Đi tìm diện mạo du lịch an toàn
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh thì tại Việt Nam, việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại, cho dù biết rằng đang rất khó khăn. Việc tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp cho điểm đến du lịch an toàn sẽ giúp cho ngành du lịch dần phục hồi và phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới.
Du khách quan tâm nhiều đến độ an toàn khi di du lịch hơn giá cả
Để thu hút khách du lịch quốc tế một cách bền vững, trước hết cần phải đưa ra được tiêu chí thế nào là các địa điểm du lịch an toàn, và sau đó là việc tự nguyện tuân thủ của các tổ chức, DN để hình thành một mục tiêu chung về cung cấp dịch vụ du lịch an toàn. Đây cũng là chia sẻ của các nhà quản lý, chuyên gia, DN trong lĩnh vực du lịch tại chuỗi hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” tại TP. Hồ Hồ Chí Minh ngày 23/10 và sẽ tiếp tục được tổ chức tại Quảng Nam (29/10), Cần Thơ (6/11), Hà Nội (15/11) nhằm tìm ra các giải pháp, sáng kiến có thể ứng dụng vào thực tế nhằm phát triển các điểm du lịch an toàn trên khắp cả nước.
Ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty Outbox Consulting - cho biết: Hiện tại, theo kết quả kháo sát mới nhất của Outbox Consulting, phần lớn du khách cho rằng, lo lắng nhất khi chọn điểm lưu trú là yếu tố vệ sinh, an toàn, chiếm 92% số lượng du khách được Outbox Consulting khảo sát. Kế tiếp, 83% du khách cho biết sẽ không đi du lịch nếu họ bị tiến hành cách ly tại điểm đến; 83% du khách cho rằng, cách ly có rủi ro ngang bằng với việc nhiễm virus gây Covid-19; 79% du khách cho rằng, việc công khai và làm theo tiêu chuẩn an toàn của Chính phủ là điều quan trọng.
Cũng trong bối cảnh hiện nay, tâm lý của du khách đang thay đổi, giá cả không còn quan tâm nữa mà ưu tiên nhất vẫn là tiêu chí an toàn. Ngoài ra, những lo lắng cốt lõi hiện nay của du khách khi đi du lịch vẫn là nhiễm bệnh và bị cách ly, vậy làm sao để giảm thiểu sự lo lắng của du khách là điều quan trọng, nhưng làm cách nào vẫn là câu hỏi lớn cho các tổ chức, đơn vị, DN trong ngành.
Cần nhanh chóng có bộ tiêu chí du lịch an toàn
Khuyến nghị việc phải cho ra đời nhanh Bộ tiêu chí an toàn, ông Đặng Mạnh Phước cho biết thêm, bộ tiêu chí cần có 4 mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Trong đó, thứ nhất là hỗ trợ, giúp đỡ các DN và nhân lực trong ngành du lịch triển khai thuận lợi các quy định, quy chế về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình kinh doanh. Kế đến cần bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Tạo sự tin tưởng cho du khách về các tiêu chuẩn an toàn. Và cuối cùng là chủ động giúp du khách tiếp cận những trải nghiệm mới khi đi du lịch tại điểm đến mới.
Ngoài ra, Bộ tiêu chí này cần có những đặc tính cơ bản bao gồm nâng cao sự tự tin cho du khách, DN và nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tiếp đó là kết quả của sự hợp tác liên ngành, thống nhất ở cấp độ quốc gia, được thể hiện dưới hình thức chứng nhận. Ngoài ra, tiêu chuẩn quy trình áp dụng được thiết kế riêng cho từng loại hình dịch vụ, đảm bảo tính thống nhất cho mọi đối tượng khác nhau.
Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holdings - chia sẻ, du lịch an toàn như một cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam, từ năm 2021. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh thì tại Việt Nam, việc khống chế dịch bệnh đang tiến triển tốt. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng khi quay trở lại, cho dù biết rằng đang rất khó khăn.
Để xây dựng được điểm đến du lịch an toàn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cần làm một quy trình chuẩn, lựa chọn một vài thị trường quốc tế thí điểm. Và đến giữa năm 2021 Việt Nam sẽ đón nhiều du khách hơn nếu có quy trình rõ ràng và mọi người cùng tuân thủ, thực hiện - ông Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng lữ hành - Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây cũng đã đưa ra nhiều phương án trong đó có đưa ra nhiều điểm đến an toàn để du khách lựa chọn. Trước hết, triển khai các bộ tiêu chí an toàn để triển khai đến các cơ sở du lịch để tạo tâm lý an toàn cho du khách khi tham quan. Sau đó, đẩy mạnh truyền thông cho du khách và người tiêu dùng biết, đây là điều quan trọng để hướng đến việc tiếp đón khách quốc tế trong thời gian tới. Các tỉnh thành cũng cần có sự liên kết để thống nhất được bộ tiêu chí an toàn và đẩy mạnh kích cầu du lịch. Ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể như xây dựng ứng dụng du lịch an toàn để có cơ sở chủ động kiểm soát tiêu chí đặt ra một cách hiệu quả.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-tim-dien-mao-du-lich-an-toan-146086.html