Di tích quốc gia Chúa Nguyễn bị tuyến tránh Quốc lộ 1 xâm lấn

Di tích lịch sử Bãi Trận thuộc quần thể Di tích quốc gia Chúa Nguyễn (1558-1626) bị tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị xây chồng lấn gần hết diện tích.

 Đoạn đường tránh xây chồng lên đất Di tích quốc gia Chúa Nguyễn- Ảnh: Hoàng Táo

Đoạn đường tránh xây chồng lên đất Di tích quốc gia Chúa Nguyễn- Ảnh: Hoàng Táo

Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho hay huyện và các ngành đang tìm giải pháp để khắc phục việc đất Di tích quốc gia Chúa Nguyễn bị công trình giao thông xây dựng chồng lấn. “Huyện sẽ sớm họp các ban, ngành để đưa ra giải pháp tốt nhất”, ông Linh khẳng định.

Vào ngày 7.2.2020, Phòng Văn hóa Thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong, xã Triệu Giang tổ chức kiểm tra tại thực địa Di tích quốc gia Chúa Nguyễn. Tại phiên làm việc, lực lượng chức năng nhận thấy công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị đã xâm phạm nghiêm trọng đến Di tích lịch sử Bãi Trận, thuộc quần thể Di tích quốc gia Chúa Nguyễn.

Cụ thể, di tích Bãi Trận nằm ở thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang, là một trong 10 điểm di tích thành phần của quần thể Di tích Chúa Nguyễn. Di tích Bãi Trận có diện tích 500 m2, là nơi Chúa Nguyễn thao luyện binh lính, rèn vũ khí... Vị trí di tích này nằm về phía bắc của điểm giao giữa Quốc lộ 1 và tuyến tránh Quốc lộ 1. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong, diện tích Bãi Trận bị xâm phạm là 440 m2. Hiện, phần diện tích này đã bị xây dựng đường giao thông, vỉa hè; phần còn lại 60 m2 hiện đang bỏ hoang.

Theo Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Triệu Phong Trần Văn Thi, quần thể Di tích Dinh Chúa Nguyễn Hoàng được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích cấp tỉnh tháng 7.1996. Quần thể Di tích Chúa Nguyễn gồm 10 điểm di tích thành phần, nằm ở các xã Triệu Giang, Triệu Ái và thị trấn Ái Tử của huyện Triệu Phong. Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Ông đã chọn vùng đất này làm doanh trại, là dinh phủ đầu tiên của Chúa Nguyễn.

Vào năm 1996, các địa danh chỉ có trên hồ sơ, thực tế không có tọa độ cũng như cắm mốc. Di tích được phân cấp cho huyện Triệu Phong quản lý nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 5/2018, tỉnh Quảng Trị mới làm hồ sơ đề nghị nâng cấp di tích này lên cấp quốc gia. Lúc này, tỉnh Quảng Trị mới ký xác nhận bản đồ Di tích Chúa Nguyễn, làm rõ tọa độ nhưng vẫn chưa cắm mốc trên thực tế. Tháng 6.2018, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.

Ông Lê Vĩnh Phú, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị, chủ đầu tư) cho biết hạng mục giải phóng mặt bằng của dự án do phía huyện Triệu Phong đảm nhiệm. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Phong thẩm định lần cuối rồi mới trình UBND huyện ra quyết định thu hồi, bồi thường. Ban Quản lý dự án nhận mặt bằng vào tháng 5.2018. Đến tháng 7.2018, dự án khởi công và thi công đến cuối năm 2019 thì hoàn thành. Do đơn vị này không đảm nhận việc đền bù, giải phóng mặt bằng nên hoàn toàn không biết trên nền đường có đất di tích quốc gia.

Ông Thi đánh giá tuyến đường tránh đã xâm phạm nghiêm trọng lên đất di tích quốc gia. Hiện, liền kề điểm di tích này có lô đất gần 1.300 m2 đang bỏ hoang, do UBND xã Triệu Giang quản lý. Ông Thi cho hay đang có tham vấn ý kiến nhiều đơn vị để đề nghị điều chỉnh quy hoạch di tích, đưa thửa đất này vào đất khoanh vùng bảo vệ Di tích Bãi Trận, thay thế cho phần đất đã bị xâm lấn.

Hoàng Táo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=146386