Di sản để lại

Theo truyền thông Mỹ, việc lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát ngày càng nhiều lãnh thổ tại Afghanistan chính là 'hồi chuông báo động' đối với cả chính quyền Kabul lẫn Washington.

“Những con sư tử”

CNN dẫn lời giới chức Afghanistan cho biết, trong những tuần gần đây, Taliban đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tại một số tỉnh ở miền Bắc quốc gia Tây Nam Á. Taliban tuyên bố kể từ giữa tháng 5-2021, 90 quận, huyện trên khắp Afghanistan đã rơi vào tay của lực lượng này. Trong khi đó, theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Afghanistan Deborah Lyons, Taliban đã chiếm được 50 trong số 370 quận, huyện của Afghanistan. Bà Deborah Lyons lo sợ rằng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. “Hầu hết quận, huyện bị Taliban chiếm đóng bao quanh thủ phủ của các tỉnh. Điều đó cho thấy, Taliban đang bố trí lực lượng hòng tìm cách chiếm đóng những thủ phủ này một khi các lực lượng nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Afghanistan”, bà Deborah Lyons nhận định.

CNN cho rằng, chỉ cần nhìn vào bản đồ là có thể dễ dàng hiểu được tại sao đặc phái viên Liên hợp quốc về Afghanistan lại đưa ra nhận định như vậy. Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh và là thành phố lớn nhất ở miền Bắc Afghanistan, chính là một ví dụ điển hình. Taliban hiện đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực khác nhau xung quanh Mazar-i-Sharif về hướng Tây, Tây Nam, Bắc và Tây Bắc. “Các tay súng Taliban đang bao vây thành phố Mazar-i-Sharif như những con sư tử. Lần cuối cùng Taliban kiểm soát thành phố này là cách đây 20 năm, khi lực lượng này bỏ mặc hàng trăm người bị giam giữ trong các container chết ngạt dưới cái nóng sa mạc như thiêu như đốt”, CNN nhấn mạnh.

Cựu Tổng thống Hamid Karzai cho rằng Mỹ đã không đạt mục tiêu đề ra khi đưa quân sang Afghanistan. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Hamid Karzai cho rằng Mỹ đã không đạt mục tiêu đề ra khi đưa quân sang Afghanistan. Ảnh: AP

Theo CNN, chiến dịch tấn công của Taliban nhằm vào miền Bắc Afghanistan nằm ngoài tính toán của chính quyền Kabul. Ông Habiba Sarabi, một thành viên của Chính phủ Afghanistan tham gia các cuộc hòa đàm với Taliban tại Qatar cho biết, việc Taliban xâm nhập các thủ phủ “diễn ra vào một thời điểm bất ngờ đối với đất nước chúng tôi” và “môi trường an ninh đang bị suy thoái nhanh chóng”. “Chiến dịch tấn công của Taliban đã phơi bày rằng các cuộc hòa đàm với Chính phủ Afghanistan chỉ là một trò bịp”, CNN nhận xét.

Lý giải nguyên nhân Taliban đẩy mạnh tấn công vào miền Bắc Afghanistan, CNN cho biết, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, lực lượng này đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của người dân tại đây. Vào thời điểm đó, miền Bắc Afghanistan được xem là “khu vực khó trấn áp nhất” đối với Taliban. Vì vậy, Taliban kỳ vọng rằng nếu giành được chiến thắng tại khu vực này, họ sẽ dễ dàng đạt thành công tại các “địa bàn truyền thống xuôi xuống phía Nam”. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã cảnh báo Taliban rằng một chiến thắng quân sự sẽ không được công nhận. Lập luận của Mỹ rất đơn giản: Taliban sẽ không đi ngược lại thỏa thuận với Washington vì lực lượng này muốn được quốc tế công nhận. Theo thỏa thuận ký với Taliban vào tháng 2-2020, Washington sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan để đổi lại cam kết của Taliban chống các nhóm khủng bố và ngăn chặn quốc gia Tây Nam Á một lần nữa trở thành “bàn đạp” cho các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ. “Những gì đang diễn ra dường như đã bác bỏ lập luận ấy”, CNN nêu rõ.

Thành hay bại?

Cùng chung quan điểm, AP cho biết, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy Taliban đang tuân thủ thỏa thuận đã ký với Mỹ. Taliban cũng không hề bận tâm tới các cuộc hòa đàm, mà thay vào đó lại đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Chính phủ Afghanistan. “Taliban đã đạt được nhiều bước tiến kể từ khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút quân vào ngày 1-5 vừa qua. Taliban đã chiếm được nhiều quận, huyện tại Afghanistan... Hầu như không có ai nhìn thấy một tương lai không có bạo lực tại Afghanistan”, AP nhấn mạnh.

Lại nói tới việc Mỹ tiến hành rút toàn bộ khoảng 2.500 đến 3.500 binh lính còn lại khỏi Afghanistan với lý do đã đạt được mục tiêu đề ra khi đưa quân sang quốc gia Tây Nam Á, trong cuộc trả lời phỏng vấn với AP, cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã “dội gáo nước lạnh” vào tuyên bố của Washington. Theo ông Hamid Karzai, Mỹ đưa quân sang Afghanistan nhằm chống chủ nghĩa cực đoan và đem lại sự ổn định cho đất nước bị tàn phá bởi xung đột.

Thế nhưng 20 năm sau, Mỹ lại rời đi sau khi không thể đạt được cả hai mục tiêu ấy. Ông Hamid Karzai cho rằng, chủ nghĩa cực đoan tại Afghanistan đang “ở mức cao nhất” và di sản mà Mỹ để lại là một quốc gia bị chiến tranh tàn phá chìm trong “ê chề và thảm họa”. Mặc dù vậy, cựu Tổng thống Afghanistan lại cho rằng, “sẽ tốt hơn nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ” và đã đến lúc người dân Afghanistan cần “chịu trách nhiệm cho tương lai của mình”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/di-san-de-lai-663651