Di sản đồ sộ gây tranh cãi của cố Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger
Henry Kissinger, nhà ngoại giao Mỹ lừng danh, có nhiều động thái liên quan Chiến tranh Việt Nam, quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc và Trung Đông, qua đời ngày 29/11 (giờ Mỹ) ở tuổi 100, để lại một di sản đồ sộ, phức tạp.
Di sản phức tạp
Là ngoại trưởng quyền lực nhất thời hậu chiến, Henry Kissinger vừa được tôn vinh vừa bị chỉ trích. Di sản phức tạp của ông vẫn còn tiếng vang trong quan hệ với Trung Quốc, Nga và Trung Đông.
Theo báo chí Mỹ, là trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Richard Nixon, ông Kissinger đã giúp vạch ra chiến lược quốc tế tổng thể của Mỹ nhằm thoát khỏi một cuộc chiến tranh không được lòng dân và vạch ra các mối quan hệ với hai cường quốc đối thủ. Cụ thể, ông đã đàm phán để Mỹ thoát khỏi Chiến tranh Việt Nam và đoạt giải Nobel Hòa bình.
Ông cũng là người chủ trương chính sách hòa dịu nhằm làm tan băng Chiến tranh Lạnh với Liên Xô và giúp phá bỏ bức tường ngoại giao khổng lồ bao quanh Trung Quốc trong 2 thập kỷ rưỡi.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nixon, ông Kissinger phải đối mặt bối cảnh vụ bê bối Watergate; vụ scandal cuối cùng đã buộc tổng thống phải ra đi. Trong suốt thời gian đó, ông Kissinger quyết liệt bảo vệ sân chơi chính trị của mình.
Trong hồi ký “Những năm biến động” xuất bản năm 1982, ông Kissinger viết: “Mối quan tâm chủ yếu của tôi trong vụ Watergate không phải là các cuộc điều tra đã trở thành tâm điểm báo chí thời đó, mà là duy trì uy tín của Mỹ với tư cách là một cường quốc”.
Ông Kissinger đã đàm phán để Mỹ thoát khỏi Chiến tranh Việt Nam. Gần hai năm sau, chính sách “hòa bình trong danh dự” mà Tổng thống Nixon tự mô tả đã thất bại khi chế độ Sài Gòn sụp đổ dưới thời chính quyền của Tổng thống Gerald Ford.
Ông Kissinger cũng xây dựng chính sách hòa dịu nhằm làm tan băng Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, và đóng vai trò nòng cốt trong việc phá bỏ “vạn lý trường thành” ngoại giao cô lập Trung Quốc Cộng sản trong 2 thập kỷ rưỡi. Thông qua chính sách ngoại giao con thoi của mình, ông đã ảnh hưởng tới các thỏa thuận giữa Israel, Ai Cập và Syria sau khi các nước Ảrập bất ngờ phát động Chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Và trong ván cờ ngoại giao của mình với Liên Xô, ông ủng hộ các chế độ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm cả ở Chile và Pakistan.
Ba tháng sau vụ bê bối nghe lén Watergate vào ngày 17/6/1972, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nixon được xác nhận là ngoại trưởng, trở thành thành viên nội các đầu tiên sinh ra ở nước ngoài. Ông tiếp tục giữ chức cố vấn an ninh quốc gia cho đến ba tháng sau khi Tổng thống Nixon từ chức vào tháng 8/1974, và giữ chức ngoại trưởng đến khi Tổng thống Ford rời nhiệm sở vào năm 1977.
Trong cuốn sách “Cái giá của quyền lực” năm 1983, nhà báo Seymour Hersh đã chỉ trích ông Kissinger là kẻ lừa dối hai mặt. Cuốn tiểu sử “Kissinger” năm 1992 của nhà báo Walter Isaacson miêu tả cựu ngoại trưởng là một người thực dụng phức tạp, người nắm vững nghệ thuật sắc thái.
