Di sản kiến trúc đang bị xâm hại và không được khai thác tốt

Không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia hay một thành phố, không gian di sản còn là một nguồn lực kinh tế quan trọng, được nhiều quốc gia khai thác thành công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia có chung một nhận định hiện di sản kiến đang bị lãng quên.

Trước sự xâm hại các di sản, đặc biệt là di sản kiến trúc. Sáng 10/06, Báo Thanh niên đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại”. Sự kiện này được khá nhiều chuyên gia, các nhà quản lý và một lực lượng lớn truyền thông quan tâm, tham dự.

Hiện trạng di sản đang bị coi thường

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Thông – Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết: “Hiện chúng ta đang sống trong thời kỳ mà các khái niệm “đô thị thông minh”, “thành phố hiện đại”… ngày càng hình thành rõ nét trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là xu hướng không thể thay đổi của thời đại. Mặt khác, trong tiến trình ấy đã có những biểu hiện nhiều di sản kiến trúc, di sản văn hóa, lịch sử bị xâm hại, bị cải tạo vô lối dẫn đến biến dạng, thậm chí biến mất để nhường chỗ cho các công trình mới”.

Thực tế nhiều di sản kiến trúc đã trở thành biểu tượng của các thành phố lớn tại nước ta và trên thế giới, thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia với đường nét kiến trúc đặc trưng.

Không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia hay một thành phố, không gian di sản còn là một nguồn lực kinh tế quan trọng, được nhiều quốc gia khai thác thành công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

“Và như vậy, một trong những mối quan tâm của các cấp, các ngành, các chuyên gia và cộng đồng xã hội là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những di sản bị xâm hại, đề ra thêm nhiều giải pháp bảo quản, trùng tu và khai thác hiệu quả nguồn lực kinh tế từ di sản thông qua du lịch”, ông Thông chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng: “Chúng ta hay nói về lịch sử 300 năm đất Sài Gòn - Gia Định, các kết quả khảo cổ cho thấy vùng đất này có lịch sử đến trên 3.000 năm. Nhưng đến nay, người Sài Gòn lại không biết gì về thương cảng Bến Nghé xưa.

Cảng Bến Nghé gắn liền với lịch sử vùng đất này, nó rất quan trọng và nổi tiếng cũng bị xóa sổ và đến nay không ai còn biết nó như thế nào, dấu tích ra sao nữa. Nếu chúng ta lưu giữ lại được một thời kỳ lịch sử đó thì dù sau này nó có trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, thì chúng ta chỉ cần có một không gian lịch sử nhỏ để lưu giữ, nhưng chúng ta không thực hiện được. Trong khi các nhà nghiên cứu lịch sử trước đó đã tìm được không ít di vật của cảng thị này. Nhưng nó vẫn bị san lấp để phát triển đô thị khi chưa được cấp phép nghiên cứu khảo cổ đầy đủ”.

Bên cạnh đó, ông Tòng nêu một thực tế nghiệt ngã: “Bây giờ chúng ta hỏi cảng Bến Nghé xưa là gì? Ở đâu? Hay như thế nào? Thì chẳng còn gì để biết được. Trong khi chỉ cần đầu tư nghiên cứu khoảng 1 tháng sẽ có rất nhiều trang sử trong lòng đất được lưu gửi lại và có thể phục hồi”.

Kiến trúc, không gian di sản đô thị bị phá vỡ

Theo nhận định của ông Trương Kim Quân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP Hồ Chí Minh: “Cùng với tốc độ phát triển kinh tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm như: Quận 1, quận 3, quận 5… Song song giữa phát triển và bảo tồn còn tồn tại không ít những mâu thuẫn đòi hỏi các nhà quản lý đô thị di sản cần có tầm nhìn và có những hoạch định mang tính khoa học, chiến lược để việc phát triển đô thị không trở nên mâu thuẩn, hài hòa giữa hiện đại và quá khứ”.

Những năm gần đây đã ghi nhận được rất nhiều những cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn hoặc di sản văn hóa không được bảo tồn một cách hợp lý, nhất là các công trình địa điểm gắn với kiến trúc đô thị, khảo cổ học.

“Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh rất nhanh, áp lực về kinh tế và sự thay đổi về mật độ dân cư. Những thực tế nêu trên dẫn đến các công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ nhường chỗ cho các công trình cao ốc mới, không gian di sản đô thị bị phá vỡ, các địa điểm khảo cổ chưa được nghiên cứu sâu”, ông Quân phản ánh thực trạng bảo tồn hiện nay.

