Đi tìm chất lượng nguồn nhân lực
Sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giờ đây người lao động lại gặp thách thức lớn trước việc tái cấu trúc và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trước sự chuyển dịch mạnh mẽ này, vấn đề đặt ra là người lao động chủ động thích nghi hay phải chịu cảnh thất nghiệp?
Tăng hiệu suất công việc nhờ số hóa
Nhờ chuyển đổi số tối ưu hóa công việc thông qua số hóa dữ liệu, Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh đã tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian làm việc. Chia sẻ về quá trình áp dụng số hóa trong quản trị doanh nghiệp (DN), bà Lê Thị Bích Lan - Giám đốc tài chính Công ty cổ phần bánh kẹo Bảo Minh cho biết, mặc dù doanh số cũng như sản lượng tăng trưởng hàng năm và khối lượng công việc tăng lên, tuy nhiên công ty không phải sử dụng thêm nhiều nhân công và không cần tăng thời gian làm việc. Chỉ cần 1 người cập nhật dữ liệu và dữ liệu đấy được truyền dẫn đồng nhất trên toàn hệ thống, tiết kiệm rất nhiều thủ tục, giấy tờ cho đơn vị.
Tương tự chia sẻ về hành trình và những chuyển biến từ khi chuyển đổi số tại sự kiện AWS Cloud Day mới đây, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thông tin, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ năm 2015 đến năm 2018 của DN chỉ khoảng 8-10%. Thế những sau khi thực hiện chuyển đổi số, đến năm 2022, Rạng Đông đã có mức tăng trưởng gấp đôi là 21%. Và dự kiến mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 sẽ lập mốc mới, với tốc độ tăng trưởng 25-30%. Đáng chú ý, không chỉ tạo đà tăng trưởng mới, chuyển đổi số đã giúp DN nâng cao khả năng tự động hóa, năng suất lao động, rút ngắn thời gian điều hành, đưa sản phẩm từ khâu sản xuất ra thị trường.
Theo một cuộc khảo sát về chuyển đổi số được thực hiện bởi Tập đoàn dịch vụ tài chính DBS, tỷ lệ các công ty của Việt Nam áp dụng chiến lược tiếp cận để số hóa trải nghiệm và mức độ tương tác của khách hàng đang cao hơn mức trung bình toàn cầu. Báo cáo của DBS cho biết, 63% các công ty Việt Nam hài lòng với việc chuyển đổi số đang giúp họ đạt được lợi nhuận về mặt tổng thể. 61% công ty đã cải thiện hiểu biết về khách hàng nhờ chuyển đổi số, 57% nói nhờ chuyển đổi số, họ đã gia tăng được năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đáng chú ý, hơn một nửa DN tham gia khảo sát (56%) chia sẻ, họ đã và đang sử dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ và tương tác khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Thị trường lao động vẫn chưa sáng
Chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động, việc làm. Đã có nhiều dự báo về việc chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm, đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội, DN phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Hiện nay trước bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lạm phát thị trường lao động càng bị tác động rõ nét hơn.
Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng những tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đơn hàng các DN bị sụt giảm. Sang năm 2023, tình hình chưa khả quan hơn, vì vậy thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. NLĐ có thể rơi vào tình trạng mất việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm.
Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% năm 2022. Tại Việt Nam, những tháng đầu năm 2023, số DN gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là hơn 8.600 DN (chiếm 1% tổng số DN), trong đó, 27,4% là DN có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% DN ngoài nhà nước; 0,39% DN nhà nước.
Nhóm lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng lớn nhất với hơn 68.700 người; da giày 31.653 người; sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử 45.075 người. Ngoài ra, có hơn 17.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng). Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng), trong đó nhiều nhất là lao động ngành dệt may là 3.826 người.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cuối tháng 4/2023 với hơn 9.500 DN cũng dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.
Theo các chuyên gia, sở dĩ 5 tháng đầu năm số lao động thất nghiệp, giảm giờ làm gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do lạm phát các DN thiếu đơn hàng. Nhiều DN đã áp dụng số hóa trong sản xuất do đó đã giảm đáng kể nguồn nhân lực. Thực tế những kết quả khảo sát gần đây cũng cho thấy, tại các DN thì việc cắt giảm lao động không hẳn là do thiếu hụt đơn hàng mà vấn đề cốt lõi là DN đang tái cấu trúc, thay dây chuyền sản xuất cũ bằng công nghệ mới. Trong khi, NLĐ phổ thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh mới. Điều này dẫn đến lao động phổ thông hiện nay rất khó tìm việc, bởi hiệu quả sản xuất thấp, độ chính xác không cao.
