Đi qua mùa sương giá
Chiều nay gió mùa đông bắc tràn về. Cái giá lạnh của gió mùa lúc này không còn là chút se se mà nó đã thực sự mang đến cảm giác buôn buốt như kim châm của gió mùa giữa độ. Nó khác với gió lạnh đầu mùa, chỉ xóa đi cái oi nồng của hạ còn sót lại gửi qua thu.
Có nhiều người thích giá lạnh đầu mùa với cái thoang thoảng mát, lay lắt hương và se se dìu dịu chút e thẹn cho cô gái làm duyên. Người ta thích giá lạnh đầu mùa có lẽ bởi nó như sắc hương, đằm mà lại dịu, thoảng mà say, dụ dẫn con người để cùng nhau qua mùa sương giá đang chờ đợi.
Tôi khác. Tôi không thích gió đầu mùa bởi nó nửa chừng nửa chạc, không rõ ra thu mà cũng chẳng phải đông. Cái thứ không rõ nét của mùa hay làm tôi nghĩ đến cái nhờ nhờ của người. Tôi thích cái lạnh buốt như có ai đó lấy kim chích chích vào da thịt buốt nhói, sáng ra xuýt xoa, hai tay xoa vào nhau cho nóng ấm. Và, đã có rất nhiều người bạn từ phương Nam xa xôi, mỗi khi có việc hay điện hỏi thăm, hay nhắc đến độ này, gọi vui, mùa đặc sản xứ Bắc.
Nếu nói tôi thích khi cái lạnh đến cắt da cắt thịt cũng không hẳn. Nhưng với nó, tôi luôn cảm thấy sự gần gũi và thân quen. Ở đó là những ký ức đời người khi nhớ lại. Ký ức đã cho tôi đủ sức đi qua mọi biến thiên của cuộc sống, đủ nghị lực để hiểu rõ hơn chân giá trị cuộc đời và trên tất cả, để tôi sống những quãng đời khao khát của người.
Vào những năm cuối của 1960, đầu 1970, khi đó tôi mới trên mười tuổi. Cả nước lúc đó dồn sức cho tiền tuyến. Quê tôi có khẩu hiệu, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả ưu tiên cho người ngoài chiến trường, nơi ấy có rất nhiều nam thanh, nữ tú của cả nước có mặt, trong đó có nhiều người quê tôi và có cả anh tôi. Đói, rét là nỗi thường trực của bao người khi đó.
Mùa có gió đông bắc cũng là mùa khô. Các chân ruộng cạn nước, chỉ còn rọt lại những chỗ trũng thành vũng. Trên các con ngòi, con lạch, nước cũng rút cạn, chỉ sâu không quá bắp chân người. Cái lạnh của những đợt gió mùa tràn về, lá cũng quăn lại tránh rét, con cá dưới vũng, dưới ngòi, dưới lạch tìm vào hang vào hốc tránh trú.
Sáng, tranh thủ dắt trâu ra đồng, đưa lên bãi mục Nang. Để trâu đó, cởi quần quấn cổ, lội xuống vũng, xuống ngòi. Chiếc giỏ buộc bên sườn, khua nước cho động để những con cá rô ron trốn vào các hang hốc, chân lúa. Trời lạnh xuống dưới 10 độ C, những con cá cũng bị cóng, lúc ấy chỉ cần đưa tay nhặt, bắt bỏ vào giỏ. Những chú cá rô ron chỉ bằng hai ngón tay còn tươi roi rói, bị đưa lên khỏi mặt nước giá lạnh, giãy nhanh nhách trong đáy giỏ.
Đến bữa, bát cơm đơm ra, mỗi hạt gạo cõng cả miếng dong riềng, cắn sần sật được miếng cá rô ron rán giòn dối miệng. Ngày nào được nhiều, mẹ đem kho nhạt rồi rải lên cái dần, lót lá chuối khô, treo lên dây phơi để dành ăn bữa sau. Những ngày lội ruộng, lội ngòi bắt cá như thế, mỗi khi bàn chân chạm nước, như có ai lấy kim châm châm vào lớp da. Mặc.
Cái đói giục giã, con cá gọi mời, bàn chân không còn biết buốt. Khi cá đã đầy, giỏ đã chặt, giũ chân sạch bùn, lớp da chân, da tay nhăn nhúm như thân quả táo rụng. Cũng nhờ có ngày gió mùa giá lạnh, những cái vũng trên đồng, những con cá rô ron mà lũ trẻ trâu chúng tôi vẫn cứ lớn lên để thay các anh chị cày cấy, làm đồng rồi theo chân các anh đi đánh giặc.
