí bằng cách nhịn uống nước.

Nguyễn Văn Long rèn ý chí bằng cách nhịn uống nước.

Xác định thời tiết miền Trung rất khắc nghiệt, trước khi khởi chạy, anh Long có thời gian dài tập luyện tại TP.HCM từ 11h trưa tới 3h chiều hàng ngày, nhưng vẫn chưa đủ để đối phó với thiên nhiên tàn khốc. “Nhiệt độ và độ ẩm không khí ở Nghệ An hôm đó quá cao, khiến tôi bị cảm lạnh. Tôi quyết định sẽ nghỉ buổi sáng hôm sau để cơ thể hồi phục và chạy vào buổi chiều. Kế hoạch chặng Kon Tum tới Chư Prong bị phá vỡ”, anh Long kể lại.

Chạy 100 km mỗi ngày với tốc độ cao trên với mặt đường nóng khiến chân của anh nổi phồng. Khi đó anh Long chọn cách uống thuốc rồi nén đau chạy tiếp. Lộ trình Kon Tum - Chư Prong dài 90 km, nhưng điều kiện sức khỏe chỉ cho phép anh Long hoàn thành 70 km. Anh dành thời gian còn lại trong ngày tới thăm các em bé tự kỉ. Ở Gia Lai, nơi anh sinh ra, còn rất nhiều em bé có hoàn cảnh khó khăn. Lý do thôi thúc anh Long có những bước chạy xuyên 2 miền Nam Bắc chính là để giúp các em có một cuộc sống tốt hơn.

Động lực cho các bước chạy

Thời điểm năm 2021, anh Long chuyển tới sinh sống tại TP.HCM và được chứng kiến những khó khăn của người dân, các em nhỏ mồ côi cha mẹ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Long tìm tới quỹ “Áo ấm cho em” để có cơ hội giúp đỡ các bạn nhỏ mồ côi, thiếu hơi ấm gia đình.

Long có ý tưởng về một hành trình chạy xuyên quốc gia. Lần đầu tiên kêu gọi quỹ, anh tổng hợp được 80 triệu đồng, giúp đỡ 2 trại trẻ mồ côi tại Gia Lai. Anh kể lại: “Sau khi tôi đưa ra ý tưởng và đi xin tài trợ thì thật sự bất ngờ. Dù giai đoạn đó là mùa dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang khó khăn, tôi vẫn may mắn được ủng hộ và tạo nên quỹ giúp đỡ các em. Khi ý tưởng thành công, chạy bộ trở thành một niềm thôi thúc. Đó là một thông điệp đầy lan tỏa, giúp phát triển phong trào ở nhiều vùng miền. Từ đó, có nhiều nhãn hàng, các mạnh thường quân cũng tài trợ cho Long giúp đỡ các em.”

Tiền tài trợ của “Hành trình xuyên Việt” mùa 1 được các nhãn hàng chia làm 2 khoản. Khoản 1 để anh Long lo chi phí ăn ở trong suốt quá trình thực hiện thử thách. Khoản 2 được chân chạy dùng làm tiền quyên góp từ thiện. Anh Văn Long cho biết cũng trích thêm số tiền từ khoản 1 để giúp đỡ trẻ em mồ côi, bị bệnh ở Gia Lai nơi anh sinh ra và lớn lên.

Nguyễn Văn Long cùng các nhóm chạy đồng hành qua từng địa phương.

Nguyễn Văn Long cùng các nhóm chạy đồng hành qua từng địa phương.

Đầu năm 2024, Nguyễn Văn Long thi đấu giải marathon tại Thái Lan, về nhất và phá kỷ lục của chính mình. Sau đó, anh giành chức vô địch quãng 42 km giải Báo Tiền Phong hệ phong trào. Mục tiêu thứ ba là hành trình xuyên Việt tháng 4/2024, được anh hoàn thành trọn vẹn dù gặp muôn vàn khó khăn.

Sau một loạt thành tích, anh Long xác định đến thời điểm nghỉ ngơi: “Nhiều người thắc mắc là sao mới đầu tháng Năm mà đã hết mục tiêu. Nhưng tôi nghĩ đây là 3 mục tiêu không hề dễ dàng. Tại hành trình xuyên Việt, tôi bị bào mòn thể lực và cần có thời gian hồi phục. Tôi ấp ủ dự định, sẽ chạy xuyên 3 nước Đông Dương, thử thách bản thân một lần nữa.”

Trong thời gian nghỉ ngơi, anh tiếp tục công việc cố vấn, huấn luyện đội điền kinh và tham gia các giải phong trào. Anh còn làm đại sứ thương hiệu cho một số nhãn hàng. Tất cả các công việc ấy giúp anh Long có thu nhập, duy trì đam mê của mình./.

Thành Lộc

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/di-nhan-nguyen-van-long-va-chuyen-chay-tu-ha-noi-vao-tp-hcm-ar892998.html