Đi ô tô không chính chủ có bị xử phạt?
Theo quy định, khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô thì phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Hỏi:
Thời gian qua, phương tiện di chuyển của tôi đang bị hỏng, phải sửa nên tôi phải mượn xe ô tô của bạn để đi làm. Vậy xin hỏi, khi tôi điều khiển xe không chính chủ thì có bị xử phạt hay không? Khi CSGT kiểm tra thì tôi xuất trình những giấy tờ nào?
Đặng Đình (TP Hải Dương)
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật trả lời:
Theo quy định, khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô thì phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình).
Bên cạnh đó, việc xác minh để phát hiện lỗi xe không chính chủ chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc qua công tác đăng ký xe.
Như vậy, chỉ những trường hợp mua xe, được cho xe, được tặng xe… nêu trên mà không làm thủ tục sang tên theo quy định mới bị xử phạt lỗi xe không chính chủ. Còn việc mượn xe của người thân, bạn bè lưu thông trên đường thì sẽ không bị xử lý lỗi xe không chính chủ.
Nếu bị dừng xe, lực lượng CSGT sẽ kiểm soát một số giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông như: giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực; giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.