Trong cuốn sách “Vụ xét xử Henry Kissinger” năm 2001, nhà phê bình xã hội Christopher Hitchens gọi ông là tội phạm chiến tranh. Trong cuốn sách “Cái bóng của Kissinger” xuất bản năm 2015, nhà sử học cánh tả Greg Grandin cho rằng, những cuộc chiến không hồi kết cho thấy Mỹ vẫn đang phải trả giá cho các chính sách của ông Kissinger.
Nhưng cùng năm đó, một cuốn tiểu sử đồ sộ của nhà sử học bảo thủ Niall Ferguson đã miêu tả ông Kissinger là người theo chủ nghĩa lý tưởng, đi theo tầm nhìn của Kant hơn là chính sách thực dụng của Clausewitz hay Bismarck.
Đối với Barry Gewen, biên tập viên của tờ New York Times, chủ nghĩa lý tưởng của ông Kissinger dựa trên chủ nghĩa tiêu cực và bi quan. “Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách theo quan điểm của ông là khiêm tốn, về cơ bản là tiêu cực - cụ thể là không lèo lái thế giới đi theo một con đường đã định trước nào đó để đạt tới công lý phổ quát mà là đấu tranh giữa quyền lực với quyền lực để kiềm chế các hành vi xâm lược của con người và cố gắng, như tốt nhất có thể, để ngăn chặn thảm họa”, Gewen viết trong cuốn sách năm 2020 “Sự không thể tránh khỏi của bi kịch: Henry Kissinger và thế giới của ông”.
Gần đây hơn, ông Kissinger là một trong những thành viên hội đồng quản trị cấp cao của Theranos Inc. của Elizabeth Holmes trước khi công ty này giải thể vào năm 2018 do bị cáo buộc gian lận. Một thành viên hội đồng quản trị khác là George Shultz, đồng nghiệp trong chính quyền Nixon của ông Kissinger, có cháu trai làm việc tại Theranos và hóa ra lại là người tố cáo chính chống lại Homes.
Và ông Kissinger đã theo kịp địa chính trị thậm chí vào cuối đời. Ông đã bị chỉ trích vì đề xuất vào tháng 5/2022 rằng Ukraine nên nhượng một số đất cho Nga để đạt được thỏa thuận hòa bình. Những bình luận đó được đưa ra khoảng ba tháng sau khi lực lượng Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sau đó, phát biểu trên nền tảng trực tuyến vào tháng 1/2023 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Kissinger cho rằng, Nga phải có cơ hội một ngày nào đó tái gia nhập hệ thống quốc tế sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine và cuộc đối thoại với nước này phải được tiếp tục.
Ông Kissinger nói: “Điều này có vẻ rất trống rỗng đối với các quốc gia chịu áp lực của Nga trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng điều quan trọng là phải tránh leo thang xung đột giữa Nga và phương Tây vì nước này cảm thấy cuộc chiến đã trở thành “chống lại chính Nga”.
Thoát chết và tới Mỹ
Heinz Alfred Kissinger sinh ngày 27/5/1923 tại Fuerth (Đức), một vùng ngoại ô công nghiệp của thành phố Nuremberg thuộc vùng Bavaria, trong một gia đình Do Thái chính thống. Cha ông, Louis, là một giáo viên và mẹ ông, Paula, là một người nội trợ. Ông có em trai là Walter, sinh sau ông một năm và qua đời vào tháng 5/2021 ở tuổi 96.
Năm năm sau khi Hitler lên nắm quyền, gia đình ông trốn khỏi Đức Quốc xã vào năm 1938, đầu tiên là tới London, sau đó tới New York. Chỉ 2 tháng rưỡi trước sự kiện Kristallnacht, khi đám đông bài Do Thái gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nước Đức bằng cách đốt phá và hoành hành khắp các giáo đường Do Thái cũng như nhà cửa và cơ sở kinh doanh của người Do Thái vào ngày 9-10/11/1938, Kissinger mới 15 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường trung học George Washington ở New York, nơi ông tham gia các lớp học ban đêm trong khi làm việc tại một nhà máy sản xuất bàn chải cạo râu vào ban ngày, Kissinger đăng ký vào Trường Cao đẳng thành phố New York, dự định trở thành một kế toán viên.
