Đi tìm cuộc đời bị 'đánh cắp'

Qua 'Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi', sử gia người Pháp Ivan Jablonka đã khắc họa lại khoảng thời gian đau buồn của những người Do Thái gốc Ba Lan, từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

Dùng nghiên cứu xã hội học để viết về hai con người chưa từng gặp

Chủ đề thân phận con người trong hai cuộc đại chiến thế giới là không hề hiếm, nhưng đứng dưới góc độ của một nhà sử học tìm về dòng họ của gia đình mình thì không quá nhiều. Trong tác phẩm này, Jablonka đã dùng nghiên cứu xã hội học, kết hợp với góc nhìn văn chương, từ đó kể lại câu chuyện cá nhân nhưng cũng phổ quát về những người Do Thái gốc Ba Lan đã phải chịu đựng rất nhiều bất công.

Sử gia, tác giả người Pháp Ivan Jablonka. Ảnh: Le Temps

Sử gia, tác giả người Pháp Ivan Jablonka. Ảnh: Le Temps

Điều đáng chú ý là Jablonka có nhiều vai trò: vừa đứng về phía chủ quan khi đó là ông bà mình, nhưng cũng ở một vị thế gần như khách quan, khi ông và cả cha mình không biết chút gì về gia tộc ấy. Có thể nói đây là cuộc tìm kiếm những người vừa quen vừa lạ, vừa là người thân nhưng cũng đồng thời là những bóng ma không thể xác định của dòng lịch sử.

Như tác giả chia sẻ, ý tưởng lấy ông bà nội làm đối tượng nghiên cứu đã manh nha trong bản thân mình từ năm 2007. Khi đó ông cũng có những hình dung về hình thức của nó, rằng đây sẽ là một cuốn tiểu thuyết về hai con người mình chưa từng gặp, hay nói đúng hơn là một cuốn sách lịch sử về cuộc đời họ, thông qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Đó là tài liệu lưu trữ, những cuộc phỏng vấn, việc đọc tư liệu, hành động tưởng tượng đặt vào bối cảnh và tư duy với góc nhìn xã hội học, từ đó góp phần hiểu rõ những gì đã qua. Ông đã khám phá gần 20 kho lưu trữ, đi khắp Ba Lan, Israel, Argentina và Mĩ, cũng như tìm kiếm tư liệu từ các niên bạ, danh sách của tòa thị chính, các trang thông tin trực tuyến, tòa án hòa giải… để không tìm cách tỏ ra khách quan, mà là phản ánh một cách trung thực sự thật lịch sử.

Có hình thức rất gần với các tác phẩm bán tự truyện khác như Người đến từ Mariupol (Natascha Wodin), Nhịp thở chao nghiêng (Herta Muller), Khách sạn Metropol (Eugen Ruge)… thế nhưng Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi không chỉ là việc sử dụng ký ức cá nhân, mà còn là việc lật lại lịch sử, với những nghiên cứu xã hội học. Nếu như Wodin và Ruge viết các tác phẩm dựa trên ký ức với cha mẹ mình, Muller tìm kiếm điều ấy thông qua một người cùng làng… thì Jablonka chỉ có thể biết qua những tư liệu, vì ông bà ông gần như không hề tồn tại, không cả ký ức và các giấy tờ, trước khi sử gia này bắt đầu tìm kiếm.

Từ đó cuộc đời của Matès và Idesa Jablonka dần dần bắt đầu, từ khi họ được sinh ra tại một ngôi làng ở Ba Lan vào đầu thế kỷ 20 đến khi bị giết hại ở trại Auschwitz vào năm 1943. Trong quãng đời đó, những sự kiện lớn cũng được tái hiện, như việc sống trong một nước Ba Lan bài Do Thái, thời gian hoạt động Cách Mạng, di cư đến Pháp, tham chiến vào quân đội Pháp và rồi lần nữa sẽ bị bỏ rơi… Để rồi trong suốt quảng thời gian ấy, ta sẽ thấy họ - những người Do Thái - luôn phải chịu đựng những sự bất công, bứt họ ra khỏi gốc rễ gia đình cũng như chịu cảnh phân tán, chia ly và đau đớn nhất chính là cái chết.

