Đi rừng sợ nhất 'bà hỏa'

Đó là chia sẻ của người dân xã Đông Giang, La Dạ, Hàm Thạnh, tỉnh Lâm Đồng khi đi rừng, thể hiện ý thức phòng chống cháy rừng.

Người dân Hàm Thạnh đi rừng.

Người dân Hàm Thạnh đi rừng.

Đông Giang, La Dạ, Hàm Thạnh là 3 xã thuần và xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Lâm Đồng. Trước đây chưa sáp nhập tỉnh các xã này thuộc vùng cao của Bình Thuận, nơi có tổng diện tích rừng khoảng 336.256 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 288.674,43 ha, diện tích rừng trồng 47.582,37 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,04%. Đây cũng là những xã có người đồng bào DTTS sống bám rừng săn bắt, hái lượm nhiều nhất. Trong đó, chủ yếu đi bắt ong, lấy măng, rau, củ, quả… sản vật rừng nói chung không thuộc danh mục cấm. Việc đi rừng để kiếm được sản vật hiện nay không hề đơn giản, phải đi xa có khi từ sáng sớm đến tối mới về nhà, vì rừng cũng như biển cả đang ngày càng cạn kiệt tài nguyên do con người chặt phá, đánh, bắt quá mức.

Bà Huỳnh Thị Vân (64 tuổi, dân tộc Rai ở xã Hàm Thạnh) cho biết: “Trước kia rừng còn nhiều sản vật chỉ cần sáng đi trưa về, nay phải đi xa hơn. Khi đi mang theo đồ ăn thức uống, có người còn mang theo cả hộp quẹt để sử dụng lúc cần thiết, như để hun khói đuổi ong lấy tổ hoặc đốt lửa trong rừng cho ấm cúng nếu không về nhà kịp…”. Chính vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là mùa khô, vì rừng có nhiều le, tre, lồ ô rậm rạp cành nhánh, lá khô phủ đầy trên mặt đất. Tàn lửa rơi xuống nếu không dập tắt sẽ nghi ngút bốc cháy.

Người dân gùi măng sau một ngày đi rừng để cải thiện cuộc sống gia đình.

Người dân gùi măng sau một ngày đi rừng để cải thiện cuộc sống gia đình.

Nhưng những năm qua rừng ở các xã này rất ít xảy ra các vụ cháy rừng. Người dân ở đây ý thức phòng, chống cháy rừng rất cao, nhiều người đi rừng sợ lửa gây cháy rừng nên cứ thấy ai đốt lửa là nhắc nhở. Người đốt lửa cũng cẩn thận, lấy nước bình mang theo uống dập lửa hoặc đào lỗ cào lửa xuống lỗ, lấp đất lên khi không cần đến, trong trường hợp không gần sông, suối. Điều này được chính những người dân ở các địa phương nơi đây chia sẻ. Bà Lô Thị Thép, thôn 2, xã La Dạ nói: “Đi rừng sợ nhất “bà hỏa”, mình đốt lửa làm cái gì đó, khi xong rồi thì lấy nước dập, nếu không sẽ cháy rừng phải đi tù”.

Ông B’Đam Đức – Trưởng thôn 2, xã La Dạ cũng nhận thấy người dân của mình vậy. “Khi nông sản như điều, bắp, mì, mè mất mùa, mất giá thu nhập bấp bênh, bà con đi rừng kiếm mật ong, hái rau rừng nhiều. Nếu có đốt lửa lấy mật ong hoặc làm cái gì thì dập tắt ngay không để lại một tàn lửa nào dù rất nhỏ. Mình nằm trong tổ bảo vệ rừng của xã, cũng thường nhắc nhở họ cẩn thận với lửa mỗi khi đi rừng cùng”, ông Đức nói.

Ý thức bảo vệ rừng của người đồng bào DTTS có được như vậy, nhờ một phần vào truyền thống xem rừng như nhà, cùng với đó là tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, những năm qua các cấp, ngành có liên quan đã yêu cầu các địa phương có rừng thực hiện nghiêm việc quản lý, bảo vệ phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sống gần rừng về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngoài ra chỉ đạo lực lượng liên ngành các cấp thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ… Chi cục Kiểm lâm, đơn vị trực tiếp bảo vệ rừng luôn trong tình trạng cảnh giác cao với cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo, thông báo cấp độ cháy rừng, tuần tra bảo vệ rừng. Chốt trực 24/24h ở các vùng rừng trọng điểm nhằm kiểm soát tốt tình hình cháy rừng, không để cháy rừng lây lan diện rộng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Chính những điều ấy cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nên người dân đi rừng rất sợ... “bà hỏa”.

Ninh Chinh

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/di-rung-so-nhat-ba-hoa-381346.html