Ba năm sau, vào năm 1943, ông gia nhập quân đội và nhanh chóng trở thành công dân Mỹ nhập tịch. Cuối cùng, ông trở lại Đức để chiến đấu với chế độ của Hitler, chế độ đã sát hại bà của Kissinger và 12 thành viên khác trong gia đình ông.
Đầu tiên, ông Kissinger phục vụ trong bộ binh. Vào tháng 4/1945, ông và đồng đội trong Sư đoàn bộ binh 84 phát hiện ra một trại tập trung nhỏ ở Ahlem gần Hanover, giải phóng 35 tù nhân tiều tụy còn lại trong một sự kiện mà ông nhớ lại sáu thập kỷ sau là “trải nghiệm kinh hoàng nhất mà tôi từng trải qua”.
Với sự giúp đỡ từ một người Đức nhập cư khác trong quân đội Mỹ, Fritz Kraemer, binh nhì Kissinger được giao nhiệm vụ tình báo quân sự, chịu trách nhiệm giải trừ thành phố Krefeld ở miền Tây nước Đức. Sau đó, với tư cách là một trung sĩ, ông đã dẫn dắt các nỗ lực truy tìm phòng giam của các sĩ quan Gestapo ở vùng Hanover, giành được huân chương Ngôi sao Đồng và dẫn dắt các nỗ lực trừ khử Đức quốc xã ở miền nam Hesse.
Răn đe hạt nhân
Sau chiến tranh, ông Kissinger chuyển sang nghiên cứu lịch sử và lĩnh vực nghiên cứu chiến lược còn non trẻ. Ông được Đại học Harvard chấp nhận vào năm 1947 với nguồn tài trợ từ Dự luật GI. Ở đó, ông tìm được một người cố vấn khác, nhà sử học William Yandell Elliott. Bài luận của ông Kissinger “Ý nghĩa của lịch sử: Những suy ngẫm về Spengler, Toynbee và Kant” dài 388 trang (trong khi giới hạn của các bài nghiên cứu về chính phủ là 150 trang) được gọi một cách không chính thức là “Quy tắc Kissinger”. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu, ông theo đuổi bằng tiến sĩ tại Harvard, viết luận án về hậu quả của Cách mạng Pháp “Một thế giới được khôi phục: Metternich, Castlereagh và các vấn đề hòa bình, 1812-1822”.
Năm 1951, ông Kissinger bắt đầu tổ chức Hội thảo quốc tế mùa hè của Harvard và năm sau đó, ông bắt đầu xuất bản tạp chí Confluence hằng quý.
Kissinger trở thành giảng viên vào năm 1954 và được chú ý rộng rãi nhờ cuốn sách “Vũ khí hạt nhân và Chính sách đối ngoại” năm 1957, trong đó ông đề xuất rằng một chính sách dựa trên tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế sẽ có tác dụng răn đe lớn hơn trong một thế giới lưỡng cực hơn là chiến lược trả đũa ồ ạt của chính quyền Eisenhower.
“Chính sách quân sự hiện tại của chúng ta dựa trên học thuyết trả đũa ồ ạt, rằng chúng ta đe dọa tấn công tổng lực vào Liên Xô trong trường hợp Liên Xô tiến hành xâm lược ở bất cứ đâu. Điều này có nghĩa là, chống lại hầu hết mọi hình thức tấn công, chúng ta căn cứ vào chính sách về mối đe dọa sẽ liên quan đến sự hủy diệt của toàn nhân loại; và điều này quá rủi ro và tôi nghĩ quá tốn kém”, Kissinger nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1958 bằng giọng trầm trầm khô khan kiểu Đức của mình.
