Di tích 'khoác áo mới' sau trùng tu, vì đâu?
Trùng tu, tôn tạo di tích khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; phương án trùng tu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật… đây là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều di tích sau trùng tu bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến giá trị của di tích và gây bức xúc trong dư luận đã được các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào cuộc chỉ ra qua kiểm toán.

KTNN chỉ rõ: UBND TP. Hội An cấp phép xây dựng, sửa chữa, tu bổ 284 di tích nhà ở nằm trong khu vực bảo vệ di tích của di sản văn hóa thế giới khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH,TT&DL là không đúng quy định.
Tôn tạo hay xâm hại di tích?
Thời gian qua, câu chuyện tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục “nóng” khi di tích bị xâm hại, tôn tạo không đúng quy định. Mới đây nhất là sự việc cổng Di tích Quốc gia đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (cũ), tỉnh Thái Nguyên bị phá dỡ trong dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Đền Đuổm được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử - thắng cảnh. Lễ hội đền Đuổm cũng được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cổng Di tích Quốc gia đền Đuổm bị phá dỡ, gây bức xúc trong dư luận vừa qua. Ảnh: ST
Đến nay, quần thể di tích lịch sử - thắng cảnh Quốc gia đền Đuổm đã trải qua 9 lần trùng tu. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng, di tích tiếp tục được tu bổ, tôn tạo để xứng tầm với giá trị lịch sử, đáp ứng mong mỏi của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Tuy nhiên, việc phá dỡ hạng mục Nghi môn (cổng) khi dự án chưa được Bộ VH,TT&DL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật là sai quy định, dẫn đến những thông tin tiêu cực về dự án. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) đã vào cuộc, yêu cầu cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương khắc phục, chấn chỉnh sai sót.
Đáng chú ý, trước đền Đuổm, nhiều di tích, thậm chí là di tích quốc gia, hay di tích nằm trong vùng di sản thế giới khi được tu bổ, tôn tạo cũng gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vào năm 2018, từ một công trình được xây dựng từ thế kỷ XVII, với những mảng chạm tuyệt đẹp có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc nhưng đã bị phá đi và thay vào đó là một công trình mới làm thay đổi kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Hay trước đó, việc trùng tu di tích Chùa Cầu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cũ) - di sản văn hóa thế giới cũng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Việc trùng tu di tích Chùa Cầu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam cũ) - di sản văn hóa thế giới từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: N.Lộc
Liên quan đến vấn đề quản lý, bảo tồn di sản, với vai trò là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công và góp phần kiến nghị chấn chỉnh bất cập, kiến nghị chính sách, KTNN đã thực hiện kiểm toán đánh giá vấn đề này, trong đó chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý của địa phương. Điển hình như theo kết quả kiểm toán năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh có một số quy định còn bất cập và chưa phù hợp.
Kết quả kiểm toán chỉ rõ: Các di tích đã xếp hạng hầu hết chưa được kiểm tra, rà soát tình trạng sở hữu và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai; UBND TP. Hội An cấp phép xây dựng, sửa chữa, tu bổ 284 di tích nhà ở nằm trong khu vực bảo vệ di tích của di sản văn hóa thế giới khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH,TT&DL.
Trên cơ sở phát hiện kiểm toán được chỉ ra, KTNN kiến nghị UBND tỉnh nghiêm túc chấn chỉnh vi phạm trong công tác quản lý, bảo tồn di sản, đảm bảo việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản trong thực tiễn.
Thực hiện nghiêm quy định trong quản lý, bảo tồn di tích
Theo Bộ VH,TT&DL, trong những năm qua, Bộ thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Qua kiểm toán đối với công tác quản lý, bảo tồn di tích tại tỉnh Quảng Nam, KTNN cũng chỉ ra tình trạng địa phương đề nghị xếp hạng 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt chưa đúng quy định Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Qua theo dõi thực tế, Bộ VH,TT&DL thấy bên cạnh nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ VH,TT&DL, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Ngoài việc giúp bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, việc tu bổ di tích còn nhằm tạo ra không gian văn hóa, du lịch để thu hút du khách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa
Thông tin về vấn đề này, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, các sự việc xảy ra vừa qua cũng là bài học dành cho các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn di tích. Theo đó, ngoài việc chấp hành nghiêm quy trình, quy định trong công tác bảo tồn đối với di tích, đặc biệt là di tích được UNESCO công nhận và di tích quốc gia, các địa phương quản lý di tích cần công khai rộng rãi về vấn đề tu bổ di tích để người dân cùng rõ.
“Nhiều người dân phản ứng trước sự thay đổi của các di tích lịch sử sau trùng tu là do họ chưa được thông tin một cách kịp thời, đầy đủ về phương án tôn tạo di tích. Văn hóa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; muốn phát triển thì phải dựa vào cộng đồng và di tích chính là ký ức của cộng đồng” - Kiến trúc sư Doãn Minh Khôi (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) nhận định; đồng thời cho rằng, nguồn kinh phí dùng để trùng tu một phần lớn đến từ đóng góp của người dân, nên việc thông tin công khai về vấn đề này phải là yêu cầu bắt buộc thực hiện.
Các chuyên gia cũng cho rằng, qua câu chuyện trùng tu di tích làm thay đổi hiện trạng di tích, có hai vấn đề cần được rút ra và chấn chỉnh nghiêm túc. Thứ nhất, việc trùng tu, tôn tạo di tích cần đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Thứ hai, cần có đánh giá kỹ lưỡng về phương án trùng tu, đảm bảo di tích sau tôn tạo không bị thay đổi hiện trạng.

Việc trùng tu không thể tùy tiện, phải bảo đảm làm sao di tích vừa giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ. Ảnh: N.Lộc
Chuyên gia văn hóa, GS,TS Trần Văn Biền cho rằng, trùng tu di tích văn hóa không giống như xây dựng một ngôi nhà. Sửa chữa điểm xuống cấp, xong không được tạo ấn tượng làm mới tại di tích. Đó là yêu cầu đòi hỏi cơ quan tham gia vào lĩnh vực này phải có chuyên môn sâu, thực sự am hiểu di tích, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình quản lý di tích nói chung, tu bổ, tôn tạo di tích nói riêng. Bởi, ngoài việc giúp bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, việc tu bổ di tích còn nhằm tạo ra không gian văn hóa, du lịch để thu hút du khách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.
Do đó, “việc trùng tu không thể tùy tiện, phải bảo đảm làm sao di tích khắc phục được sự xuống cấp, song vẫn giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ. Điều đó cần sự vào cuộc trách nhiệm, vì văn hóa của các cơ quan chuyên môn” - ông Biền cho biết./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/di-tich-khoac-ao-moi-sau-trung-tu-vi-dau-41689.html