Rồi những năm tháng trên biên giới. Cứ vào độ gió mùa đông bắc, cánh lính trực chốt vón lại như tổ sâu, cuộn vào nhau trong góc hầm tránh gió. Gạo cấp để lâu ngày đã mục, khi nấu nở bung, bồng bồng cạy cả nắp nồi quân dụng nhưng ăn chặt căng bụng vẫn đói vì hết chất. Những chiếc áo trấn thủ, áo bông mỏng, chỉ đủ che những cơn gió nhẹ chứ không thể chắn được ngấm sương.
Có nhiều ngày, sáng ra thức dậy, tiếng băng vỡ từ thân áo tanh tách, tiếng lạo xạo dưới mỗi bước chân. Chiếc khăn mặt vắt trên dây phơi cứng queo, dính vào nhau, mỗi sáng gỡ ra, loạt soạt như tiếng xé vải. Ở giữa rừng nhưng không thể nhóm củi sưởi. Nghe tiếng thú ăn đêm mà không thể đi săn. Cả đêm ôm cây AK, ủ trong lòng nằm ngủ. Thân súng thép cũng âm ấm hơi người.
Nhưng có lẽ, sợ nhất vẫn là sương đêm. Sương đậm lại, đọng trên lá thành những giọt rơi tóc tách suốt đêm. Những giọt sương ngấm qua lớp áo bông, thấm vào da, ngấm vào thịt, cái lạnh bủa vây lấy thân người, kéo lên trên môi, tím tái. Dẫu là sức trai nhưng cũng bị cái lạnh khuất phục. Hàm dưới bị co cơ, giật giật va vào hàm trên cầng cậc. Đói, rét là thế nhưng mỗi khi nổ súng, tiếng điểm xạ khẩu AK vẫn nóng, xuyên qua màn sương và giá lạnh để đánh chặn quân thù. Những khi ấy, tất cả đói rét, vất vả đều bỏ lại phía sau, Tổ quốc vẫn vững vàng qua tầm thước ngắm.
Sáng ấy, cũng sáng mùa gió đông bắc, trong chuyến tuần tra, Nguyễn Văn Khang bị trúng mìn đè nổ. Trước khi mất, Khang chỉ kịp gọi hai tiếng “Mẹ ơi”. Bất ngờ, có cơn gió ào qua, rũ sương còn đọng trên lá rơi rào rào làm ướt đầm khuôn mặt. Những giọt sương đọng trên mí, lăn xuống, chảy dài bên khóe mắt. Đôi môi Khang vẫn hồng như cánh đào thắm nơi đầu chốt.
Trong giá buốt, trong mất mát, những người lính chốt vẫn sát bên nhau truyền hơi ấm qua đêm. Chúng tôi nhắc nhau nếu có ngã xuống, hãy ngã về phía trước, giành lại đất đai cha ông bằng độ dài của chính thân mình. Chúng tôi đã sống và chiến đấu bằng tất cả tình yêu quê hương và hơi ấm mang theo có được trong người.
Chiến tranh qua đi, chúng tôi, mấy tay lính chốt một thời, đứa về quê lấy vợ, cấy cày; đứa theo chân đi xứ người làm ăn kiếm sống. Còn tôi, làm người lính trọn đời. Trải qua bao biến cố thăng trầm, nếm trải bao buồn vui của cuộc đời binh nghiệp. Mỗi khi buồn, những ký ức của những mùa giá lạnh lại ùa về. Hơi ấm đồng đội những đêm ôm nhau ngủ trong hầm trên chốt, những giọt nước mắt nóng hổi khi tiễn đưa nhau cho tôi vịn vào mà đứng dậy.
Để tôi vẫn là tôi, vẫn chú bé năm xưa mò cua bắt ốc đồng làng, mùa giá lạnh cởi quần quấn cổ mò vũng, mò đầm, lội ngòi, lội lạch bắt con cá cóng đông. Để tôi còn là tôi người lính chốt năm nào nghe tiếng sương rơi giật mình nhớ bạn. Thời gian đã qua, đứa nào còn, mất. Trong cuộc mưu sinh bao năm qua, chỉ nhớ nhau cùng ký ức mỗi mùa giá lạnh mà chưa có lần gặp mặt.
Có phải không, hương cá rô ron năm nào mẹ rán, hơi ấm đồng đội những đêm trên chốt nhớ nhà lặng nghe tiếng sương rơi và cánh hoa đào thắm nơi đầu chốt tí tách bật nở báo sang xuân. Tất cả vẫn vẹn nguyên, là tài sản riêng, như hành trang cuộc đời đã dìu tôi qua bao mùa sương giá.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/di-qua-mua-suong-gia-577963/