“Chiến lược của Mỹ phải đối mặt với thực tế là có thể phải đối mặt với chiến tranh, và nếu sự xâm lược của Liên Xô khiến chúng ta phải đối mặt với chiến tranh, chúng ta không sẵn lòng kháng cự, điều đó có nghĩa là sự kết thúc tự do của chúng ta… Tôi nghĩ chiến tranh phải được biến thành một công cụ chính sách có thể sử dụng được”, ông nói.
Trong Chiến tranh Lạnh, Kissinger coi chủ nghĩa tư bản Mỹ là vũ khí chống lại chủ nghĩa cộng sản. Ông nói: “Một xã hội tư bản, hay điều thú vị hơn đối với tôi, một xã hội tự do, là một hiện tượng mang tính cách mạng hơn chủ nghĩa xã hội thế kỷ 19”. “Tôi nghĩ chúng ta nên tiến hành cuộc tấn công tinh thần. Chúng ta nên đồng nhất mình với cuộc cách mạng. Chúng ta nên nói rằng tự do, nếu được giải phóng, có thể đạt được nhiều điều như vậy”.
“Hòa bình trong tầm tay”
Kissinger từng giữ vai trò cố vấn trong chính quyền Kennedy và Johnson và trở thành cố vấn hàng đầu cho tỷ phú ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa Nelson Rockefeller trước chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968.
Ngay trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa năm đó, Kissinger nói: “Richard Nixon là người nguy hiểm nhất trong số những người tranh cử tổng thống”. Nhưng sau khi Nixon giành được đề cử trước Rockefeller và Thống đốc bang Michigan George Romney và đánh bại đảng viên Đảng Dân chủ Hubert Humphrey trong cuộc bầu cử, ông đã bổ nhiệm Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia vào năm 1969.
Trong nỗ lực thoát khỏi Việt Nam trong năm đầu tiên của chính quyền Nixon, Mỹ đã tiến hành một chiến dịch ném bom bí mật chống lại Campuchia để dọn sạch các khu vực đóng quân. Năm 1970, Mỹ tiến hành một cuộc “xâm nhập” vào Campuchia, gây ra các cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Mỹ.
Chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/1972, trong đó Nixon bị Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ George McGovern thách thức, Kissinger tuyên bố rằng “chúng tôi tin rằng hòa bình đã ở trong tầm tay”. Ông nói thêm: “Điều không thể tránh khỏi là trong một cuộc chiến phức tạp như vậy, đôi khi sẽ có những khó khăn trong việc đạt được giải pháp cuối cùng”. “Nhưng chúng tôi tin rằng cho đến nay, đoạn đường dài nhất đã được đi qua và những gì cản trở việc đạt được thỏa thuận hiện nay là những vấn đề tương đối ít quan trọng hơn những vấn đề đã được giải quyết”.
Tuy nhiên, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phản đối dự thảo hiệp định. Để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình do Kissinger dẫn đầu, Tổng thống Nixon đã điều máy bay B-52 ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam những ngày trước Giáng sinh năm 1972 và ra lệnh rải mìn trên các tuyến đường thủy của miền Bắc Việt Nam, cuối cùng bao gồm cả cảng Hải Phòng vào năm 1973.
Đầu năm 1973, Kissinger và nhà ngoại giao Lê Đức Thọ ký Hiệp định Hòa bình Paris, cho phép Mỹ chấm dứt sự tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn cho đến khi ông Thiệu từ chức, chín ngày trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/ 1975.
Đến Trung Quốc
Một trong những thắng lợi lớn nhất của chính sách Nixon-Kissinger là sự mở cửa mang tính đột phá đối với Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông. Washington từ lâu đã ủng hộ chính quyền của Quốc dân đảng, vốn trốn khỏi đại lục sang đảo Đài Loan vào năm 1949. Bất chấp cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa những năm 1960, Nixon và Kissinger coi Chủ tịch Mao là người sẵn sàng đàm phán sau khi Trung Quốc gây chiến tranh biên giới với Liên Xô vào năm 1969.
