Đi tìm dòng nước Sung Đinh
Người dân TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đã quen thuộc với lời xướng của phát thanh viên Đài Truyền thanh TP. Sóc Trăng trên nền nhạc bài hát Sóc Trăng thân thương của cố nhạc sĩ Quách Trung Tín vào mỗi buổi sáng, mở đầu cho một ngày mới tràn đầy hứng khởi. Theo đó, tôi thật sự ấn tượng với câu hát 'kia dòng nước Sung Đinh chảy về Chông Chác; nước quanh năm nuôi lúa ấp dòng...'. Từ câu hát đó, tôi quyết định đi tìm dòng nước Sung Đinh để tận mục sở thị và tìm lời giải cho câu hỏi tên Sung Đinh có từ khi nào.
Chuyến hành trình bắt đầu trên con đò đưa rước khách qua sông tại ngã tư Sung Đinh, Phường 4, TP. Sóc Trăng. Đứng trên chuyến đò ra đến giữa dòng cảm nhận cảnh trời mây bát ngát, ngắm hàng thủy liễu rùng mình theo gió, dòng nước lững lờ trôi về tứ hướng theo 4 nhánh sông, ngửa mặt lên trời hứng lấy từng giọt nước bắn tung tóe theo từng tiếng máy nổ, cho nước ngấm vào da thịt, không khí đặc sệt hơi nước mà sảng khoái vô vàn rồi buột miệng kêu lớn “Sung Đinh đây rồi” sau một tràng cười. Anh lái đò giật mình với hành động kỳ quặc của khách sang sông nên không kịp phản ứng, chỉ biết ngơ ngác nhìn. Sau một hồi trao đổi, anh cũng hiểu ra cớ sự và chỉ đường cho tôi tìm gặp những người cố cựu nơi đây để tìm thêm tư liệu trả lời cho câu hỏi cái tên Sung Đinh có từ khi nào. “Bản thân tôi cũng không rành lắm về cái tên Sung Đinh, mấy ông bà già ở đây chắc rành hơn” - anh lái đò thông tin.
Nhìn ngã tư Sung Đinh khá rộng với con nước ròng cuồn cuộn chảy, tôi chợt bồi hồi và lại càng yêu hơn câu hát “kia dòng nước Sung Đinh chảy về Chông Chác; nước quanh năm nuôi lúa ấp dòng...” trong bài hát Sóc Trăng thân thương của cố nhạc sĩ Quách Trung Tín; càng yêu hơn địa danh Sung Đinh.
Sung Đinh là địa danh quen thuộc như nhiều địa danh dân dã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây có ngôi chùa có tên gọi Peam Buol Thmay (Ngã tư mới) hay còn gọi là chùa Sung Đinh theo cách gọi quen thuộc của bà con cố cựu. Theo cuốn “Monographie de la province de Soc trang 1904”(giải thích khá nhiều về những địa danh xưa của Sóc Trăng), chỉ giải thích ngắn gọn địa danh Sung Đinh xuất phát từ chữ Khmer: “Rum Đênh” và không nói gì thêm. Tôi đã đem tên gọi này hỏi rất nhiều anh em đồng nghiệp rành rẽ chữ Khmer nhưng không ai giải thích được. Cũng như địa danh “Ôi Lôi” của Trường Khánh, địa danh “Rum Đênh - Sung Đinh” vẫn là một “ẩn số” khó giải thích được.
