Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải: Biểu tượng khát vọng hòa bình

Đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc vùng đất lửa Quảng Trị, chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Mỗi địa điểm, hiện vật nơi đây gắn với câu chuyện về một thời đau thương, hào hùng, gắn với vĩ tuyến 17 - nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc suốt gần 21 năm và tỏa sáng niềm tin, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước.

Cách đây tròn 70 năm, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (7/5/1954); Hiệp định Geneve được ký kết (21/7/1954), vĩ tuyến 17 - nơi sông Bến Hải - cầu Hiền Lương được chọn làm vùng giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc. Tháng 7/1956, Mỹ thẳng thừng tuyên bố từ chối hiệp thương, tổng tuyển cử. Từ hai chữ “tạm thời” trong 2 năm trở thành dằng dặc kéo dài trong suốt gần 21 năm (1954 - 1975). Nước Việt Nam bị chia đôi, tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh và các làng, xã đều bị chia cắt. Sông Bến Hải gắn liền với tuổi thơ, kỷ niệm đẹp của người dân Quảng Trị lại gắn với nỗi đau của sự chia ly mà biết bao gia đình phải gánh chịu. Nghe lại 2 câu thơ mà ai nấy đều nghẹn ngào: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp chèo nhưng duyên nợ cách xa”.

Du khách tham quan di tích cầu Hiền Lương. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Du khách tham quan di tích cầu Hiền Lương. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Bắc qua sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - cây cầu duy nhất trên thế giới có hai màu sơn khác nhau; là chứng tích “cuộc chiến sơn cầu” không khoan nhượng của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau Hiệp định Geneve, cầu bị chia đôi, mỗi bên dài 89m. Bờ Bắc có 450 tấm gỗ, bờ Nam có 444 tấm gỗ. Ban đầu, cầu chỉ có một đường kẻ ngang sơn trắng làm ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc. Sau đó, địch cho sơn màu đỏ sẫm (địch quy định đây là màu sơn của Việt Cộng) và màu xanh (màu sơn của Quốc gia) nhằm tạo sự khác biệt, vạch ranh khóa tuyến của hai miền. Chỉ là hai màu xanh, đỏ thôi mà vợ phải xa chồng, con phải xa cha dài đằng đẵng suốt gần 21 năm. Kéo dài ròng rã trong suốt 13 năm (1954 - 1967), địch sơn màu nào lực lượng ta liền sơn giống màu đó với biểu tượng thống nhất nước nhà, Bắc - Nam sum họp. Hiện nay, những vệt sơn màu xanh (miền Bắc) và màu vàng (miền Nam) trên cầu Hiền Lương vẫn còn dù đã hoen màu thời gian.

Tại đây, có địa điểm di tích Cột cờ giới tuyến (Cột cờ Hiền Lương) và hệ thống giàn loa phóng thanh. Chị Võ Thị Hồng, thuyết minh viên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cho biết, đây là những biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bền bỉ của quân và dân Vĩnh Linh “lũy thép anh hùng”. Dù địch huy động tổng lực không quân, hải quân, pháo binh bắn phá dữ dội, đánh suốt ngày đêm vào cột cờ bờ Bắc. Cột cờ này gãy đổ thì có cột cờ khác được thay thế, vẫn sừng sững, hiên ngang. Chỉ chưa đầy 2 năm (1965 -1967), các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo 267 lá cờ. Từ sau năm 1967 trở đi lại thêm 11 lần dựng cột cờ bằng gỗ với 42 lần thay cờ. Để bảo vệ cột cờ giới tuyến, quân và dân ta đã đánh trên 300 trận lớn, nhỏ. Trong cuộc chiến ác liệt ấy đã có sự đóng góp không nhỏ của những người mẹ anh hùng Trần Thị Viễn, Hoàng Thị Tuất, Ngô Thị Diệm, ở làng Hiền Lương. Dù thuộc diện sơ tán về tuyến sau nhưng các mẹ vẫn tình nguyện ở lại, sát cánh cùng các chiến sĩ, bộ đội; cần mẫn, thầm lặng vá cờ suốt ngày đêm để lá cờ Tổ quốc mãi phấp phới tung bay trên ngọn kỳ đài. Nhà thơ Tố Hữu viết những câu thơ rất xúc động: “Gần cầu có mẹ Diệm nghèo/ Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ/ Mẹ ơi! Bom đạn bất ngờ/ Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu/ Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu/ Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm”.

Cùng với đó, cuộc chiến loa (cuộc chiến âm thanh) giữa ta và địch diễn ra vô cùng quyết liệt. Các chương trình phát thanh ở bờ Bắc luôn hấp dẫn được bà con đôi bờ Hiền Lương yêu thích. Chương trình tiếp âm Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam 11 tiếng mỗi ngày, hai buổi phát tin địa phương (30 phút/buổi), chương trình dành cho bà con bờ Nam 2 buổi, binh lính Sài Gòn 1 buổi. Chương trình phát thanh còn có dân ca, hò vè, kịch nói nhằm động viên sức chiến đấu của đồng bào.

Đến tham quan Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất non sông”, hình ảnh gây xúc động đầu tiên đối với chúng tôi là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và câu nói “Miền Nam trong trái tim tôi”. Bác dành tình cảm đặc biệt, nhớ thương đồng bào miền Nam. Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Tại nhà trưng bày có rất nhiều hình ảnh, hiện vật gắn với câu chuyện về một thời đau thương, hào hùng, gắn với vĩ tuyến 17 - nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc suốt gần 21 năm và tỏa sáng niềm tin, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Trong đó, có hình ảnh người mẹ với khăn lươn vấn tóc (biểu tượng của miền Bắc) và người mẹ trong chiếc áo bà ba, khăn rằn (biểu tượng của miền Nam), hai mẹ ôm nhau thắm thiết với dòng chú thích “Nam - Bắc sum họp”.

Chúng tôi rời Quảng Trị vào một chiều nắng đẹp, sông Bến Hải trong xanh hiền hòa. Trong cảm xúc dạt dào cùng những câu chuyện ở vĩ tuyến 17, chúng tôi càng thêm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam.

PHƯƠNG LÝ - TẠ HÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202407/di-tich-doi-bo-hien-luong-ben-hai-bieu-tuong-khat-vong-hoa-binh-44f3c12/