Đi 'săn'… sa tặc!

Nói là 'đi săn' cho ngầu, chứ thực tế, người viết chỉ theo chân những cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh đi bắt các vụ việc khai thác cát sạn trái phép trên địa bàn. Để 'săn' được sa tặc, lực lượng chức năng phải mật phục, rình rập, lên xe xuống đò… và đối mặt với nhiều hiểm nguy.

 Lực lượng công an môi trường vây bắt các đối tượng khai thác cát sạn trái phép trên sông Thạch Hãn trong đêm -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Lực lượng công an môi trường vây bắt các đối tượng khai thác cát sạn trái phép trên sông Thạch Hãn trong đêm -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Những cuộc gọi lúc… nửa đêm

Có nhiều người bị ám ảnh với những cuộc gọi lúc nửa đêm về sáng. Bởi thường, nếu không có việc gì hệ trọng và khẩn cấp thì vào thời điểm này không ai gọi điện thoại chỉ để... chuyện trò. Không ít người chọn cách tắt máy, hoặc đặt chế độ rung để có một giấc ngủ sâu, có gì… sáng mai tính. Cá nhân người viết không có thói quen này, nhất là khi muốn “làm thân” với lực lượng cảnh sát môi trường.

Dẫu lời trấn an của Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trong buổi đầu quen biết khá “mùi mẫn”: “Nhà báo cứ ngủ, khi nào hữu sự, anh gọi”, nhưng tiếng chuông điện thoại vang inh ỏi giữa đêm khuya thanh vắng vẫn làm cả gia đình tôi giật thột. Tôi bật loa ngoài, đầu dây bên kia chỉ ngắn gọn: “Anh Dung đây, dậy đi bắt “cát tặc”. Lâu cũng thành quen, bây giờ, hễ tới giờ đó mà điện thoại lại reo thì tôi vội vàng thay quần áo, nhanh chóng đến điểm hẹn trong đêm tối.

Thú thật là các anh cứ gọi và tôi cứ đi vậy thôi, chứ bản thân tôi không hề biết là sẽ đi bắt “cát tặc” ở khu vực nào, do ai là chủ đò. Tôi cũng không có thói quen dò hỏi các thông tin, bởi trong chằng chịt các mối quan hệ, lực lượng chức năng cũng không muốn nói ra, sợ vì một lý do nào đó mà “động rừng”. Chỉ là chúng tôi đặt niềm tin vào nhau, tôi sẽ đi trong đêm chỉ vì đó là đi cùng với những cán bộ chiến sĩ cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Trị. Còn các anh gọi cho tôi bởi họ tin rằng, tôi biết giữ bí mật nguồn tin. Câu cửa miệng vẫn là: “Nhà báo cứ ngủ, khi hữu sự… sẽ gọi”!

Mò mẫm trên sông, rình rập trên núi

Đi “săn” sa tặc là một công việc khá khu biệt về thời gian và địa điểm, không có cái gì là cụ thể cả, tất cả phải tùy cơ ứng biến. “Sa tặc ngày mỗi tinh vi và lắm chiêu trò để đối phó với ngành chức năng. Nếu bắt dễ, cứ đến ngày đó, giờ đó… dàn quân là bắt được thì chúng tôi không phải lập chuyên án, tổ chức trinh sát làm gì cho mất công. Chống sa tặc có thể nói là một công việc bền bỉ, kéo dài…vì khi mình căng thì họ thụt mà mình chỉ cần lơ là lập tức họ xuất hiện rầm rộ”, Thượng tá Trần Phú Hải, Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nhận định.

Việc vây bắt “cát tặc” trên sông thường được thực hiện về đêm, từ khuya đến sáng, khi những chiếc ca nô cảnh sát lẹ làng hạ thủy và nổ máy lao đi. Sông Thạch Hãn luôn là “mặt trận” nóng bỏng nhất của cuộc đối đầu giữa lực lượng chức năng và “cát tặc” với những địa điểm rất “nhộn nhịp” về đêm như ngã ba Gia Độ, cồn Nổi, Trấm…

 Trung tá Tạ Quang Dung lái ca nô vây bắt “cát tặc” trên sông Thạch Hãn -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Trung tá Tạ Quang Dung lái ca nô vây bắt “cát tặc” trên sông Thạch Hãn -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Trong năm 2021 và 2022, với không dưới chục lần theo chân lực lượng cảnh sát môi trường để ghi hình cận cảnh việc truy bắt “cát tặc”, người viết cũng lắm phen “tim rớt ra ngoài”, dẫu đã trang bị phương tiện bảo hộ đầy đủ. Có ở giữa sông trong đêm đen như hũ nút, mới thấy con người, thậm chí chiếc ca nô đang gầm rú, bé nhỏ biết chừng nào. Hai chiếc đèn pin công suất lớn nhiều khi không chiếu rõ được hết những chài rớ ngư dân mắc chằng chịt trên sông. Những cú phanh gấp làm chiếc ca nô chúi xuống, như thể chìm tới nơi. Gặp những đêm mưa, có gió lạnh thì cảm giác mạnh khi ngồi ca nô càng thêm phần… kịch tính.

Tất nhiên gay cấn nhất vẫn ở đoạn “giáp lá cà”. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh, ca nô phóng hết tốc lực sao cho các trinh sát có thể nhảy sang được tàu hút cát vi phạm, yêu cầu dừng máy. “Nguyên tắc bắt “cát tặc” là phải bắt được quả tang, nếu để tàu xả đáy, cát trôi hết là “xôi hỏng bỏng không”. Khoảnh khắc này mình phải vừa tạo bất ngờ, vừa trấn áp được đối tượng khai thác cát trái phép mới nắm chắc phần thắng”, Đại úy Trần Anh Đức, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường cho biết.