Báo cáo của Tổ chức ILO cũng cho biết, trong số lao động thất nghiệp những tháng đầu năm 2023 thì nhóm lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) bị thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%.
Băn khoăn chất lượng nguồn nhân lực
Bao giờ chất lượng nguồn nhân lực tiệm cận được với các nước trong khu vực? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đề cập về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đã thẳng thắn cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của ta vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt mức thấp - 26,4%. “Với kết quả này, đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?” - bà Hà băn khoăn.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện không mới. Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 vừa công bố cho thấy những con số đáng phải suy ngẫm. Theo báo cáo, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là mức chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Khu vực FDI có năng suất lao động cao thứ 2 trong 3 khu vực kinh tế nhưng tốc độ tăng năng suất lao động khu vực này luôn thấp nhất trong các loại hình kinh tế.
Cũng theo báo cáo, khoảng 46% số lao động trong các DN FDI đang làm các công việc kỹ năng giản đơn; tỷ lệ này đặc biệt cao trong các ngành lắp ráp ô tô, xe máy, may mặc và điện tử. Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và thấp. Chỉ 5% số NLĐ có đủ trình độ tiếng Anh phục vụ công việc và chỉ có 11,67% số NLĐ có tay nghề kỹ năng, chuyên môn cao. Điều này đặt ra thách thức lớn cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, tăng năng suất lao động và tạo động lực phát triển kinh tế.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Việc làm, năm 2023, nhiều lao động có thể rời bỏ thị trường, việc tái cấu trúc thị trường lao động sẽ là thách thức khi khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của NLĐ hiện nay còn yếu, thông tin thị trường lao động cũng hạn chế, trình độ kỹ năng của NLĐ chưa đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm. Những yếu tố này có thể tiếp tục dẫn đến tình trạng mất cân đối lao động giữa các ngành nghề, địa phương và giữa các trình độ đào tạo. Vì vậy, cần theo dõi nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn để thực hiện tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm, kết nối cung cầu cho những người mất việc chuyển đổi công việc; đồng thời, cần đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo trình độ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của DN.
Nhìn nhận về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.
Thay đổi để thích nghi
Có một thực tế không thể phủ nhận đó là chuyển đổi số tạo ra hàng loạt việc làm mà trước đây chưa hề có. Các mảng như làm đẹp hay nấu ăn đều được ghi nhận, theo dõi thông tin bằng ứng dụng của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để từ đó đưa ra những mô hình tối ưu nhất. Song cũng có nhiều phần việc khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết giảm sức lao động của con người.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), mặc dù chúng ta đã có những chuyển biến trong đào tạo đặc biệt là lao động trẻ đã tiếp cận với công nghệ mới nhưng để đáp ứng với nhu cầu của DN vẫn còn khoảng cách khá xa. Nhiều DN chia sẻ chúng ta có “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự “vàng”, phần lớn DN khi tuyển dụng nhân lực thường phải đào tạo lại lao động. Điều này cho thấy khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu DN khá xa.
Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số, NLĐ phải nỗ lực tự đào tạo hơn nữa. Nói một cách khác, NLĐ cần chủ động thích nghi chứ không thể cứ khoanh tay đứng nhìn. Một khi xác định rõ tâm thế, sự chủ động thì NLĐ sẽ chủ động nâng cao trình độ chuyên môn hoặc liên kết đào tạo nghề. Việc tự đào tạo hay đề xuất để được đào tạo giúp NLĐ vừa thích ứng nhanh với tình hình thay đổi của thời đại, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vị thế. Đây là điều bắt buộc để tránh tình trạng thất nghiệp.
Theo ông Phạm Minh Huân - chuyên gia lĩnh vực lao động, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học - công nghệ. Vì vậy, giải bài toán về tăng năng suất lao động cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá. Trong đó, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách của nhà nước hướng đến tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các DN; chính sách phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong DN; tháo gỡ rào cản tài chính đối với DN; xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng thu nhập cho chính người lao động.
Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số, NLĐ phải tự đào tạo và được đào tạo. Nói một cách khác, NLĐ cần chủ động thích nghi chứ không thể cứ khoanh tay đứng nhìn. Một khi xác định rõ tâm thế, sự chủ động thì NLĐ sẽ chủ động đi học để nâng cao trình độ chuyên môn hoặc liên kết đào tạo nghề. Việc tự đào tạo hay đề xuất để được đào tạo, NLĐ vừa thích ứng nhanh với tình hình thay đổi của thời đại, vừa góp phần nâng cao thu nhập. Đây là điều bắt buộc để tránh khỏi bị thất nghiệp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/di-tim-chat-luong-nguon-nhan-luc-5721337.html