Đi tìm hành tinh mới, tình cờ tóm được 'siêu ma cà rồng'
Dữ liệu 'cuối đời' của Kính viễn vọng không gian Kepler đã kịp bắt được một sự kiện lạ lùng: một ngôi sao 'ma cà rồng' thuộc dạng dữ dội nhất từng được tìm thấy.
Nhóm nghiên cứu từ NASA hóm hỉnh rằng phát hiện này là một "tai nạn". Kính viễn vọng thiên văn Kepler (hiện đã ngưng hoạt động) được thiết kế để nắm bắt sự biến đổi đột ngột về độ sáng, vốn giúp nó truy tìm các ngoại hành tinh mới: khi nhìn về một ngôi sao và phát hiện có lúc ánh sáng của nó mờ đi như bị thứ gì che khuất, đó có thể là một hành tinh. Chính chức năng này giúp nó bắt được ngôi sao "ma cà rồng" trong khoảnh khắc bùng nổ.
Ngôi sao "ma cà rồng" đặc biệt đã lọt vào tầm ngắm của gã "thợ săn hành tinh" Kepler khi bất chợt bùng sáng hơn 1.600 lần chỉ trong vòng chưa đầy một ngày. Ánh sáng lạ lùng, rực rỡ này là do nó bất ngờ hút vật chất từ một ngôi sao khác gần đó với tốc độ nhanh chóng, tạo ra năng lượng cực mạnh.
"Ma cà rồng" được xác định là một sao lùn trắng. Ngoài hành động "hút máu" đồng loại, nó còn giống nhân vật giả tưởng này ở chỗ nó là một ngôi sao đã chết. Sao lùn trắng là phần còn lại của một ngôi sao hết năng lượng, mặt trời của chúng ta sau này cũng có kết cục như thế.
Khoảng cách quá gần với ngôi sao đồng hành – một sao lùn nâu – đã tạo cơ hội cho nó biến thành "ma cà rồng". Ước tính 2 ngôi sao chỉ cách nhau chừng 400.000 km, tương đương khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng.
Các cặp sao "ma cà rồng và nạn nhân" như thế tồn tại rất hiếm trong vũ trụ, giới thiên văn chỉ xác định được chưa đến 100 trường hợp. Về mặt lý thuyết, "ma cà rồng" sẽ tiếp tục hút vật chất cho đến khi no căng rồi bùng nổ. Bản thân sao lùn nâu cũng sẽ bị bùng nổ nếu cạnh ngoài tương tác với trọng lực của nó bị tách ra do mất vật chất quá nhiều, khiến nhiệt độ tăng đột biến; từ trạng thái chỉ 2.700 đến 5.300 độ C lên tới 9.700 đến 11.700 độ C. Khi đó, sẽ có một "siêu vụ nổ" làm bùng sáng cả một vùng vũ trụ.
Nghiên cứu đã công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.