'Đi qua mùa thu', tiếng thơ lay động ân tình
Tác giả Nguyễn Thái Hưng, cựu sinh viên K22 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, phối hợp với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc và công chúng yêu văn chương cả nước tập thơ 'Đi qua mùa thu'.

Tập thơ đã được giới nghiên cứu, phê bình văn học ghi nhận và có thể nói không ngoa rằng nó đã tốn khá nhiều giấy mực của các nhà văn, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình trong việc luận bàn, đánh giá bút pháp nghệ thuật, giá trị nhân văn… của một tác giả ở cái tuổi “tri thiên mệnh” mới cho ra mắt tập thơ đầu tay của mình.
Có nhà thơ từng nói: “Thơ là tiếng nói phát ra từ trái tim và trở về với trái tim”, điều này có lẽ đúng với tác giả Thái Hưng - một cựu sinh viên Ngữ văn, một luật sư được đào tạo bài bản, có thâm niên công tác trong ngành bảo vệ pháp luật ở địa phương và Trung ương. Vì thế, thơ ông vừa đậm chất nhân văn, vừa sâu xa triết luận, như nhà thơ Mai Nam Thắng đã nhận xét.
Thoạt đầu, khi đọc nhan đề tập thơ “Đi qua mùa thu”, nhiều người - trong đó có tôi - cứ ngỡ ông miêu tả những áng thơ tình… Hóa ra không phải. “Đi qua mùa thu” ở đây là cách nói ẩn dụ, một biện pháp tu từ để nhấn mạnh rằng ông đã đi qua quá nửa cuộc đời, ở cái tuổi “mùa thu vàng ngọc” từng trải và chiêm nghiệm. Do vậy, mỗi bài thơ trong tập là những điểm xuyết của nỗi buồn vui trước nhân tình thế thái, bài nào cũng chứa đựng triết lý sống và chất nhân văn sâu sắc.
Tập thơ “Đi qua mùa thu” gồm 79 bài, phần lớn viết về gia đình, người thân, bè bạn, và mở rộng ra là quê hương, đất nước - với lòng biết ơn sâu sắc, bởi:
“Quê hương nếu ta không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.”
Chính vì thế, mỗi khi viết về người thân, thơ ông đều là những vần thơ chắt lọc, tinh tế, rưng rưng cảm động. Ông mô tả cuộc đời người cha kính yêu - một nông dân từng học nho, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh - và trước lúc lâm chung, người cha ấy căn dặn:
“Con hãy nói với người đào huyệt
Để đầu về hướng Tây
Vì bố không muốn thấy mặt trời như trái chín ngày ngày
Rụng xuống
Muốn ngắm mãi những vì sao buổi sáng
Lúa đồng xanh ngập chân mây
Lùm tre mái rạ bết gầy…” (Nói với người đào huyệt)
Những vần thơ viết về người mẹ cũng đầy cảm xúc, thể hiện sự yêu thương và biết ơn với những người phụ nữ Việt Nam tảo tần, hy sinh cho gia đình:
“Và khi trở về gặp mẹ của ta
Chắt chiu tảo tần trong tấm áo nâu
Vá lại nhiều lần nên bạc màu đất ải
Mâm cơm độn khoai tây rau cải…”
Trong bài Về thăm chị, hình tượng người phụ nữ Việt Nam lại bừng sáng với những phẩm chất cao đẹp: vừa tảo tần nuôi con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng để chồng yên tâm ra trận. Khi người chồng hy sinh, người vợ liệt sĩ ấy sống như nàng Vọng Phu - âm thầm, buồn tủi nhưng gắng gượng nuôi con trưởng thành:
“Mười năm ru cỏ bờ đê
Trăm năm ru ánh trăng khuya một mình
Tươi mùa bao lứa tầm xuân
Chị giờ như đã chưng thầm quả… tu
Một mình hát, một mình mơ
Một mình gieo cả mùa thu xuống đồng…”
Cùng với cảm xúc dạt dào khi viết về người thân và hình ảnh quê hương đồng chua nước mặn thời đất nước còn nhiều gian khó, thơ Thái Hưng còn khắc họa thành công hình ảnh đất nước, quê hương qua chân dung các vị anh hùng dân tộc - với niềm tự hào và suy tư về lịch sử.
