Di sản Márquez và câu chuyện phái sinh

Năm 2024 đánh dấu đúng một thập kỷ 'người khổng lồ của văn học Mỹ Latinh' Gabriel García Márquez qua đời. Tuy không có phong trào kỷ niệm rầm rộ mang tính quốc tế nào được gia đình nhà văn hoặc Columbia - quê hương của ông tổ chức, nhưng Gabo - tên thân mật mà độc giả thường gọi Márquez - lại được tưởng nhớ qua 2 dự án vô cùng đình đám. Nhưng điều quan trọng và cần lưu ý là nó trái ngược một cách hoàn toàn với ý muốn lúc còn sinh thời của bản thân ông.

Những dự án gây tranh cãi

Một trong số đó là bản chuyển thể truyền hình "Trăm năm cô đơn" do Netflix - một trong những nền tảng phát trực tuyến lớn nhất thế giới - đầu tư sản xuất. Dự án gồm 2 phần với 16 tập, trong đó 8 tập đầu tiên đã ra mắt khán giả toàn cầu vào ngày 11/12 vừa qua, trong khi phần 2 vẫn chưa công bố thời điểm ấn hành.

Được biết 2 con trai của Márquez là Rodrigo García và Gonzalo García Barcha đã cho phép thực hiện dự án, đồng thời đóng vai trò nhà sản xuất điều hành. Theo các số liệu được công bố, dự án lần này có số tiền đầu tư khổng lồ với ê-kip hơn 900 người cùng khoảng 20.000 diễn viên quần chúng và một phim trường được thiết kế mới rộng hơn 520.000m2 tại chính Columbia để tái hiện lại bối cảnh ngôi làng Macondo huyền thoại trong cuốn tiểu thuyết.

Gabriel García Márquez và hai tác phẩm phái sinh của ông. Ảnh: Evanston Public Library, Netflix và Amazon.

Gabriel García Márquez và hai tác phẩm phái sinh của ông. Ảnh: Evanston Public Library, Netflix và Amazon.

Tuy vậy điều cần lưu ý là Márquez lúc còn sinh thời chưa bao giờ đồng ý bán bản quyền cho phép chuyển thể cuốn tiểu thuyết này. Trong các cuộc phỏng vấn và theo lời kể của gia đình, nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương cho rằng sẽ là bất khả để tác phẩm phái sinh có thể tái hiện một cách chính xác không gian, bối cảnh cũng như câu chuyện thật sự của cuốn tiểu thuyết.

Điều này không quá khó hiểu khi với công nghệ làm phim của nhiều thập kỷ trước, việc tạo ra các hiệu ứng huyền ảo sẽ thiếu chân thật, trong khi bối cảnh trải dài qua 7 thế hệ của một gia đình cùng các đổi thay của thời thế cũng là thách thức cho bất cứ nhà làm phim hay đạo diễn nào.

Cũng thêm vào đó, Columbia nói riêng và châu Mỹ Latinh ở giai đoạn ấy chưa khi nào là một thị trường tiềm năng, vì vậy gần như chắc chắn "Trăm năm cô đơn" được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, có các nhân vật Columbia trở thành bộ phim nói tiếng Anh và do các diễn viên Hollywood đảm nhận.

Lý do này cũng tương đồng với những lập luận mà nhà văn gốc Czech Milan Kundera từ chối cho chuyển thể tác phẩm của mình sang bất cứ hình thức nào dù là phim ảnh hay sách điện tử, sau khi chứng kiến cuốn tiểu thuyết "Đời nhẹ khôn kham" được "Hollywood-hóa" đến mức độ nào. Càng tương đồng hơn khi chính Márquez cũng từng cho phép chuyển thể "Tình yêu thời thổ tả" vào năm 2007 khi giai đoạn đó ông rất cần tiền và lo ngại cho tương lai của gia đình sau khi bản thân qua đời. Và không quá bất ngờ khi bộ phim điện ảnh ấy không có chút gì là của Márquez cũng như thất bại một cách thảm hại về mặt doanh thu.

Có một giai thoại vẫn được truyền tụng là Gabo chỉ đồng ý cho phép chuyển thể tác phẩm sang bộ môn nghệ thuật thứ 7 nếu kịch bản phim trung thành 100% với nguyên tác gốc và được sản xuất thành từng tập một, mỗi năm phát sóng một tập và sẽ hoàn tất đúng một thế kỷ như tựa đề sách. Dễ thấy đây là yêu cầu được ông đưa ra "có cũng như không", bởi có lẽ với ông, "Trăm năm cô đơn" là tác phẩm quan trọng và tâm huyết nhất.

Là một người sáng tạo, ông không đành lòng chứng kiến tác phẩm của mình bị mổ xẻ hoặc làm hư hại bởi ngành công nghiệp có nhiều điều tiếng như Hollywood. Trong vài cuộc phỏng vấn ông đã chia sẻ với bản thân mình, sách vẫn là hình thức phù hợp nhất cho việc kể chuyện, bởi khi ấy độc giả có thể tự do tưởng tượng mà không bị đóng khung hay chịu ảnh hưởng của những motif cho trước.

Dẫu vậy thì trong năm nay, lý tưởng về hình thức ấy cũng không thể đứng vững khi 2 con trai - những người quản lý di sản - đã cho phép ra mắt cuốn tiểu thuyết "Until August" còn chưa hoàn thành lúc ông qua đời. Khi còn sinh thời, Márquez viết cuốn sách này trong trạng thái trí nhớ không ổn định, dẫn đến trong những lời cuối, ông không cho phép đưa nó ra với ánh sáng.

