Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận - địa chỉ đỏ về nguồn
Vào những ngày này, Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận tại trung tâm thành phố Tân An (Long An) có rất nhiều du khách, không những ở địa phương mà còn các nơi khác, đến tham quan.
Họ xem đây là những ký ức về ngày tháng hào hùng của ông cha ta - nơi đã tạo tiền đề để Xứ ủy tiến hành tổng khởi nghĩa toàn Nam Kỳ, ghi một dấu son sáng chói trong lịch sử đấu tranh cách mạng.
Nhà Tổng Thận là tư gia của Cai Tổng Trần Khắc Thận, được xây dựng vào năm 1892, hiện tọa lạc tại số 19, đường Ngô Quyền, Phường 1, thành phố Tân An. Ông Trần Khắc Thận quê ở Quảng Nam, theo công giáo di cư vào Cù Lao Giêng (Long Xuyên) vào giữa thế kỷ XIX, rồi về sống ở Tân An và làm chức Cai Tổng Thanh Hội Thượng. Sau đó, Nhà Tổng Thận thuộc sở hữu của chính quyền thuộc Pháp tỉnh Tân An. Từ năm 1941, phát xít Nhật chiếm đóng Nhà Tổng Thận để làm trụ sở Bộ Chỉ huy quân đội Thiên Hoàng ở Tân An.
Cách mạng tháng Tám nổ ra và giành được thắng lợi dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Tân An, chính quyền lâm thời đã trưng dụng Nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Tại đây đã diễn ra phiên họp đầu tiên vào chiều tối 22/8/1945. Tại hội nghị đầu tiên này, Tỉnh ủy lâm thời đã biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bắt tay vào làm việc ngay ngày 2/9/1945, tổ chức mít tinh trọng thể.
Đến nửa đầu tháng 9/1945, tại Nhà Tổng Thận, Tỉnh ủy Tân An triệu tập Hội nghị lần 2, tiến hành hợp nhất các quận ủy, ra quyết định trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9, Tỉnh ủy mở Hội nghị lần thứ ba để chuẩn bị kháng chiến vì nhận định thực dân Pháp sẽ quay trở lại, đồng thời, đây cũng là hội nghị có tính chất chuyển hướng về nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng chính quyền sang tích cực củng cố bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Đầu tháng 10/1945, Tỉnh ủy rút ra khỏi tỉnh lỵ về quận Mộc Hóa.
Sau năm 1975, Nhà Tổng Thận thuộc sự quản lý của UBND thị xã Tân An. Ngày 22/11/1998, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định số 3148/QĐ.UB, xếp hạng Nhà Tổng Thận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2009, Nhà Tổng Thận được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo để phục vụ công tác giáo dục truyền thống và tham quan du lịch của tỉnh.
Hiện nay, di tích Nhà Tổng Thận vẫn mang đặc trưng nét cổ kính, hiền hòa của kiến trúc Pháp sau khi được trùng tu. Bên trong, ngôi nhà được bày trí theo phong cách Việt và thiết kế các mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An, các hình ảnh, hiện vật về lối sống, sinh hoạt của người dân Tân An xưa.
Em Huỳnh Gia Huy (đoàn viên thanh niên Phường 2, thành phố Tân An) bày tỏ cảm xúc: “Khi đến di tích Nhà Tổng Thận, em biết được mồ hôi, nước mắt của cha ông ta đã hy sinh, giành lại mảnh đất quê hương để sau này con cháu có được hòa bình. Em tiếp tục học tập và rèn luyện để tương lai có thể cống hiến cho đất nước”.
Trần Thị Phương Thảo, cán bộ Thành Đoàn Tân An cho rằng, mỗi lần đến tham quan mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy tại Nhà Tổng Thận này, có một điều gì đó khiến em rất tự hào về dân tộc mình. Các chú, các bác đã đổ mồ hôi, xương máu của mình xuống mảnh đất Tân An để có được hòa bình như ngày hôm nay. Em sẽ luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng, trau dồi bản thân nhiều hơn nữa để có thể giúp cho tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Chị Lê Thị Ngọc Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Tân An cho biết, Phòng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các di tích trên địa bàn để người dân nắm, hiểu về lịch sử của các di tích cũng như tìm hiểu về vùng đất Tân An. Qua đó nhận thấy, số lượng đoàn viên, hội viên cũng như người dân biết đến di tích được nhiều hơn. Đặc biệt, các đoàn viên, thanh niên xem như đây là địa chỉ đỏ để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với giá trị lịch sử đặc biệt và kiến trúc đặc trưng, Nhà Tổng Thận được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.