Đi 'tàu chợ' cùng Đại tướng
Nói đầy đủ và chính xác thì phải là 'Đi xe tải, xe ôm, đò ngang, bè nứa và tàu chợ cùng Đại tướng', đó là lần tôi được tháp tùng Đại tướng Nguyễn Quyết, lúc bấy giờ là Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đi thăm và kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi ở tỉnh Quảng Bình. Chuyện cách nay đã gần 35 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết của chuyến đi đặc biệt ấy.
Sáng 15-10-1990, tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân có mặt tại Bộ tư lệnh Quân khu 4 để đưa tin về lễ kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống các LLVT Quân khu 4. Lễ mít tinh có Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm TCCT-thay mặt Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu ý kiến. Buổi chiều, tôi chuẩn bị trở ra Hà Nội thì nhận được điện của Ban biên tập chỉ thị tôi ở lại để sáng mai theo Đại tướng đi công tác Quảng Bình.
Một Thượng úy, phóng viên trẻ như tôi mà được tháp tùng Đại tướng đi công tác, thật tình tôi không dám mơ. Suốt đêm ấy tôi bồn chồn không ngủ được, phần vì lo công việc nặng nề quan trọng, phần vì hồi hộp với những tưởng tượng về những nghi thức đón tiếp, nội quy sinh hoạt, nguyên tắc làm việc với các VIP... Nhưng thật không ngờ, sáng hôm sau “đoàn công tác” chỉ gồm có Đại tướng, đồng chí thư ký, đồng chí bảo vệ kiêm quân y, lái xe và tôi. Cả năm thầy trò đi chung một chiếc xe con hiệu La-đa màu đen đã cũ mang biển số dân sự. Tất cả chỉ vậy! không phải xe điều hòa nhiệt độ có cát-xét du dương, không có ô tô dẫn đường rú còi inh ỏi, không có cảnh tiền hô hậu ủng náo nhiệt... như tôi tưởng tượng. Xe chỉ thiết kế 4 chỗ ngồi, tôi đi “ké” nên phải chen ở ghế sau, ép giữa hai đồng chí thư ký và bảo vệ. Biết chỗ ấy ngồi rất cứng nên mấy lần Đại tướng bảo tôi lên “chịu khó” ngồi chung ghế trước với ông nhưng tôi không dám...
Xe rời Vinh lúc 7 giờ sáng, đường xấu nên vào đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã hơn 9 giờ. Đại tướng nhắc lái xe dừng uống nước nghỉ ngơi chuẩn bị vượt Đèo Ngang. Tôi đang thầm thắc mắc chỗ này toàn đồi hoang có quán xá gì đâu mà nghỉ, thì thật bất ngờ khi thấy lái xe mở thùng sau lôi ra chiếc chiếu quân nhu trải lên bãi cỏ rồi mời Đại tướng... ngồi nghỉ. Lại thấy đồng chí Bình bảo vệ xách túi cam, nải chuối và bi đông nước đặt lên chiếu mời Đại tướng... dùng. Ông vẫy mọi người cùng ngồi xếp bằng quanh “mâm”, ai thích gì dùng nấy. Lại nhắc: “Anh nào thận yếu thì tranh thủ giải quyết đi. Mấy khi được đứng giữa đồng thoáng đãng thế này, còn sướng hơn cả quận công ấy chứ !”. Sau này đồng chí Lê Hồng Khê, thư ký lâu năm của Đại tướng nói với tôi: Đi công tác “cụ” thích đơn giản, gọn nhẹ, tiện lợi như thế; hết sức tránh phiền toái cho cấp dưới và nhất là tác phong quan liêu, kiểu cách nhưng kém hiệu quả”...
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 8 vào Đồng Hới làm việc từ tối hôm trước, đang chờ Đại tướng, Phó chủ tịch HĐNN vào để tiếp tục nội dung công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 72 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách dân tộc và miền núi. Chiều hôm đó làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình xong, Đại tướng đề xuất sáng mai đi 2 huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa. Bấy giờ Quảng Bình đang chịu ảnh hưởng đợt áp thấp gần bờ, mưa rất lớn. Lãnh đạo địa phương báo cáo đường hỏng, cầu phà tắc không thể lên miền Tây được. Đại tướng Nguyễn Quyết hỏi ông Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình:
- Mưa lũ thế này, tỉnh có lên kiểm tra chỉ đạo hai huyện Minh-Tuyên được không?
- Báo cáo, đi được nhưng rất nhiêu khê vất vả!
Đại tướng quay sang các đại biểu Quốc hội:
- Tỉnh đi được thì Trung ương đi được! Theo tôi đây là dịp tốt để hiểu đúng, nắm chắc thực tế địa phương...