Bà Quách Thu Ba, ngụ Khóm 5, Phường 4, TP. Sóc Trăng tâm tình: “Tôi sống ở Sung Đinh từ nhỏ đến giờ là hơn 80 năm rồi, hồi nhỏ cũng chỉ nghe ông bà nói lại chứ mình cũng không biết tên Sung Đinh, ngã tư Cột lồng đèn có từ khi nào. Có lẽ từ Sung Đinh xuất phát từ tiếng Khmer mà ra, vì ở đây đồng bào Khmer sinh sống cũng nhiều”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hai, một người dân sống cố cựu tại Khóm 5, Phường 4, TP. Sóc Trăng cho hay: “Ngã tư Sung Đinh còn có tên gọi là ngã tư Cột lồng đèn, ngày xưa khá hẹp nên ngay cái “búng” này cũng không sâu lắm. Đến khi người Pháp cho đào kinh Maspero và kinh Saintard và nạo vét kinh Tân Thạnh (Cái Quanh) - Bang Long (Long Phú) thì những chiếc ghe chài chở lúa cùng các loại ghe tàu chở hàng hóa mới xuôi ngược khi nước lớn, còn nước ròng chỉ những chiếc ghe nhỏ như ghe tam bản mới đi được. Rồi ngày ngày ghe xuồng qua lại tấp nập kéo theo những con sóng cuộn nên ngã tư rộng dần dần ra và 4 con “kinh” cũng trở thành “sông” như hiện nay. Địa danh này có từ lâu lắm rồi, tôi bây giờ đã gần đất xa trời mà hồi còn nhỏ tôi đã nghe ông bà xưa kêu cái tên này rồi; hỏi mấy ông bà già trong xóm thì mấy người đó cũng nghe người trước nói lại chứ không biết tên ngã tư Sung Đinh có từ khi nào và ý nghĩa là gì”.
Cũng theo các cư dân nơi đây, do là nơi giao nhau của 4 nhánh sông đổ về nên ngay tại khu vực ngã tư Sung Đinh này là ổ cá đồng, cá nước lợ trú ngụ quanh năm như: cá ngát, cá lăng, cá dồ đém... Các miệng đáy lớn, nhỏ ken nhau dày đặc, mỗi khi có con nước trúng thì ghe đáy chở tôm, cá mệt nghỉ. “Ngay tại ngã tư này là nơi trú ngụ của những con cá ngát “thành tinh” với trọng lượng 5 - 7 ký được người thả câu dính hà rầm; còn có con cua đinh “đầu bự hơn cái chén ăn cơm, mình lớn hơn cái thúng mà không ai bắt được, sau này do giặc giã, súng đạn nhiều nên nó tuyệt tích luôn. Ngã tư Sung Đinh hồi đó nước trong khe, tắm giặt, nấu nướng từ con sông này. Tụi trẻ hồi đó thường tắm sông lặn mò bắt tôm càng, cá bống cát, cá rô... chừng một lát là dư ăn cả buổi chiều. Khách tới bất ngờ thì xách miệng chài ra sông quăng vài chục lần là mồi màng phủ phê. Không như bây giờ, cá mắm dần cạn kiệt hết trơn” - ông Nguyễn Văn Hai tâm tình.
Hiện tại, địa phận Sung Đinh phần lớn thuộc Khóm 5, Phường 4, TP. Sóc Trăng với gần 600 hộ dân sinh sống, hầu hết đều có đời sống khá giả, với đầy đủ các tiện nghi thiết yếu cho đời sống; chỉ còn 3 hộ thuộc diện hộ nghèo. Đa số làm nông nghiệp, một số ít buôn bán nhỏ; trên địa bàn cũng có một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Công tác chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho bà con trên địa bàn được thực hiện tốt. Bà Quách Thu Ba bộc bạch: “Bây giờ cuộc sống ở Sung Đinh ngày một khá giả, tiện nghi hơn lúc trước nhiều; có nhiều chính sách chăm lo cho người dân nên ai nấy đều phấn khởi”.
Đồng chí Phùng Thanh Liêm - Trưởng Ban nhân dân Khóm 5, Phường 4, TP. Sóc Trăng cho biết: “Được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phấn đấu vươn lên của bà con nhân dân nên đời sống người dân tại Khóm 5 nói chung, Sung Đinh nói riêng ngày càng nâng cao. Bà con luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương”.