Di tích lịch sử Khu vực gò bà Sáu Ngọc - 'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ
Hàng năm, Di tích lịch sử (DTLS) Khu vực gò bà Sáu Ngọc, ấp Phước Thuận, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh đến viếng, thắp hương tưởng nhớ công ơn của những đảng viên đi trước. Từ đó, góp phần bảo vệ và giữ gìn giá trị lịch sử truyền thống của địa phương - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cần Giuộc vào những tháng đầu năm 1930.
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) với chủ đề: “Tuổi trẻ Long An sắt son niềm tin với Đảng”, hàng trăm ĐVTN, học sinh đến từ các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An rất tự hào khi đặt chân đến DTLS Khu vực gò bà Sáu Ngọc vào buổi chiều với bầu không khí mát mẻ, tràn ngập cây xanh. Tại đây, ĐVTN viếng, thắp hương, cùng nhau nghe và hồi tưởng lại những chiến công oanh liệt của các thế hệ cha ông, những đảng viên xuất sắc đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Sâu thẳm trong trái tim của từng ĐVTN thầm hứa tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cống hiến sức trẻ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Lần đầu đặt chân đến đây, Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh cảm thấy bồi hồi, sâu lắng khi có thêm thông tin về những con người trung kiên, anh dũng, những thế hệ ông cha đã ngã xuống vì hòa bình, vì độc lập hôm nay. “Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về những con người đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là những đảng viên gan dạ, anh dũng: Bùi Bổn Phận, Lê Minh Hào, Trương Văn Do,... có nhiều sáng kiến trong lãnh đạo đấu tranh giành quyền sống thật sự của con người. Qua đây, giúp chúng tôi nêu cao tinh thần, ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trách nhiệm của thanh niên ngày nay phải quyết tâm hơn trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”.
Theo cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Cần Giuộc - Lê Thị Thùy Trang, DTLS có tên gọi là gò bà Sáu Ngọc vì khu vực này vốn là gò đất nằm trong phần đất của bà Trang Thị Ngọc. Trước đây, di tích vốn là 3 gò đất riêng, có các đường hào, mương ngăn cách, sau đó, chủ nhân đã thuê người san lấp các đường hào để thành một gò duy nhất như hiện nay. Đặc biệt, tại đây, Chi bộ Đảng xã Phước Lâm ra đời sớm nhất ở huyện Cần Giuộc và là một trong những chi bộ Đảng ở tỉnh Chợ Lớn xưa và Long An ngày nay. Sự kiện lịch sử này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương thông qua các cuộc nổi dậy đốt phá nhà hội Thuận Thành, cuộc biểu tình ở Gò Đen vào năm 1930. Từ đây, trên con đường đấu tranh của dân, do dân đã có người lãnh đạo.
Năm 1993, DTLS Khu vực gò bà Sáu Ngọc được UBND tỉnh ra quyết định công nhận DTLS cấp tỉnh. Qua nhiều năm sử dụng, di tích bị xuống cấp, năm 2017, UBND huyện Cần Giuộc tổ chức khởi công xây dựng lại với diện tích gần 1.100m2; bia di tích cao 3,5m, rộng 2m; mái ngói; nền lát đá granite,... tổng mức đầu tư trên 630 triệu đồng, từ nguồn vốn ngân sách huyện và vận động xã hội hóa.
Hành trình Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường, về với “địa chỉ đỏ” cách mạng DTLS Khu vực gò bà Sáu Ngọc là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, hoài bão, nâng cao sức cống hiến thế hệ trẻ. Đặc biệt, thông qua chương trình Về nguồn lần này không chỉ giúp ĐVTN tiếp cận thực tế và hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn nâng cao ý thức cho mỗi cán bộ Đoàn, ĐVTN luôn có lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên định vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Đoàn giao phó, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, mãi xứng đáng là con cháu của một dân tộc Việt Nam anh hùng./.