Cần tìm lời giải

Thực tế, đây là một ví dụ điển hình trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc cổ của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua; dù công tác bảo tồn được quan tâm đầu tư khá nhiều. TP Hồ Chí Minh có những trang sử rất hay và rất tốt nếu biết cách kết nối với sự phát triển đô thị cũng là yếu tố hay.

Trong bối cảnh các di sản kiến trúc bị phá hoại hoặc không được quan tâm đúng mức, TS.KTS Nguyễn Hạnh Nguyên – Trưởng bộ môn Lý luận lịch sử, Khoa Kiến trúc, trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề cần tìm lối thoát cho di sản trong bối cảnh nhiều công trình đã bị phá.

“Khi người ta muốn thì người ta sẽ tìm giải pháp, khi người ta không muốn thì sẽ tìm lý do. Nhiều người tưởng đó là câu chuyện kiến trúc nhưng đó chính là câu chuyện của con người”, TS.KTS Nguyên thẳng thắn lập luận.

Cũng theo TS.KTS Nguyên: “Quan trọng hơn là giá trị đằng sau của một công trình. Điều này có thể lý giải vì sao nhiều nơi hoàn toàn có thể giữ một mảng tường, một chuồng ngựa chứ không phải chỉ giữ cả một công trình. Vì đằng sau nó mới là linh hồn của đô thị. Một công trình không cần phải xếp hạng di tích cũng phải đưa vào bảo tồn là xác đáng”.

Có thực tế, một công trình nằm trong khu vực có di sản giá trị rất lớn nhưng khi doanh nghiệp có được đất họ phá di sản mà không biết ở dưới thế nào. Khi đó, giới chuyên môn, cộng đồng chỉ còn biết đứng bên ngoài nhìn rồi “khóc lóc” chứ cũng không bảo tồn được di sản.

Ở góc độ bảo tồn gắn liền với khai thác giá trị của di sản, KTS Cao Thành Nghiệp – thành viên Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh đánh giá dù Việt Nam đã tham gia vào công ước quốc tế Athens của UNESCO về bảo vệ di sản, cũng như đã ban hành luật Di sản và nhiều nghị định liên quan nhưng nhiều công trình vẫn bị phá hoại. Hay như một số di tích đã được công nhận nhưng bị lãng quên, thiếu ý thức khiến di sản bị hư hỏng nặng.

Hiện việc quy hoạch di tích ở TP Hồ Chí Minh còn bỏ ngỏ khiến công tác kiểm đếm, phát hiện di tích mới hằng năm chưa được triển khai sâu. Một số công trình mang tính biểu tượng như cầu Bình Lợi là cây cầu thép đầu tiên đưa miền Nam phát triển, có yếu tố nhận diện đô thị cũng như cây cầu duy nhất xoay được nhưng lại quên lãng. Cây cầu đó không được quy hoạch phát triển du lịch trong khi ngành Du lịch thành phố vẫn thiếu điểm đến cho du khách.

“Trong khi Thái Lan đã khai thác và phát triển du lịch rất tốt xoay quanh các di tích của mình”, KTS Cao Thành Nghiệp dẫn chứng.

Vì vậy, theo KTS Nghiệp, sắp tới TP Hồ Chí Minh điều chỉnh quy hoạch chung cần phải đưa quy hoạch di sản vào trước cho phù hợp. Nếu không có quy hoạch thì việc phát hiện và bảo tồn các di tích rất khó khăn. Chẳng hạn, có rất nhiều yếu tố, đầy đủ để nhận diện là di sản như Dinh Thượng Thơ nhưng lại bỏ đi. Cả một tác phẩm nghệ thuật qua quá trình sử dụng bị méo mó lại làm lãng quên yếu tố di sản. Di sản không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn là lịch sử, văn hóa, bản sắc và những câu chuyện gắn liền trong đó. Chúng ta cũng đang lãng quên các di tích khảo cổ, di tích hạ tầng mà chỉ để ý các di tích cách mạng. Với một khu đất có di sản, doanh nghiệp vẫn có thể giữ di sản và phát huy giá trị khu đất. Có rất nhiều giải pháp quy hoạch, thiết kế công trình vẫn bảo đảm giá trị cho chủ đầu tư đồng thời đảm bảo giá trị di sản. Bảo tồn và phát triển là hai mặt hữu cơ, nếu định hình bảo tồn khu vực trung tâm tốt thì công tác phát triển đô thị ở các quận xung quanh như: Quận 5, quận 10... sẽ phát triển.

Mạnh Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/di-san-kien-truc-dang-bi-xam-hai-va-khong-duoc-khai-thac-tot.html