Matès Jablonka, em gái và anh trai của ông. Ảnh từ kho lưu trữ của gia đình tác giả Ivan Jablonka

Matès Jablonka, em gái và anh trai của ông. Ảnh từ kho lưu trữ của gia đình tác giả Ivan Jablonka

TS. Văn học Pháp - Trần Lê Bảo Chân và cũng đồng thời là dịch giả của tác phẩm này, cho biết: “Cuốn sách được chia sẻ theo hướng tiếp cận liên ngành, sử dụng thao tác của những ngành khoa học xã hội nhân văn và lịch sử. Jablonka đã làm nên cuộc cách tân trong lĩnh vực khoa học xã hội, khi đi tìm lai nguyên, xuất thân của mình. Cuốn sách viết nên bởi nguồn sử liệu chính thống và thông qua những người cùng thời với ông bà ông để tìm hiểu đầy đủ nhất thông tin liên quan tới họ...”. Vì vậy có thể coi đây là một tác phẩm nghiên cứu lịch sử thông qua số phận của một gia tộc, nhưng cũng đồng thời là câu chuyện riêng của một người cháu viết về ông bà, dưới những tư liệu mà mình tìm được.

Từ những điều trên có thể thấy rằng cuốn sách được viết cân bằng giữa sự thôi thúc tìm về nguồn cội, nhưng cũng đồng thời là việc nghiên cứu của một sử gia cũng như học giả, người thêm lần nữa khuấy động quá khứ. Xuyên suốt cuốn sách, Jablonka hiếm khi cho trí tưởng tượng điều khiển câu chuyện, ngay cả khi nó có đầy khoảng trống chưa được lấp đầy. Chỉ đến gần cuối thì sự cân bằng mới được phá vỡ, nhưng đó là một hư cấu gần như hợp lý, về cái cáo chung của rất nhiều người từng đeo trên ngực một ngôi sao vàng.

Tính hư cấu

Rõ ràng không phải tất cả chi tiết đều được Jablonka khẳng định một cách chắc chắn qua những tư liệu. Dù đã đi đến rất nhiều quốc gia và các kho lưu trữ khổng lồ, nhưng với họ nội có phần phổ biến và một thực tế họ cũng bình thường như vô số người khác, thì chính tác giả cũng không ít lần phải đặt mình giữa rất nhiều giả thuyết.

Chẳng khi trong việc nghi ngờ khi di cư đến Pháp, với tình thế bấp bênh của người nhập cư trái phép, ông đã bối rối trong việc tìm ra câu trả lời cho việc liệu một người cộng sản như ông nội Matès có tiếp tục tham gia đấu tranh ở một nước tư sản như Pháp hay không. Vì xét về mặt bối cảnh, việc hoạt động trong một đảng phái không có được sức ảnh hưởng là mối đe dọa cho những người “không được thừa nhận” như ông. Nhưng xét về mặt tính cách, Mates tỏ ra không phải là người dễ bị gục ngã hay là thay đổi niềm tin của mình.

Vì vậy Jablonka đã tiếp cận với những người ở trong một bối cảnh chung, nhờ họ tưởng tượng về những khoảng trống để chính từ đó ông được lấp đầy ký ức của bản thân mình. Ngoài ra đó còn là những cuốn sách của các tác giả Do Thái, là những tấm ảnh của những nghệ sĩ độc lập…

Bìa sách Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi. Ảnh: NXB Trẻ

Đây dẫu hoàn toàn là những suy tư chủ quan, nhưng nó có được yếu tố khách quan bởi sự tương đồng về mặt bối cảnh chính trị và tình cảnh chung của một bộ phận những người chịu chung số phận. Đây là mảnh ghép thứ hai – thiên về hư cấu so với mảnh ghép trước nhất, là những tài liệu vẫn còn lưu trữ về ông bà mình, dẫu cho đó là biên bản của cảnh sát ngầm, các tờ khai danh tính hay bất cứ tấm hình nào vẫn còn sót lại.

