Di tích nơi ở và làm việc của Đoàn Thanh niên Cứu quốc

Xóm Cây Quýt (nay là xóm Đầu Cầu), xã Đức Lương (Đại Từ) là nơi ghi dấu một giai đoạn Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam ở và làm việc. Đây đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh không chỉ bởi những đóng góp cho phong trào cách mạng Việt Nam, mà còn chứa đựng giá trị văn hóa và giáo dục cho thế hệ trẻ.

Xây dựng nhà bia ghi dấu Di tích Lịch sử nơi ở và làm việc của Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Xây dựng nhà bia ghi dấu Di tích Lịch sử nơi ở và làm việc của Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Với quyết tâm đánh đuổi phát xít Pháp, Nhật, đòi độc lập, tự do, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và các hội cứu quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Đây là tổ chức thanh niên yêu nước tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các tổ chức thanh niên do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã cùng với các đoàn thể, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ di chuyển từ Hà Nội lên Việt Bắc để kháng chiến, trong số các địa bàn dừng chân ở và làm việc của cơ quan có xã Đức Lương.

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã ở và làm việc tại khu vườn trồng chè nhà ông Lã Công Hòa, xóm Cây Quýt. Cơ quan Đoàn Thanh niên Cứu quốc đến đây gồm có ông: Nguyễn Lam, Nhạc sĩ Phong Nhã và Lưu Hữu Phước... Thời gian cơ quan ở đây khoảng 3 năm (từ cuối năm 1949 đến 1951).

Sau khi Trung ương Đoàn chọn xóm Cây Quýt làm nơi ở và làm việc, nhân dân địa phương giúp dựng lên hội trường 6 mái trên một quả đồi, mái lợp bằng lá cọ, cột bằng gỗ lim to, do những người thợ mộc tại địa phương dựng. Bà Lã Thị Đài, người dân trong xóm kể lại: Ngoài hội trường, còn có lán ngủ, lán ăn và bếp Hoàng Cầm cùng các dụng cụ dùng sinh hoạt hằng ngày của cơ quan cũng được làm từ những nguyên liệu sẵn có trong rừng, như: Lấy cây vầu làm phên đặt làm giường ngủ, mủng đựng cơm... Sở dĩ gọi là bếp Hoàng Cầm bởi lấy chính tên người sáng tạo ra nó, đây là sáng kiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ của anh nuôi quân Hoàng Cầm.

Thời gian ở và làm việc tại đây, Đoàn Thanh niên Cứu quốc đã có nhiều hoạt động tập hợp thanh niên, đóng góp cho cách mạng. Trong đó có sự kiện Đại hội Đoàn Thanh niên toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ngày 7 đến 14-2-1959, tại xóm Tân Lập, dưới chân núi Điệng, xã Văn Cao (nay là xã Phú Xuyên, Đại Từ). Đại hội có khoảng 400 đại biểu từ khắp đất nước về dự. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Lam đã trình bày báo cáo chính trị “Chiến đấu và xây dựng tương lai”. Bản báo cáo đánh giá sự phát triển của Đoàn Thanh niên từ năm 1941-1950, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đoàn nhằm thống nhất lực lượng thanh niên trong cả nước để cùng toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc mau đến thắng lợi. Trong đó, khẳng định, nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đại hội đã bầu ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vùng lên tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc.

Trải qua hơn 30 năm, nơi ở và làm việc của cơ quan Đoàn Trung ương năm xưa nay chỉ còn lại nền nhà và hệ thống giao thông hào. Sau này đã phát hiện 1 con dấu bằng đồng, mầu đen, không có chuôi, đường kính 3,5cm, có mặt dấu, chữ nổi giáp lai. Dấu còn ghi rõ vòng ngoài đề “Đoàn Thanh niên Việt Nam” giữa đề “Chấp ủy tổng đoàn” và hình sao 5 cánh. Con dấu được phát hiện tại gia đình ông Lã Văn Tấn, xóm Đầu Cầu. Năm 2002, con dấu đã được bàn giao về Bảo tàng các Thế hệ trẻ Việt Nam (Nay là Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam). Nhận thức rõ giá trị của Di tích Lịch sử này là nơi ghi dấu một chặng đường lịch sử của Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), những năm qua, xã Đức Lương luôn giữ gìn, bảo vệ, đồng thời thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về Di tích, sự kiện lịch sử này nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống của Đoàn. Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng này.

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dat-va-nguoi-thai-nguyen/di-tich-noi-o-va-lam-viec-cua-doan-thanh-nien-cuu-quoc-277336-40.html