Đi ô tô phanh nhiều có hại gì?

Việc liên tục phanh gấp đã tạo nhiều ma sát, khiến nền nhiệt tăng cao, dẫn đến giảm độ bền bỉ của nhiều bộ phận, đồng thời dễ gây cháy phanh, mất an toàn.

Do vậy, cách tốt nhất để tăng tuổi thọ của phanh là phanh càng ít càng tốt. Đừng nên lúc nào cũng đặt chân lên phanh mà chỉ thực hiện thao tác này khi cần thiết.

Ngoài ra, khi di chuyển trong phố, nơi bạn thường xuyên phải dùng phanh, hãy chú ý tín hiệu đèn giao thông, nghĩa là nếu không kịp băng qua ngã ba hoặc ngã tư khi đèn tín hiệu sắp chuyển sang đỏ, hãy giảm tốc từ xa, tránh giữ nguyên tốc độ rồi phanh đột ngột.

Ngoài tăng tuổi thọ cho phanh, thao tác này còn giúp tiết kiệm nhiên liệu. Phanh quá nhiều và đột ngột sẽ khiến xe tốn nhiên liệu hơn.

Phanh nhiều, phanh gấp sẽ gây hại cho xe. (Ảnh minh họa).

Phanh nhiều, phanh gấp sẽ gây hại cho xe. (Ảnh minh họa).

Phanh ít cũng đồng nghĩa với phanh ít mòn hơn. Di chuyển hợp lý trong phố, nhất là sắp đến đèn xanh đèn đỏ vừa giúp tiết kiệm nhiên liệu, vừa giúp chủ động tình huống và di chuyển nhanh hơn.

Giữ khoảng cách hợp lý với xe trước cũng giúp bạn ít phải phanh hơn. Dừng xe quá nhiều trước đèn xanh đèn đỏ đồng nghĩa với việc phải phanh thường xuyên. Chu trình phanh - tăng tốc - phanh liên tục là nguyên nhân chính khiến phanh nhanh mòn.

Khi đi sau xe khác, nếu thấy đèn phanh xe trước bật sáng, hãy bỏ ngay chân ga và chuẩn bị tư thế rà phanh nếu cần. Thao tác này vừa giúp bạn giữ khoảng cách an toàn, vừa tránh phải phanh đột ngột, thậm chí không phải phanh nếu vẫn giữ đủ khoảng cách an toàn với xe trước.

Khi xe lên dốc hoặc xuống dốc, hãy về số thấp. Phanh bằng động cơ là cách tốt nhất trong trường hợp này, vừa an toàn, vừa giúp phanh xe không quá nhiệt dễ dẫn tới tình trạng mất phanh.

Ngoài ra còn một số nguyên tắc giúp bạn hạn chế phanh không cần thiết:

- Không phanh gấp thường xuyên: Độ ma sát của phanh hoạt động tỷ lệ thuận với vận tốc của phương tiện. Việc liên tục phanh gấp khiến nền nhiệt tăng cao, làm giảm đáng kể tuổi thọ tổng thể của phanh. Hơn nữa, liên tục phanh gấp còn gây ra lực căng quá mức cho hệ thống phanh, dẫn đến má phanh và đĩa phanh nhanh bị mòn hơn.

- Không tăng tốc khi tắc đường: Khi di chuyển trên đường đông đúc, tài xế chỉ nên tăng tốc nhẹ thay vì đạp thốc ga rồi phanh đột ngột. Nếu thường xuyên như vậy, phanh có thể bị cháy, hoạt động không còn hiệu quả.

- Hạn chế rà phanh khi đổ đèo: Khi điều khiển ô tô xuống dốc, nếu liên tục thực hiện thao tác rà phanh sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn, thậm chí có thể gây cháy, cong vênh má phanh. Từ đó dễ dẫn đến nguy cơ mất phanh.

- Không đặt chân trái lên bàn đạp phanh: Thói quen này có thể dẫn đến tình huống vô tình đạp phanh trong khi đang lái xe bình thường, dẫn đến việc sử dụng phanh không cần thiết và dễ gây nguy hiểm.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/di-o-to-phanh-nhieu-co-hai-gi-ar887616.html