Nhưng sau 10 năm, nó đã chính thức phát hành rộng rãi ra toàn thế giới vào giữa năm nay (mà một công ty sách của Việt Nam cũng đã thông báo mua bản quyền thành công). Không quá bất ngờ khi phản ứng của các nhà phê bình dành cho cuốn sách không mấy tích cực và đánh giá nó là một cuốn sách "nằm dưới khả năng sáng tạo của Márquez".

Thấy gì từ việc phái sinh?

Qua cả bộ phim chuyển thể truyền hình "Trăm năm cô đơn" và tác phẩm còn dang dở "Until August", ta đang đứng trước một câu hỏi lớn, rằng nên làm gì với những di sản mà các nhà văn để lại? Theo đó tồn tại 2 luồng ý kiến, trong khi một số ủng hộ vì sẽ tiếp tục được thưởng thức hoặc được đắm mình theo một cách khác di sản của Gabo, thì số đông còn lại lại phản đối nó, coi việc làm trái ý muốn người đã qua đời là một hành động không mấy tốt đẹp. Cả hai con trai của Márquez cũng bị mỉa mai vì việc cho phép những dự án này thực hiện và không ít người cho rằng "động cơ" chính là đồng tiền. Hẳn nhiên phe nào thì cũng có lý, nhưng nếu nhìn kỹ ta thấy điều này không hẳn không có điểm hay.

Quay ngược thời gian lại 100 năm trước vào năm 1924, trước khi qua đời, Franz Kafka đã muốn người bạn của mình là Brod tiêu hủy những tác phẩm, nhật ký và bản thảo đang còn dang dở. Trong số này có những tiểu thuyết quan trọng nhất gồm "Vụ án", "Lâu đài" và "Nước Mỹ". Có thể thấy nếu như ý muốn đó được làm theo, thì nhân loại này đã không được thưởng thức những gì hay nhất và cá tính nhất của bậc thầy văn chương Czech.

Việc làm trái với ý muốn của nhà văn còn được nhìn thấy ở nhiều trường hợp, từ cổ đại như Virgil muốn đốt sử thi "Aeneid" - tác phẩm được cho là nền tảng của toàn bộ truyền thống phương Tây cho đến gần đây hơn như Nhất Linh với "Xóm Cầu Mới"… Tuy vậy, điểm khác biệt nhất đó là các tác phẩm này đều vẫn thể hiện được tầm vóc của tác giả, do đó thay vì bị chỉ trích nó, lại lưu danh trong những trang sử.

Một cảnh trong bộ phim chuyển thể. Ảnh: Netflix

Một cảnh trong bộ phim chuyển thể. Ảnh: Netflix

Trường hợp của Márquez hoàn toàn ngược lại, bởi đúng như lời phê bình, "Until August" còn lâu mới sánh ngang với những tuyệt tác mà Gabo đã cho ra đời trong thời sung sức. Thế nhưng dẫu không thành công để nối tiếp thành công cho một di sản, thì nó vẫn góp phần cho thấy một Márquez đã không từ bỏ công việc sáng tạo dẫu cho ở cuối cuộc đời.

Còn với bản truyền hình "Trăm năm cô đơn", mọi thứ dường như lại đang theo hướng ngược lại. Tuy chỉ mới cho ra mắt phân nửa dự án, nhưng những đánh giá nhận lại là tương đối tích cực. Hóa ra những lo xa của Márquez trong quá khứ không còn đúng nữa ở giai đoạn này. Trong bối cảnh ngành giải trí đang khai thác mạnh hơn và dữ dội hơn các nền văn hóa khác biệt, thì cũng giống như châu Á trong các năm qua, châu Mỹ Latinh cũng là khu vực đang được chú ý.

Điều đó có thể nhìn thấy khi chỉ trước "Trăm năm cô đơn" một vài tháng, một tuyệt tác khác của khu vực này là "Pedro Páramo" của nhà văn Mexico Juan Rulfo cũng được chuyển thể với kinh phí khủng. Chính mục tiêu mang đến những sáng tạo nghệ thuật đa dạng hơn cũng dẫn đến "Trăm năm cô đơn" bản 2024 là phim truyền hình nói bằng tiếng Tây Ban Nha giống với nguyên tác (chứ không phải tiếng Anh). Diễn viên của nó cũng là người bản địa (gần như không có minh tinh Hollywood nào). Với số tiền khổng lồ, bối cảnh, hiệu ứng hiện thực huyền ảo cũng được thiết kế một cách hoàn hảo…

Không thể phủ nhận bản chuyển thể vẫn có sai khác so với bản gốc bởi thẩm mỹ điện ảnh và đặc tính riêng mà môn nghệ thuật thứ 7 đòi hỏi, nhưng có thể nói với sự đầu tư để bám rất sát với tác phẩm gốc cộng với thông tin lan truyền trong thời đại số về câu chuyện và lý do sâu xa từ chối chuyển thể, thì có thể tin di sản Márquez qua 2 sự phái sinh này không bị hủy hoại mà còn được hiểu rõ thêm cũng như có thêm những phong vị mới cho người thưởng thức.

Đoàn Tuấn Anh

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/di-san-marquez-va-cau-chuyen-phai-sinh-i753971/