Đi tìm cá tính nghệ thuật Việt
Trong hành trình đi tìm cá tính nghệ thuật Việt, Vũ Hiệp đã phải đối diện với câu hỏi hóc búa: Một nền nghệ thuật được xác định như thế nào?.
Để tìm ra lời giải cho câu hỏi này, ngày 1.3, tại Hà Nội, tác giả Vũ Hiệp đã ra mắt cuốn sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu kết hợp các bộ môn nghệ thuật, các lý thuyết khoa học xã hội với văn hóa dân gian.
Dân tộc Việt Nam mang trong mình những đặc trưng văn hóa nghệ thuật được đặc biệt chú ý bởi các học giả phương Tây. Tiếp nối những nghiên cứu đi trước, trong cuốn sách này, Vũ Hiệp đã khái quát những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật Việt Nam để dựng nên một bức tranh sơ bộ về cá tính Việt Nam qua nghệ thuật.
Theo tác giả Vũ Hiệp, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự khởi sắc rất mạnh mẽ của mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là trong thương mại, những bức tranh Việt Nam liên tiếp lập lên những kỷ lục triệu đô trên những sàn đấu giá nghệ thuật uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, đối lập với những khởi sắc về mặt thị trường, thì những nghiên cứu về lý luận mỹ thuật ở Việt Nam lại gặp vấn đề, khi chưa có một bộ Lịch sử Mỹ thuật nào được biên soạn một cách quy mô, bao quát được toàn bộ mỹ thuật thuật của người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Bên cạnh đó, trong ngành kiến trúc cũng đang diễn ra những vấn đề vô cùng phức tạp, xuất hiện tình trạng không tương xứng giữa lý luận, phê bình nghệ thuật và thực tiễn sinh động. Đây chính là những khoảng trống đòi hỏi cần được lấp đầy.
Trước đó, Vũ Hiệp đã xuất bản bốn cuốn sách: Tinh thần khai phóng của nghệ thuật (2015); Đô thị Việt Nam - góc nhìn từ những nơi chốn (2016); Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (2018) và Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (2019).
Ở công trình Sự kiến tạo các nền nghệ thuật lần này, chúng ta sẽ gặp lại những gì làm nên phong cách viết của tác giả, như: cái nhìn mang tính lịch sử và liên ngành, tiếp cận nghệ thuật trong tính tổng thể; khả năng khái quát và tư duy trừu tượng; sự kết hợp giữa vẻ đẹp và sự tinh tế của ngôn ngữ phê bình và sự khúc chiết của tư duy lý luận; tinh thần khai phóng không bị lệ thuộc vào những định kiến về các nền nghệ thuật và các loại hình nghệ thuật.
Dẫu vậy, trong cuốn sách này, tác giả đang kiến tạo một dự án tham vọng nhất trong những nghiên cứu của ông, đó là tìm kiếm những quy luật khái quát nhất của một nền nghệ thuật mà trong đó, mỹ thuật, kiến trúc chỉ là các bộ phận hài hòa trong một tổng thể. Ông gói gọn những suy tư đó trong một câu hỏi hóc búa “Một nền nghệ thuật được xác định như thế nào?”.
Bên cạnh đó, Vũ Hiệp đã kết hợp tri thức chuyên ngành của mình trong lĩnh vực mỹ thuật và kiến trúc - đô thị với những tri thức đương đại của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, ông cũng xây dựng mô hình kết hợp giữa tri thức phân tâm học cá nhân và cộng đồng, kiến tạo luận về căn tính dân tộc, huyền thoại luận, xã hội học tri thức để xây dựng sơ đồ tam giác với ba khái niệm: Cá tính tập thể, Tự sự cộng đồng và Huyền thoại.
Đánh giá về đóng góp của Vũ Hiệp và tác phẩm, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Tác giả Vũ Hiệp là một người tôi rất trân trọng, có thể nói trước tác của Vũ Hiệp có một điểm mạnh mà từ rất lâu trong giới nghiên cứu phê bình về lĩnh vực thị giác, từ góc độ kiến trúc sư chưa có nhiều.
Vũ Hiệp là người gắn kết liên ngành giữa mỹ thuật và kiến trúc, luôn phát hiện được ra nhiều điểm mới và nghiên cứu của Vũ Hiệp đã tiếp thu những lý luận của nhân học để kiến giải nghệ thuật. Chính vì thế, trong cuốn sách này, tôi thích nhất phần Tự sự cộng đồng, đặc biệt về kiến trúc đình làng với những cách tiếp cận mới rất thú vị mà có lẽ trước đây tôi chưa từng được đọc”.
Theo tác giả, tự sự cộng đồng là cách thức một cộng đồng bày tỏ mình. Có nhiều phương thức khác nhau để "kể" về mình như ngôn ngữ (truyện dân gian, văn học, báo chí, truyền thông), bản đồ (ranh giới quốc gia, vùng miền, địa phương), bảo tàng (cổ vật, hiện vật lịch sử), nhân khẩu (dân tộc, quốc tịch)... và các tác phẩm nghệ thuật.
Tác giả phân tích các kịch bản tự sự cộng đồng ở nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, nhân khẩu, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật hội họa, kiến trúc… của các nước như Nga, Liên Xô (cũ), Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… và đưa ra quan điểm về sự cạnh tranh các nền nghệ thuật.
Bìa cuốn sách Sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật.
Ngoài ra, trong cuốn sách, tác giả còn đặt nền nghệ thuật Việt Nam trong sự so sánh với các nền nghệ thuật khác, định danh về các đặc trưng nghệ thuật của người Việt mà anh gọi đó là cá tính tập thể về nghệ thuật của người Việt là: Lai (tính chiết trung, lai ghép), tùy (tính linh hoạt, tùy biến), hòa (tính hài hòa)... Từ đó, anh đề xuất nghệ thuật Việt Nam nên kiến tạo theo hướng giữ gìn bản sắc vốn có thay vì theo đuổi xu hướng nghệ thuật tân thời nào đó.
Tác giả Vũ Hiệp nhận định: “Nghệ thuật phải tự tìm cho mình một đường quyền, xuất phát từ chính tự sự cộng đồng, định vị, kiến tạo cá nhân trong không gian tương tác với cộng đồng khác”.
Thực tế xã hội ngày nay, trong đó có nhu cầu xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc đòi hỏi công tác nghiên cứu kiến trúc không thể đứng riêng một mình mà phải có sự liên ngành với khoa học xã hội – nhân văn và các môn nghệ thuật khác. Cuốn sách Sự kiến tạo các nền nghệ thuật đã chứng minh hướng tiếp cận này phù hợp và có nhiều “dư địa” để tiếp tục phát triển.
Bài và ảnh: Mộc Trà
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/di-tim-ca-tinh-nghe-thuat-viet-38570.html