Di sản từ lòng biển sâu

Hiện vật không hẳn là cổ vật, nhưng nó minh chứng cụ thể cho một giai đoạn lịch sử để thuyết phục người xem về giá trị di sản văn hóa nước nhà. Bảo tàng Lịch sử TPHCM vừa đưa vào phục vụ khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề 'Thương mại hàng hải - Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên Biển Đông', kể về một giai đoạn giao thương hàng hải của nước ta và khu vực.

Hiện vật gốm Chu Đậu (Việt Nam) vào thế kỷ 15

Hiện vật gốm Chu Đậu (Việt Nam) vào thế kỷ 15

Trong hơn 3 thập niên qua, vùng Biển Đông Việt Nam đã phát hiện hàng chục con tàu đắm liên quan đến thương mại biển. Những hàng hóa còn lại trên tàu - gốm sứ mậu dịch - đã trở thành bằng chứng lịch sử quan trọng về thương mại hàng hải cổ đại từ Đông sang Tây.

Tại phòng trưng bày, gốm thời Đường (Trung Quốc) trong khoảng thế kỷ thứ 7-10 khiến nhiều khách tham quan trầm trồ, chính là những hiện vật tìm thấy từ tàu đắm tại vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo. Năm 2019, nhiều ngư dân đã phát hiện và lặn vớt được khá nhiều đồ gốm gia dụng men trắng của lò Định (Hà Bắc), xanh lục lò Việt (Chiết Giang) và gốm Tam Thái Trường Sa (Hồ Nam) thời Đường (Trung Quốc, thế kỷ 7-10) tại vùng biển Vũng Tàu - Côn Đảo.

Những đồ gốm tương tự trong con tàu này, trước đây người ta đã tìm thấy trên một con tàu chìm ngoài khơi đảo Belitung ở biển Java (phía Đông Nam Singapore) năm 1998 với số lượng hiện vật được trục vớt hơn 60.000 đồ gốm sứ, các đồ vật sang trọng khác bằng vàng và bạc. Đây là con tàu được ghi nhận là có xuất xứ từ Iran và Iraq, cung cấp bằng chứng ban đầu về mối liên kết thương mại mạnh mẽ giữa Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Đông.

Ngoài ra, tại phòng trưng bày còn có nhiều hiện vật gốm Trung Quốc (thế kỷ 17), được trục vớt năm 2001 từ một con tàu đắm ở vùng biển tỉnh Bình Thuận. Đây là dòng gốm Chương Châu (Trung Quốc) sản xuất vào thế kỷ 17, thường được gọi là gốm Swatow, thô nặng, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật không cao như gốm lò Cảnh Đức Trấn (tỉnh Giang Tây), phù hợp với các thị trường bình dân, chủ yếu để xuất khẩu sang Đông Nam Á và Nhật Bản.

TS Michael Flecker, nhà khảo cổ học biển tham gia trục vớt xác tàu ở Bình Thuận, cho rằng, xác tàu có thể chính là tàu của I Sin Ho (một thương nhân Trung Quốc), bị mất tích trên biển khi đang hành trình trở lại Đông Nam Á (theo báo cáo ngày 21-7-1608 từ kho lưu trữ của VOC - Công ty Đông Ấn Hà Lan).

Ngoài ra, còn có gốm nhà Thanh (Khang Hy - Trung Quốc), sản xuất từ năm 1690 được trục vớt năm 1990 từ một tàu đắm tại hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); đồ gốm nhà Thanh (thời Ung Chính) được trục vớt từ tàu đắm tại vùng biển Cà Mau năm 1998 và 1999.

Hiện vật trục vớt từ tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) vào năm 2000, mang đến cho người xem hàng loạt đồ gốm Chu Đậu (Việt Nam) thế kỷ 15.

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Hiện vật gốm sứ trong tàu cổ ở Cù Lao Chàm chủ yếu là dòng gốm gia dụng, từ đồ đựng đến đồ dùng trong ăn uống, một vài loại được sử dụng cho tín ngưỡng, tôn giáo như Kendi (dạng bình gốm cổ), lư hương. Hiện vật gốm sứ trên tàu cổ Cù Lao Chàm phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với men màu, kiểu dáng, hoa văn phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam”.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/di-san-tu-long-bien-sau-post756688.html