Quốc gia quan trọng hỗ trợ việc xích lại gần nhau giữa Washington và Bắc Kinh là Pakistan, nước đã chiến đấu với Ấn Độ được Mátxcơva hậu thuẫn vào năm 1971 trong một cuộc chiến mà Đông Pakistan ly khai và trở thành Bangladesh.
Tướng quân đội Pakistan, Agha Muhammad Yahya Khan, bị buộc tội giết ít nhất 200.000 người bắt đầu từ tháng 3/1971. Bất chấp tình trạng tàn sát, Kissinger và Nixon nghiêng về phía Pakistan. Tháng 7/1971, Kissinger thực hiện chuyến đi bí mật đầu tiên tới Bắc Kinh, bay thẳng từ Pakistan.
Trong Thông cáo Thượng Hải mà Kissinger đã đàm phán và kết thúc chuyến thăm của Nixon, hai bên đã nhất trí về chính sách “Một Trung Quốc” rằng Đài Loan và đại lục là một phần của Trung Quốc chứ không phải các quốc gia riêng biệt và mở cửa thương mại cũng như các mối quan hệ khác. Mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Mỹ và Trung Quốc được hình thành bảy năm sau đó.
Vào tháng 2/1972, Nixon thực hiện chuyến đi hoành tráng tới Trung Quốc, gặp Chủ tịch Mao đang ốm yếu và được Thủ tướng Chu Ân Lai chiêu đãi và dùng bữa tối tại Đại lễ đường Nhân dân, mở ra sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trở lại Liên Xô
Sự tan băng với Bắc Kinh đã mang lại cho Kissinger đòn bẩy chống lại đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô. Ba tháng sau Thông cáo Thượng Hải, Washington và Mátxcơva đã ký Thỏa thuận đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược, đỉnh cao của 2 năm rưỡi đàm phán và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo tại hội nghị thượng đỉnh ở Mátxcơva giữa Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev vào tháng 5/1972.
Kissinger hy vọng rằng nhờ mối quan hệ được cải thiện với Mátxcơva và Bắc Kinh, hai cường quốc cộng sản này có thể giúp rút Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Kissinger kiên trì tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Mátxcơva đến mức ông mạnh mẽ khuyên Tổng thống Nixon bỏ qua việc đàn áp những người Do Thái tìm cách di cư khỏi Liên Xô. Vào thời điểm đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Henry Jackson và Hạ nghị sĩ Mỹ Charles Vanik nỗ lực ngăn chặn việc nới lỏng thương mại với Liên Xô trừ khi họ cho phép người Do Thái rời đi.
Trong cuộc trò chuyện được ghi âm năm 1973 với tổng thống, được công bố năm 2010, Kissinger nói với Nixon: “Việc di cư của người Do Thái khỏi Liên Xô không phải là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Ngoại giao con thoi
Bất chấp sự hòa hoãn của Washington với Mátxcơva, ông Brezhnev đe dọa đơn phương gửi quân đội Liên Xô tới giải cứu Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập đang bị vây hãm trong thời gian vi phạm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến năm 1973 với Israel.
Kissinger, Chánh văn phòng Nhà Trắng Alexander Haig và các trợ lý khác đã lên kế hoạch phản ứng với Mátxcơva: nâng mức cảnh báo của quân đội Mỹ lên DefCon III - trạng thái sẵn sàng cao nhất trong thời bình. Họ cũng gửi công hàm hòa giải và Mátxcơva đã lùi bước.
Nhưng Mỹ cũng tiếp tế cho quân đội Israel, dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ của Ảrập do Ảrập Xêút dẫn đầu đối với phương Tây và Nhật Bản.