Cho đến cuối cùng, điều Jablonka và cha của ông đã tìm thấy được đó là lý do vì sao cha ông trở thành một trẻ mồ côi. Việc đi tìm cuộc đời bị đánh cắp ấy không phải không có ý nghĩa. Đó như một lời giải đáp cho những chia cắt cũng như tội ác mà chiến tranh và chủ nghĩa diệt chủng đã làm dày thêm. Đó là câu chuyện về sự hy sinh vào tháng 3.1943, khi ông bà nội bỏ lại hai con của mình để tránh cho chúng sẽ phải vào phòng hơi ngạt và đến cái chết tương tự như mình.

Đó là lý do vì sao cha ông đã phải đi qua hết gia đình bảo trợ này đến gia đình bảo trợ khác. Và quan trọng hơn nó cũng giải thích lý do vì sao bà nội Idesa tự khai báo mình thuộc mục “M.0.E.” (đã kết hôn và không có con) trong các cuộc thẩm vấn. Đó bởi vì niềm hy vọng sẽ cứu được hai đứa con vẫn đang trốn cùng những người hàng xóm. Đó như bản án bí mật mà suốt đời mình ông tưởng như là vết thương rỉ máu, thế nhưng đó cũng lại là phép màu, khi mẹ ông đã bỏ rơi ông để ông có được cơ hội sống sót, với tình yêu mãnh liệt trong sự vứt bỏ cũng như phủ nhận.

Hình ảnh hồ sơ cảnh sát của bà Idesa Feder - bà nội của tác giả Ivan Jablonka vào tháng 6 năm 1938. Ảnh từ kho lưu trữ của gia đình tác giả Ivan Jablonka.

Hình ảnh hồ sơ cảnh sát của bà Idesa Feder - bà nội của tác giả Ivan Jablonka vào tháng 6 năm 1938. Ảnh từ kho lưu trữ của gia đình tác giả Ivan Jablonka.

Không chỉ trong riêng điều này, Jablonka còn lần theo câu chuyện ấy để cố tạo ra bức tranh tổng quát về người Do Thái gốc Ba Lan đã làm cách nào có thể sống sót, tham chiến ra sao trong ngày chiến tranh, và rồi cuối cùng là những ngày cuối, trên con tàu chở đầy tù nhân đến trại tập trung, người đã ra sức đào lấy hàng trăm cái hố để thiêu những xác cháy rụi trước khi mình cũng nằm xuống. Từ những tưởng tượng ngầm được thừa nhận trong văn chương Nazi nói chung, Jablonka đã lấp đầy được rất nhiều khuyết thiếu trong kết cục bi thảm của ông bà mình, từ đó viết ra một thứ cáo chung cho những thân phận đã bị chìm khuất trong dòng lịch sử.

Tính cho đến năm 2022, Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi đã bán được hơn 30.000 bản, nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Prix du Sénat du Livre d'histoire (giải Thượng viện dành cho sách lịch sử), Prix Guizot de l'Académie française (giải Guizot của Viện hàn lâm Pháp), Prix Augustin Thierry des Rendez-vous de l'Histoire (giải Augustin Thierry nghiên cứu sử học). Qua tác phẩm này, Ivan Jablonka đã mang đến được cuộc cách tân mới, khi đã đập tan những sự nghi ngại trong việc kết hợp giữa tính khoa học, sự chính xác... với hư cấu, nghệ thuật kể chuyện... từ đó tạo ra một bức tranh chung cho những con người không có tiếng nói.

Họ là nạn nhân trong Thế chiến thứ hai, họ là những người tị nạn ở Paris, họ là những người Do Thái gốc Ba Lan bị đàn áp một cũng man dã… thế nhưng cuối cùng gần như đã bị lãng quên, mà như Jablonka nói “Rất nhiều người chết nhưng rất ít bia mộ”. Công việc của ông rất đáng ghi nhận, từ đó mở ra một lối viết mới cho nhiều đối tượng ở nhiều quốc gia mà cuộc đời họ cũng bị khuyết thiếu, kêu gọi một sự lấp đầy và được ghi nhớ.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/di-tim-cuoc-doi-bi-danh-cap-41330.html