Bơi thuyền mảng, nghe hát then là trải nghiệm du lịch mới được tỉnh Tuyên Quang đưa vào phục vụ du khách đầu năm nay. Trên những chiếc thuyền mảng thô sơ được ghép từ tre lồ ô, du khách vừa được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phủ xanh cây cối, hít thở bầu không khí trong lành, vừa lắng nghe giai điệu then du dương.
Khu du lịch có khoảng 10 mảng, mỗi chiếc chỉ chở tối đa 5 người. Trước khi tham gia trải nghiệm, khách phải trang bị áo phao. Ngoài ra, ven hồ, đội cứu hộ luôn túc trực để bảo đảm an toàn.
Hành trình trên hồ kéo dài chừng 30 phút.
Từ trên cao, khung cảnh lòng hồ nên thơ với màu nước xanh biếc, cây cối rậm rạp. Đoạn nghỉ giữa các bài hát, bạn thậm chí có thể lắng nghe tiếng chim chóc, tiếng nước chảy róc rách vui tai.
Những nghệ sĩ hát then trong trang phục dân tộc Tày. Họ mang theo các loại nhạc cụ đàn, hát phục vụ du khách.
Nghệ sĩ Đàm Thanh Hiền (người đánh đàn) cho biết hát then là hình thức xướng ca tín ngưỡng phổ biến trong đời sống tâm linh của người Tày. Lời ca chứa đựng các yếu tố tâm linh. "Ngày xưa, lời hát then thường vang lên trong các nghi lễ đi tìm hồn người ốm, xin con, xin tên, xin sức khỏe, xin cầu vạn vật tốt tươi, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, hạnh phúc. Ngày nay, các đề tài được mở rộng hơn", Thanh Huyền nói.
Du khách có thể tự tay trải nghiệm cảm giác chèo thuyền mảng.
Hát then trên hồ là sản phẩm trải nghiệm mới, kết hợp với du lịch về nguồn tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Vì vậy, hành trình cũng đưa du khách đến Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ sinh sống và làm việc vào giai đoạn 1945.
Lán Nà Nưa được phục dựng năm 1972 giờ đã phủ rêu, nhuốm màu thời gian. Căn lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, quay theo hướng đông - tây, có 6 cột gỗ, mái lợp lá cọ. Dù diện tích hạn chế, lán vẫn được chia làm hai khu vực, một gian rộng để Bác Hồ làm việc và tiếp khách, phần còn lại để nghỉ ngơi.
Đến mỗi điểm du lịch, khách sẽ được nghe hướng dẫn viên trong trang phục truyền thống dân tộc Tày thuyết minh, kể chuyện.
Trong ảnh, du khách dâng hương và tưởng niệm tại đình Tân Trào. Trả lời Zing, ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Các di tích lịch sử đan xen cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và đời sống văn hóa của nhiều dân tộc tại tỉnh phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, sinh thái bên cạnh hoạt động về nguồn".
Ông Kiên thông tin Tuyên Quang phục vụ hơn 700.000 lượt khách trong 4 tháng đầu năm và đang tích cực đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, kỳ vọng đón 2 triệu du khách trong năm nay.
Chí Hùng - Thảo Ly