'Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi' tái hiện lịch sử của một gia đình

Được sáng tác năm 2012, Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi là một nỗ lực của Ivan Jablonka nhằm tái hiện lại một trang đã mất trong lịch sử gia đình, gắn liền với cuộc đời và cái chết của ông bà ông - được chính tác giả gọi bằng cái tên 'hai người Do Thái vô danh'.

Ông Matès và bà Idesa Jablonka - hai nhân vật nằm ở trung tâm của Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi - là những người Do Thái Cộng sản. Cuộc đời họ là chuỗi ngày sống ẩn dật, lang bạt từ Ba Lan tới Pháp, Đức dưới sự lùng bắt ráo riết của Quốc xã.

Họ là hai trong số khoảng 1,1 triệu người Do Thái đã bị thảm sát trong các phòng hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz. Ông và bà Jablonka chỉ là những người Do Thái gần như vô danh, và khi cuộc đời ngắn ngủi bị tước đoạt, chẳng để lại gì trên hậu thế ngoài hai đứa con thơ dại, xấp thư cái còn cái mất, một cuốn hộ chiếu và những mẩu chuyện vụn vặt mong manh như tro tàn.

Thế nhưng chỉ cần chừng ấy manh mối là đủ để cháu trai họ bắt đầu một cuộc kiếm tìm ngược dòng lịch sử, vắt qua nhiều quốc gia và huy động sự giúp sức của hàng trăm con người sống trên ba lục địa. Nhân vật cháu trai ấy chính là tác giả Ivan Jablonka, người đàn ông từ thuở tấm bé đã nhận ra “gia đình tôi là một gia đình mồ côi” và đau đáu nỗi niềm tìm kiếm và phục chế những trang sử gia đình đã bị Thế Chiến II và nạn diệt chủng Do Thái tiêu hủy.

Trên phông nền lịch sử ấy, câu chuyện của ông bà Jablonka là câu chuyện của những con người một thời đại, những con người nhỏ nhoi, vô danh, bị cuốn vào trong vòng xoáy khốc liệt của lịch sử thế kỷ, nhưng lịch sử được tạo nên bởi chính những số phận như thế.

Ivan Jablonka đặt bút viết từ hai góc nhìn: của một sử gia kiêm nhà văn và của một đứa cháu trai tìm lại những di sản của gia đình. Phần lớn thời gian, hai con người ấy tách biệt, nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc nghẹn ngào, họ hợp lại thành một - người cháu trai buộc lòng chấp nhận có những lỗ hổng ký ức biến mất theo thời gian khiến quá khứ vĩnh viễn bị vùi lấp. Và kéo theo đó, là những khoảng trống trong tim mãi mãi không thể lấp đầy.

Jablonka đã dành 5 năm để điều tra, truy vết, nhặt nhạnh từng mảnh thông tin dù mong manh và vụn vặt tới đâu về ông bà mình đang nằm rải rác trong các kho lưu trữ tại Pháp, tại Ba Lan và trong trí nhớ của những người sống cùng thời với họ để viết cuốn sách này. Nhưng để nói đã mất bao nhiêu thời gian cho cuộc kiếm tìm cuộc đời của ông bà mình, thì Ivan Jablonka đã nghiêm túc dành cả cuộc đời. “Sở dĩ về sau tôi đã trở thành sử gia hẳn là vì muốn hiểu rõ hơn câu chuyện của ông nội trong cuộc đời của chúng tôi” – Ivan Jablonka viết trong phần lời tựa cho ấn bản mới của tác phẩm.

Tác giả Ivan Jablonka là một sử gia và tác giả người Pháp. Ông giảng dạy lịch sử tại trường Đại học Paris-XIII-Nord. Năm 2020, Janblonka là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New York. Bên cạnh sự nghiệp đồ sộ trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Ivan Jablonka cũng là một cây bút tiêu biểu của văn chương đương đại Pháp. Các sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy tính thuyết phục giữa văn chương và các ngành khoa học xã hội như sử học, xã hội học và nhân loại học.

Các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Ivan Jablonka phải kể đến cuốn sách lịch sử Đứa trẻ của Diệt chủng Do Thái; Lịch sử là văn chương đương đại; tiểu thuyết Laëtitia hay là sự cáo chung của đàn ông; Những chuyến xe trại hè; cuốn sách nghiên cứu Những người đàn ông chuẩn mực. Từ hệ thống phụ quyền hướng đến những hình mẫu mới về nam giới.… Trong những năm qua, các tác phẩm của Ivan Jablonka đã được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

Năm 2012, cuốn Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi đã giúp Ivan Jablonka giành nhiều giải thưởng quan trọng: Le Prix de Sénat cho sách lịch sử, Giải Guizot do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng, Giải thưởng Augustin-Thierry trong khuôn khổ sự kiện Rendez-vous de l'Histoire.

Sách được chuyển ngữ bởi dịch giả Bảo Chân. NXB Trẻ ấn hành.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/di-tim-cuoc-doi-bi-danh-cap-cua-ong-ba-toi-tai-hien-lich-su-cua-mot-gia-dinh-post540364.antd