Bốn ngày sau, Ai Cập và Israel đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời, và trong một tuần nữa, Kissinger bắt tay vào chính sách ngoại giao con thoi của mình. Ngay cả trước cơn lốc ngoại giao đó, ông đã đến thăm ít nhất 26 quốc gia trong 3 tháng rưỡi đầu tiên làm ngoại trưởng, từ tháng 10 đến tháng 12/1973.
Trong chuyến đi tới Cairo, Kissinger đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vào ngày 7/11/1973 để khôi phục quan hệ ngoại giao vốn đã bị cắt đứt trong thất bại ê chề của thế giới Ảrập trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Bốn ngày sau khi khôi phục quan hệ Mỹ-Ai Cập, các nhà lãnh đạo quân sự Ai Cập và Israel ký hiệp định ngừng bắn tại Kilomet 101 trên đường cao tốc Cairo-Suez ở bán đảo Sinai. Thỏa thuận đó đã đặt nền móng cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Sadat tới Israel và cuối cùng là hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979. Các thỏa thuận rút quân tiếp theo đạt được vào tháng 1/1974 giữa Ai Cập và Israel và vào tháng 5/1974 giữa Syria và Israel.
Đảo chính ở Chilê
Ở châu Mỹ, Nixon và Kissinger phải đối mặt với cuộc bầu cử năm 1970 của người theo chủ nghĩa Mác Salvador Allende Gossens làm tổng thống Chile. Cuộc bầu cử đã đặt ra câu hỏi về liên minh giữa Chile và Cuba dưới sự lãnh đạo của ông Fidel Castro, kẻ thù của Washington.
Trong lời khai trước quốc hội, Kissinger phủ nhận mục đích là lật đổ Tổng thống Allende Gossens, nói rằng chính quyền lo ngại về cuộc bầu cử tự do vào năm 1976 ở Chile. Nhưng các tài liệu của Nhà Trắng được giải mật cho thấy Kissinger đã gây sức ép để gây bất ổn cho chính phủ của ông Allende Gossens.
Trong một bản ghi nhớ bí mật vào ngày 5/11/1970, Kissinger cảnh báo rằng khoản đầu tư 1 tỷ USD của Mỹ vào Chile có thể bị mất. Kissinger viết: “Việc bầu Allende làm Tổng thống Chile đặt ra cho chúng ta một trong những thách thức nghiêm trọng nhất từng phải đối mặt ở bán cầu này”.
Ông viết thêm trong bản ghi nhớ: “Những gì xảy ra ở Chile trong vòng 6 đến 12 tháng tới sẽ có những hậu quả vượt xa mối quan hệ Mỹ-Chile. Chúng sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra ở phần còn lại của châu Mỹ Latinh và thế giới đang phát triển; đến vị thế tương lai của chúng ta ở bán cầu; và đến bức tranh thế giới rộng lớn hơn, bao gồm cả mối quan hệ của chúng ta với Liên Xô. Chúng thậm chí sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, quan niệm riêng về vai trò của chúng ta trên thế giới”.
Bản ghi nhớ viết tiếp: “Việc chúng ta không phản ứng trước tình huống này có nguy cơ bị châu Mỹ Latinh và châu Âu coi là thờ ơ hoặc bất lực trước những diễn biến bất lợi rõ ràng ở một khu vực từ lâu được coi là phạm vi ảnh hưởng của chúng ta”.
Những đối tượng âm mưu, do tướng Augusto Pinochet Ugarte cầm đầu, tuyên bố rằng Allende Gossens đã tự sát. Pinochet nắm quyền cho đến năm 1990.
Sau khi Chile quốc hữu hóa hoàn toàn ngành đồng vào năm 1971, Mỹ đã cắt tín dụng. Hai năm sau, vào ngày 11/9/1973, quân đội lật đổ Allende Gossens vài ngày sau khi CIA nhận được tin báo trước về kế hoạch đảo chính.