Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc: Bản hùng ca giữa trùng khơi
'Đảo ngọc' Phú Quốc là điểm đến vô cùng hấp dẫn của Việt Nam. Mấy chục năm trước, nơi đây từng là 'địa ngục trần gian' ghi dấu tinh thần kiên trung của những người tù cộng sản, tố cáo tội ác tày trời của đế quốc Mỹ. Đến với Phú Quốc hôm nay, du khách không thể không ghé thăm nơi từng được biết đến với những cái tên ám ảnh một thời: Nhà lao Cây Dừa, Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc..., để hiểu thêm về sự hy sinh của các anh lùng liệt sĩ cho Tổ quốc hôm nay.
“Địa ngục trần gian”
Nằm trên địa bàn thị trấn An Thới (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc được xây dựng trên diện tích 400ha, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt. Xung quanh trại hoàn toàn trống trải, không có dân cư sinh sống nên tạo thành một “vành đai trắng” cách ly với bên ngoài.
Men theo con đường nhỏ dẫn đến cổng trại giam, ngay từ xa, không ít du khách đã rùng mình khi chứng kiến gần chục lớp hàng rào dây thép gai sắc nhọn, đâu đó là những phiên bản lính canh giống như người thật đang cầm súng canh gác, lạnh lùng “nhìn” du khách. Tiếng cửa sắt rít lên những âm thanh nặng nề rồi từ từ mở ra khiến mọi người đều cảm nhận được không khí của nhà tù thực dân, đế quốc khét tiếng tàn bạo trước đây.
Cách không xa cổng chính, du khách được tận mắt trông thấy và nghe kể câu chuyện về những người tù bị tra tấn, nhốt trong những chiếc “chuồng cọp” làm bằng kẽm gai, cao 1m, dài 2m. Ở đây, người tù không thể nằm, đứng, cũng không ngồi bệt được, chỉ cần thay đổi động tác một chút, gai thép sẽ cứa nát da thịt. Gần đó là những công-te-nơ, trên nóc chỉ đục một vài lỗ thủng để thông hơi và đưa thức ăn cho tù nhân. Hàng chục người bị nhốt trong những chiếc thùng này, chen chúc, chật chội bất kể trời mưa như trút hay nắng như đổ lửa.
Trại giam Phú Quốc được xây dựng từ năm 1953 và tồn tại đến khoảng năm 1973. Thời điểm cao nhất có 40.000 tù binh là những chiến sĩ cách mạng kiên trung bị giam giữ và khoảng 4.000 người đã bị giết tại đây. Các tài liệu ghi lại, bọn cai ngục đã tra tấn tù nhân bằng nhiều hình thức vô cùng dã man, tàn bạo như: Nấu người bằng chảo gang, ép ván vỡ lồng ngực, đánh bằng đuôi cá đuối, đục lấy xương bánh chè, đóng đinh vào người, đục và bẻ răng...
Thế nhưng, nhà tù đế quốc đã không thể làm nhụt chí của những người tù yêu nước. Với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, các tù binh đã đấu tranh với chúng bằng nhiều hình thức, phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn… Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục bằng cách đào hầm được những người tù thực hiện chỉ với những dụng cụ hằng ngày như ca cà mèn, thìa, cọc sắt…, trong đó phải kể đến cuộc vượt ngục sau 6 tháng ròng rã đào, hình thành đường hầm dài 120m, rộng 60cm, đưa 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21-1-1969.
Điểm đến không thể bỏ qua
Mặc dù đảm nhận nhiệm vụ thuyết minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Phú Quốc hơn 10 năm qua, nhưng lần nào hướng dẫn viên Lê Thị Giàu cũng nghẹn ngào xúc động khi kể lại những câu chuyện về sự kiên trung, bất khuất của những người tù bị giam tại Nhà lao Cây Dừa. Chị chia sẻ: “Tôi nhớ có lần đang thuyết minh cho một đoàn khách từ Hà Nội, có một chị trong đoàn cứ khóc nức nở. Chị kể, người bị kẻ thù đóng đinh vào người, đục và bẻ răng ấy chính là cha chị - người đã hy sinh khi chị mới 2 tuổi. Hơn 40 tuổi, chị mới có điều kiện đến thăm nơi cha mình đã hy sinh và thắp hương cho ông tại đài tưởng niệm trong khu di tích. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động, bởi chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình là lưu lại những ký ức hào hùng, bi tráng về những người tù cộng sản đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc”.
So với Nhà lao Cây Dừa khi xưa, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc ngày nay có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn nằm trên khu vực chính của nhà lao cũ. Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Quốc cho biết: Để bảo tồn, phát huy tốt giá trị của di tích, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình như: Nhà giam, nhà ăn, nhà bếp và hai nhà canh giữ của giám thị; phục hồi đường ngầm vượt ngục, một đoạn hàng rào kẽm gai, chòi canh, chuồng cọp, đài tưởng niệm ở nghĩa địa tù binh và nhà trưng bày bổ sung di tích… Nhờ vậy, mỗi năm, nơi đây đón hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Những ngày tháng bảy này, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc dường như cũng đông khách hơn, trong số đó không ít người từng là cựu tù về thắp hương cho đồng đội. Ông Đặng Văn Bê (Tiền Giang), một cựu tù cho biết: “Hằng năm, cứ vào dịp tháng bảy này, tôi và một số người bạn đều về đây thắp hương tưởng nhớ các đồng đội của mình. Năm tháng đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa trong chúng tôi không bao giờ phai nhạt. Được sống và chứng kiến sự đổi thay của Phú Quốc như ngày hôm nay, chúng tôi - những người còn sống và có lẽ cả những người đã nằm xuống đều cảm thấy vui mừng, tự hào…”.
Quả thực, trong sự phát triển mạnh mẽ tại “đảo ngọc” Phú Quốc hôm nay, du lịch đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh tiềm năng du lịch biển, những điểm đến như Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ, để bản hùng ca giữa trùng khơi về tinh thần độc lập tự do sẽ tiếp tục vang vọng trong mỗi trái tim người Việt Nam.