Trong bài Trước đền thờ Hưng Đạo, nhìn bức tranh trên tường mô tả trận Bạch Đằng, ông liên tưởng bằng những vần thơ hào sảng:
“…Vệt nước loang hình thanh kiếm
Ngoài bến rừng
Sóng ầm ầm như trống trận khua vang…”
Tác giả còn gửi gắm những suy ngẫm khi nghĩ về tiền nhân, về bài học lịch sử - trung quân ái quốc. Trong bài Viếng đền Côn Sơn, ông nghiêng mình kính cẩn trước đền thờ Nguyễn Trãi, bậc danh nhân văn hóa thế giới, và tự bạch:
“Tiếng chuông kêu chẳng dứt được mộng đời
Vẫn canh cánh một nỗi niềm dân nước
Giang tay chèo giữ cho thuyền khỏi lật
Để nhận về oan khuất Lệ Chi Viên…”
Trong tập thơ, Nguyễn Thái Hưng còn dành nhiều bài viết suy tư về tương lai đất nước thời kỳ đổi mới - với niềm tin sâu sắc. Ông viết về biển đảo, thành cổ Quảng Trị, những hy sinh mất mát trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc… Với ông, khi viết về cái riêng và cái chung, đó chính là ý thức công dân, là trách nhiệm của nhà văn.
Trong bài Qua Quảng Trị, ông viết:
“Nếu không có ngày 30 tháng Tư
Cờ vẫn đỏ chờ mong giới tuyến
Chị dắt con ngóng chồng biền biệt…
Sông vẫn cồn Thạch Hãn niềm thương…
Nếu không có ngày 30 tháng Tư
Tôi là ai giữa thế gian này!?”
Ở bài Thơ, ông bày tỏ quan niệm của mình về sứ mệnh của thi ca. Ông cho rằng văn thơ mang dấu ấn cá nhân, nhưng để sống mãi trong lòng người thì phải phản ánh tinh thần dân tộc, phục vụ lợi ích nhân dân:
“Thơ như người đói trên đường
Tìm ta trú ngụ
Bội thu nguồn vui vẫn không đủ
Theo riết đời về bên mộ
Nghèo xót xa trắng ngọn cỏ
Trùm lên mặt đất mùa Thu
Con ơi
Thơ không tắt thở
Thơ không cần vuốt mắt như bố
Thơ hóa thạch ở lòng người.”
Ông định nghĩa thơ đầy thiêng liêng và mang tính triết luận sâu sắc:
“Sinh diệt không đứng nguyên
Sinh diệt hợp tan sáng tối
Khát vọng nhân tâm không mỏi
Siêu thoát thành thơ xuống đời...”
Với lợi thế là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, sinh trưởng ở nông thôn, tác giả Thái Hưng sử dụng ngôn ngữ thơ mộc mạc, dễ hiểu, khiến người đọc cảm nhận được chất thơ tươi như “bùn đất quê nhà”. Cả tập thơ tuyệt nhiên không có bài nào dùng ngôn từ “hoa hòe hoa sói”, nhưng lại không thiếu những câu thơ đẹp, giàu hình ảnh, phản ánh cảm xúc thăng hoa:
“Một mình gieo cả mùa thu xuống đồng
Em cười cho núi hóa thành trẻ thơ
Hoa không nở hương dồn xuống rễ
Sông như lưỡi dao đặt trước nhà mình…”
Hoặc:
“Nụ cười ánh mắt đưa duyên
Còn long lanh lắm, liếc nghiêng cả chiều…”
Tuy là tập thơ đầu tay của một người ở vào cái tuổi “mùa thu vàng ngọc”, nhưng Nguyễn Thái Hưng đã đem đến cho bạn đọc và công chúng yêu thơ một thi phẩm chất lượng – thật xứng đáng là tiếng thơ lay động ân tình.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/di-qua-mua-thu-tieng-tho-lay-dong-an-tinh-a28380.html