Công tác chuẩn bị cho chuyến đi lên Minh Hóa và Tuyên Hóa được tiến hành khẩn trương trong đêm. Hôm sau đoàn lên đường, mỗi thành viên được Tỉnh đội Quảng Bình cấp phát cho một “cơ số” lương khô, nước uống, thuốc men và một vài thứ nhu yếu phẩm đủ dùng trong vài ngày đề phòng bất trắc. Đoàn ngược Quốc lộ số 1 ra đến thị trấn Ba Đồn thì phải chuyển sang ô-tô vận tải của công binh tỉnh đội, vì xe con của Đại tướng gầm thấp, máy yếu không ngược đường 12 được. Hồi đó, 2 phà Mai Hóa và Sạo Phong là phà kéo tay, lũ to không kéo được nên ô tô phải để lại bờ bắc Rào Trổ, cả đoàn xuống đò sang Minh Cầm. Hơn chục chiếc xe máy “min-khơ” đã đợi sẵn chở đoàn “tăng bo” lên bến phà Sạo Phong, lại đi đò qua sông Nguồn Nậy. Mấy chiếc ô tô tải của huyện Tuyên Hóa đã đón sẵn chở đoàn lên thị trấn Đồng Lê.
Chiều và tối 18-10, đoàn kiểm tra tình hình thực tế và làm việc với các ngành ở huyện Tuyên Hóa. Hôm sau trời vẫn mưa tầm tã, tin báo về đường 12 bị ngập ô tô không qua được nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn quyết định tiếp tục cuộc hành trình lên Minh Hóa. Mặc dù đã phải dùng xe tải loại 3 cầu của lâm nghiệp để chở đoàn, nhưng lên gần Quy Đạt vẫn phải dừng lại vì ngầm Bùng mênh mông nước. Đoạn này không có thuyền đò gì, lãnh đạo huyện Minh Hóa phải huy động dân quân chặt nứa kết bè chở đoàn qua ngầm Bùng để lên ô-tô của huyện đi tiếp.
Về thị trấn Đồng Lê mưa đã ngớt, lũ bắt đầu rút nhưng địa phương cho biết đường về Ba Đồn đã bị hư hỏng nặng hơn. Phương tiện an toàn và thuận lợi nhất lúc này là đi tàu hỏa. Ga Đồng Lê là ga xép, chỉ có tàu chợ Vinh-Đồng Hới dừng đón trả khách. Hồi đó tàu chợ nhếch nhác, chật chội lắm nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết bảo “dân đi được thì cán bộ đi được” và quyết định cả đoàn đi tàu chợ vào Đồng Hới. Hôm đó là ngày 20-10-1990.
Khoảng 10 giờ trưa cả đoàn lên ga đợi tàu. Tin có đoàn đại biểu Quốc hội và ông Đại tướng đi tàu chợ lan rất nhanh, bà con địa phương kéo nhau ra chật cả trong ngoài nhà ga. Công an huyện yêu cầu giải tán nhưng Đại tướng lại bước tới hỏi chuyện mọi người rất thân mật. Ông hỏi về việc học hành, chữa bệnh, chăn nuôi, trồng trọt... rất cụ thể như: Ngô giống cũ và giống mới có những ưu điểm, nhược điểm gì? Đất đồi Tuyên Hóa trồng lạc và chè thì cây nào hợp hơn? Trẻ con có gì ăn sáng để đến lớp không? Tiếng địa phương ở đây “Rục” có nghĩa là gì?... Chốc chốc ông lại quay sang đồng chí thư ký Lê Hồng Khê đang hí hoáy ghi chép, bảo: “Đấy, thấy chưa?”, hoặc chỉ vào tôi: “Nhà báo có biết chuyện này không?”!
Nhờ chuyến đi kiểm tra thực tế đầy vất vả và những cuộc tiếp xúc gần gũi nhân dân như thế nên trong buổi làm việc cuối cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Quyết và các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp, chỉ đạo hết sức sâu sát, sắc sảo nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chính sách dân tộc và miền núi ở tỉnh Quảng Bình. Xin được nói thêm: Quê tôi ở huyện Tuyên Hóa, từ bấy đến nay mỗi dịp về phép lại được nghe cán bộ, nhân dân huyện nhà trầm trồ nhắc mãi chuyến về thăm Tuyên Hóa của Đại tướng Nguyễn Quyết và đoàn đại biểu Quốc hội năm nào. Họ bảo: Chưa bao giờ có một đoàn cán bộ cấp “to” như thế về huyện ta. Chưa bao giờ họ nghĩ một ông Đại tướng thời bình lại đi công tác bằng... xe tải, xe ôm, thuyền bè và tàu chợ. Tôi cũng được thơm lây bởi may mắn được tháp tùng Đại tướng trong một cuộc hành trình đặc biệt như thế. Chỉ tiếc lần ấy ở ngầm Bùng, tôi loạng choạng trên bè nứa bị rơi xuống nước, chiếc máy ảnh Ki-ép và cuộn phim “oóc-vô” đang chụp dở ướt nhoe nhoét, hỏng sạch...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/di-tau-cho-cung-dai-tuong-808518