Phần nhiều các đối tượng khai thác cát sạn trái phép chấp nhận chạy tàu về bờ, lập biên bản. Nhưng cũng có tàu tắt đèn, liều lĩnh bỏ chạy, buộc lực lượng chức năng phải nổ súng chỉ thiên. Có hôm, chỉ với 1 ca nô và 4 -5 cán bộ vẫn bắt được 3-4 tàu hút cát chui trên sông. Nhưng cũng có đêm, chúng tôi quần thảo gần 2 giờ đồng hồ trên sông Thạch Hãn với quãng đường di chuyển hàng chục ki lô met, nhưng tuyệt nhiên không gặp được một chiếc đò hút cát chui nào.

Đó là chuyện trên sông, còn với việc “săn cát tặc” ở miền núi, không cần đi vào ban đêm, nhưng lại cần thời gian theo dõi dài ngày. Bởi mỏ cát chui với khối lượng “khủng” chỉ có thể nằm ở một khu vực núi đồi hoang vắng nào đó, ít người lui tới, khó tiếp cận. Hoặc cũng có thể nằm trong khuôn viên của một nhà máy, một dự án… thuộc sở hữu cá nhân, doanh nghiệp. Vì thế, đánh án ở miền núi, trước khi ập vào, các trinh sát phải cải trang đi xe máy, thậm chí cuốc bộ… nằm vùng trước vài ngày, ghi hình toàn bộ các vi phạm để sau này có bằng chứng buộc tội.

Còn nhớ, năm 2021, khi các dự án điện gió thi công rầm rộ ở huyện Hướng Hóa, nhu cầu vật liệu xây dựng lên cao khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để khai thác cát trái phép. Trong thời gian ngắn, tôi đi cùng với lực lượng cảnh sát môi trường bắt quả tang những vụ khai thác, mua bán cát chui ở trong khu đất của dự án… chăn nuôi heo, vụ khác thì nằm trong khu đất của một dự án… du lịch, có vụ thì ngay giữa lòng hồ thủy điện. Người đứng sau những việc này, tất nhiên không phải là mấy anh lái máy múc và lái xe tải, “mặt cắt không ra giọt máu” khi công an ập vào.

Còn nhớ, hồi tháng 10/2021, trời có mưa nhẹ, tổ công tác đã cố chạy sâu vào trong khuôn viên 1 dự án du lịch ở huyện Hướng Hóa để bắt quả tang hành vi khai thác hàng ngàn khối cát lậu của một doanh nghiệp. Trớ trêu thay, biên bản lập xong thì trời mưa như trút, 2 chiếc xe bán tải quay tít bánh vẫn không sao trườn qua những con dốc trơn như bôi mỡ. May thay, có chiếc xe múc của doanh nghiệp gần đó ra hỗ trợ, kéo xe ra ngoài, chứ ban đầu cả tổ xác định… “thức trọn đên nay” nơi rừng sâu nước độc.

“Thẳng lưng” đấu tranh, né “đạn bọc đường”

Khai thác khoáng sản chui, làm tiêu hao tài nguyên đất nước, thâm hụt ngân sách, nhưng với khoản lợi nhuận khổng lồ, những đối tượng đứng đằng sau hoàn toàn có điều kiện để bắn về phía lực lượng chức năng những “viên đạn bọc đường”. Ngon ngọt không được, những đối tượng này cũng có thể trở mặt, bằng cách uy hiếp, khủng bố tinh thần của cán bộ và gia đình. Nhưng có lẽ nhức nhối hơn cả là sử dụng những “quan hệ mềm” để can thiệp.

 Tác giả trong một lần cùng lực lượng cảnh sát môi trường đi bắt “cát tặc” trên sông Thạch Hãn -Ảnh: THANH LỘC

Tác giả trong một lần cùng lực lượng cảnh sát môi trường đi bắt “cát tặc” trên sông Thạch Hãn -Ảnh: THANH LỘC

“Tội phạm môi trường truyền thống, nhỏ lẻ không nói làm gì. Nhưng ngày nay có nhiều người có hiểu biết vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc móc nối các quan hệ mờ ám để cố ý làm trái. Nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ từ Ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, chúng tôi vẫn vững tin để đấu tranh, không có vùng cấm nào”, Trung tá Dung nói.

Trao đổi với chúng tôi , Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công an tỉnh nhận định cuộc chiến chống nạn khai thác khoáng sản trái phép nói chung và sa tặc nói riêng là một cuộc chiến bền bỉ, không khoan nhượng. “Lực lượng công an môi trường đã, đang gìn giữ tài nguyên của đất nước cho đời sau, đánh gục những kẻ hám cái lợi trước mắt mà tàn phá môi trường. Trong cuộc chiến này, Ban giám đốc Công an tỉnh luôn yêu cầu những người cảnh sát trên trận tuyến phải vững vàng đấu tranh, đủ bản lĩnh để né được những “viên đạn bọc đường”, Đại tá Nguyễn Văn Thanh khẳng định.

Mới hay, trên trận tuyến không khoan nhượng ấy, nếu lực lượng chức năng không khéo léo, lanh lợi và dũng cảm như những người “thợ săn” thì khó đánh bẫy những con mồi là những đối tượng khai thác cát trái phép. Cuộc “đi săn” đôi khi vẫn chưa hạ màn giữa hiện trường quả tang, trên dòng sông, trong rừng thẳm… mà là cả một quá trình đấu tranh để tội phạm môi trường phải tâm phục khẩu phục.

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=166029&title=di-%E2%80%9Csan%E2%80%9D%E2%80%A6-sa-tac